Kon Tum: Mưa lớn gây ngập, ách tắc và sạt lở nhiều tuyến đường

Thứ ba, 15/10/2013 20:43

(Cadn.com.vn) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 11, trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ ngày 14-10 đến trưa ngày 15-10 mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa đo được từ 70-150mm và kéo dài khiến mực nước ở nhiều khu vực lên nhanh. Đây được xem là đợt mưa trong khoảng 18 giờ có lượng lớn nhất và rộng nhất kể từ sau trận mưa do ảnh hưởng của bão số 9 (tháng 9-2003). Nhiều đoạn đường bị chia cắt, trong đó tuyến Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Kon Tum tê liệt trong nhiều giờ liền vì ngập nặng. Hiện mực nước vẫn chưa có dấu hiệu rút xuống.

Tê liệt trên Quốc lộ 14…vì mưa lớn và thủy điện

Theo thống kê của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum: Mưa to trên diện rộng đã làm cho nước lũ trên các sông trong tỉnh dồn về nhanh. Đến trưa ngày 15-10, mực nước lũ ở thượng nguồn các sông đã xấp xỉ mức báo động 3, các sông ở khu vực hạ lưu cũng lên cao hơn mức báo động cấp 1 đến xấp xỉ mức báo động 2.

Do mực nước lên nhanh cũng như việc xả lũ từ các thủy điện nên từ khoảng 12 giờ ngày 15-10, trên Quốc lộ 14 tại cầu Diên Bình chảy qua sông Pô Kô (thuộc xã Diên Bình, H. Đăk Tô) mức nước lên nhanh khiến khu vực này ngập sâu từ 0,8 - 1m nước với chiều dài khoảng 200m. Hàng trăm phương tiện giao thông bị ách tắc, số khác buộc phải quay trở lại TP Kon Tum hoặc thị trấn Đăk Tô. Trước tình hình trên, Phòng CSGT CA ỉnh Kon Tum phối hợp cùng lực lượng công an các huyện Đăk Tô, Đăk Hà và bộ địa phương chốt chặn, chăng dây cảnh báo và cấm người, phương tiện qua lại đoạn đường này tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Trao đổi trực tiếp với P.V, Đại tá Nguyễn Ngọc Doãn, Phó phòng CSGT CA tỉnh Kon Tum đang túc trực tại đây cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin về việc cầu Diên Bình bị ngập nặng, Phòng đã cử 2 tổ công tác chốt chặn ở 2 đầu khu vực cầu không cho xe cộ qua lại. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, công an huyện tuyên truyền, chốt chặn ở đầu huyện để giảm tải áp lực giao thông tại khu vực này”.

Giao thông tê liệt trên tuyến QL 14 vì cầu Diên Bình ngập nặng

Đến khoảng 15 giờ 20 cùng ngày, mực nước tại đây có giảm xuống, tuy nhiên đến khoảng 15 giờ 40 phút mực nước lại tiếp tục tăng lên tại đây. Qua tìm hiểu của chúng tôi, cầu Diên Bình bị ngập là do thủy điện Plei krong xả lũ chậm khiến mực nước lên cao, gây ngập nặng ở một số khu vực, trong đó có khu vực cầu Diên Bình. Trước sự việc trên, lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum trực tiếp liên lạc phía Cty thủy điện Plei Krông yêu cầu xả lũ nhằm giảm tải áp lực nước ở phía thương lưu cũng như tránh gây ngập lụt ở khu vực thượng lưu, khu vực trong lòng hồ. Sau đó mực nước xuống thấp, tuy nhiên chỉ sau đó khoảng 20 phút, mực nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về khiến khu vực cầu Diên Bình lại rơi vào cảnh ngập nặng. “Chúng tôi sẽ cử cán bộ túc trực, chốt chặn cả đêm nếu mực nước không rút. Sau khi chúng tôi kiểm tra mực nước đã an toàn mới cho các phương tiện qua lại khu vực này”, Đại tá Nguyễn Ngọc Doãn cho biết thêm.

Một đoạn đường bị sạt lở tại khu vực đường vào tái định cư thủy điện Plei Krông

Tại tuyến đường Đăk Kôi – Đăk Psi, tại cầu km24+060, mưa lớn đã khiến nước ngập mặt cầu cao 1,8m khiến hàng loạt phương tiện và người không qua lại được. Tại đoạn đường do thủy điện ĐăkPxi5 làm từ km27+120 - km27+620, nước ngập mặt đường, nơi sâu nhất khoảng 2m (dài khoảng 270m), hiện đơn vị quản lý và huyện Đăk Hà đã phân công nhân trực gác tại điểm ngập lụt để ngăn không cho người qua lại.  Ngoài ra trên một số tuyến đường ở thành phố Kon Tum như đường Ngô Quyền, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, nước cũng ngập cục bộ một số đoạn sâu từ 1-1,5m nước, lực lượng chức năng đã căng dây và cho người túc trực điều khiển các phương tiện giao thông không qua lại, tránh gây nguy hiểm cho người dân.

Mực nước ngập sâu hơn 1m tại ngã tư Trần Phú – Ngô Quyền (TP Kon Tum)

Sạt lở trên nhiều tuyến đường

Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Kon Tum, đến đầu giờ chiều ngày 15-10, nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông như tỉnh lộ 672, cầu Tê Xăng (km46+900), nước dâng cao ngập cầu khoảng 1m; tại m46+100, sụt lở taluy dương với khoảng 1.000m3 đất, đá gây tắc đường. Tỉnh lộ 673, tại km0+700: sạt lở taluy dương với khoảng 700m3 gây tắc đường, tại km6+400, đất tràn ra đường (dài khoảng 50m rộng 12m cao nhất khoảng 1m) gây ách tắc giao thông và các phương tiện không thể lưu thông vào 4 xã: Ngọc Linh, Mường Hoong, Đăk Choong, Xã Xốp (huyện Đăk Glei). Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cũng đã liện hệ bằng điện thoại và làm văn bản gửi Ban QLDA Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo giao thông đoạn Km0 - Km8 tỉnh lộ 673 .

Riêng tại khu vực tỉnh lộ 676, thì tại km26+550, sạt taluy dương đất tràn mặt đường gây ách tắc giao thông. Trên Tỉnh lộ 677, tại km11+200 sạt taluy dương bên trái 1,5m gây tắc đường. Ngoài ra, trên tuyến Quốc lộ 40B, tại km197+100 nước dâng cao ngập qua đường khoảng 20cm và trến tuyến quốc lộ 14 C đường khá lầy lội khiến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn. Tuyến đường Hồ Chí Minh có 16 điểm sạt lở nhỏ kéo dài từ huyện Ngọc Hồi đến huyện Đăk Glei nhưng đơn vị quản lý đường đã giải phóng xong.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum kiểm tra điểm sạt lở tại tỉnh lộ 675 (H. Sa Thầy)

Tại cầu km 24+600 TL675 do ảnh hưởng từ cơn bão số 10 trước bị sạt gần mép đường, huyện Sa Thầy và đơn vị quản lý đã tổ chức nắn dòng chảy nhưng 2 ngày qua mưa lớn nên nước lên khá nhanh và có nguy cơ sạt lở tiếp. Ngay trong sáng 15-10, đơn vị quản lý là Cty CP xây dựng và quản lý công trình đã vận chuyển đá, rọ đá lên để tiến hành khắc phục  bảo vệ mặt đường và cầu.

Theo thống kê sơ bộ của một số địa phương, cơn bão số 11 đã gây ảnh hưởng đến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum: tại huyện Kon Plông bị tốc mái 1 nhà Văn hóa cộng đồng, 2 phòng học và 5 nhà dân. Tại huyện Đăk Tô, đã có 7 nhà dân tại xã Tân Cảnh và 03 nhà dân tại xã Đăk Trăm bị tốc mái. Trôi cầu tạm tại Km 19 thôn Tam Rin, đường Tu Mơ Rông- Ngọc Yêu; nhiều điểm vào các thôn Pu Tá, Kon Pia bị sạt lỡ và ngập cục bộ gây ảnh hưởng thông suốt giao thông. UBND huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức di dời đến nơi an toàn 28 hộ dân tại thôn Tân Ba xã Tê Xăng. Mưa lũ cũng làm tốc mái 04 hộ dân tại xã Đăk Hà và gây nhiều thiệt hại lúa và hoa màu tại các xã trên địa bàn huyện.

Còn tại cây cầu sập( đã được khắc phục bằng dàn cầu thép Ben Lei) nước từ thượng nguồn đổ về khá mạnh nhưng cũng chưa ảnh hưởng đến mố cầu. Tuy nhiên, đơn vị quản lý đường vẫn chỉ đạo tuần đường túc trực để phát hiện và xử lý kịp thời. Còn trên tỉnh lộ 674, tại cầu số 3, nước chảy mạnh khiến ta luy âm có dấu hiệu sạt lở vào mép đường và nhiều điểm sạt lở khác vẫn đang có nguy cơ sạt lở tiếp.

Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các đơn vị quản lý đường, chính quyền địa phương và các đơn vị khác huy động máy móc, con người nhanh chóng tổ chức dọn đất đá, túc trực sử lý tại các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông và an toàn tính mạng của người dân. Đến thời điểm 17 giờ ngày 15-10, mưa đã ngớt hạt ở nhiều khu vực của tỉnh Kon Tum nhưng theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh thì với cường suất lũ lên từ 0,20 – 0,50 mét/giờ thì chiều và đêm nay mực nước lũ trên các sông sẽ lên cao hơn mức báo động cấp 3 từ 0,50 – 1,50 mét. Hiện UBND tỉnh Kon Tum đang tích cực triển khai các phương án chống sạt lở, mưa lũ và đảm bảo an toàn tính mạng người dân, giao thông tại các khu vực bị ngập, sạt lở nặng.

Minh Tân