Tiền giả, giấy tờ giả và hệ lụy khôn lường

Kỳ cuối: Hệ lụy và những cảnh tỉnh

Thứ tư, 14/06/2017 16:10

(Cadn.com.vn) - Trong quá trình tìm hiểu các hình thức mua bán tiền giả, bằng giả, giấy tờ giả, chúng tôi xác định được có rất nhiều trường hợp các đối tượng lợi dụng lòng tham của người muốn có tiền, bằng cấp, giấy tờ... giả để phục vụ nhu cầu của mình nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Không ít trường hợp “dở khóc dở cười” khi đã gửi tiền đặt cọc, sau đó đối tượng đã khóa điện thoại, nick facebook, zalo… Tuy nhiên trong thực tế vẫn có trường hợp mua được tiền giả, giấy tờ giả, bằng cấp giả… và sử dụng vào các hoạt động phi pháp. Những trường hợp này khi bị phát hiện sẽ bị cơ quan chức năng xử lý rất nghiêm minh.

CATP Đà Nẵng điều tra, làm rõ vụ làm bằng giả, giấy tờ giả quy mô lớn tại Đà Nẵng. Ảnh: C.K

Cẩn thận dính bẫy lừa đảo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc các đối tượng rao bán, đổi tiền giả, mua bán các loại bằng cấp, giấy tờ giả trên các trang mạng Internet, mạng xã hội đa phần là lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Các đối tượng này thường sử dụng chiêu bài đăng thông tin có đổi tiền giả số lượng nhiều, tỷ lệ thật - giả cao để thu hút người khác. Khi người có nhu cầu đồng ý, các đối tượng này sẽ bắt đặt cọc tiền sau đó mới gặp để giao tiền giả trực tiếp và nhận số tiền thật còn lại. Tuy nhiên, khi người có nhu cầu mua, đổi tiền giả gửi tiền cọc thì các đối tượng lại cao chạy xa bay, xóa tài khoản trên mạng xã hội. Chủ tài khoản facebook Hồ Tú tâm sự, do thấy chủ tài khoản tên Lê Huy đăng thông tin đổi tiền giả với mức 1 triệu đồng tiền thật lấy 7 triệu đồng tiền giả nên hỏi thăm và sau đó làm theo hướng dẫn là đặt cọc 500 ngàn đồng bằng hình thức nộp card điện thoại, 2 ngày sau nhận tiền giả và trả nốt số còn lại. Tuy nhiên, đợi hơn 1 tuần mà không có ai gọi điện để nhận tiền giả nên Tú vào mạng tìm Huy hỏi sự việc thì lúc này Huy lập tức chặn liên lạc với Tú. Mất tiền, Tú rất tức nhưng không trình báo cơ quan CA.

Riêng vấn đề về giấy tờ, bằng cấp giả thì trong thực tế các đối tượng vẫn hoạt động, nhất là ở khu vực Hà Nội, TPHCM. Trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng CA các cấp cũng đã khám phá, triệt xóa nhiều đường dây, đối tượng mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả. Đơn cử, giữa năm 2016, trong khi phá một chuyên án mua bán xe máy trên địa bàn, Đội Cảnh sát hình sự CAQ Hải Châu (TP Đà Nẵng) phát hiện nữ sinh viên đang học tại Đà Nẵng có mua chiếc xe máy Yamaha Exciter là tài sản trộm cắp. Sau khi mua được chiếc xe nói trên, sinh viên mua thêm một BKS giả để lắp vào chiếc xe để sử dụng. Đến khi bị phát hiện, sinh viên này thừa nhận hành vi của mình và cơ quan CA đã thu giữ xe máy để trả lại cho bị hại, đồng thời lập hồ sơ xử lý hành vi mua bán giấy tờ giả của cô gái này theo quy định.

Trước đó, giữa tháng 12-2014, CATP Đà Nẵng đã triệt phá đường dây làm giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức có quy mô lớn, thu giữ hơn 1.000 phôi bằng giả cùng hơn 20 con dấu giả của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố... Đường dây này do Trần Ngọc Anh (1952, còn gọi Thành, trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), Nguyễn Hằng Minh (1978, trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng), Đặng Tuấn Anh (1956, trú Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) và Nguyễn Xuân Hoàng (1958, trú Bình Hải, Thăng Bình, Quảng Nam) điều hành. Tiếp đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Đà Nẵng khám xét nơi ở của Lê Ngọc Quý (1987, trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu), một đối tượng của đường dây làm giả con dấu, chữ ký, tài liệu nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, Quý đã dùng máy scan chữ ký và con dấu rồi sao chép lần lượt vào 11 hồ sơ giả đưa cho đồng bọn thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người muốn mua đất tái định cư... Nhiều vụ việc tương tự cũng đã được CATP Đà Nẵng và CA các quận, huyện trên địa bàn điều tra, làm rõ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

 Một BKS giả đối tượng sử dụng trong vụ trộm cắp được CAP Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm rõ.

Đại tá Lê Ngọc - Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông CATP Đà Nẵng cho biết, hiện đơn vị đang tạm giữ khoảng 2.000 giấy tờ liên quan đến người sử dụng mô-tô, xe máy nhưng họ chưa đến nhận. Trong số này có nhiều dạng, giấy tờ giả cũng có, người vi phạm bỏ giấy tờ cũng có... Còn Thiếu tá Thái Anh Tuấn - Đội trưởng Đội Tuyên truyền và xử lý, Phòng CSGT CATP Đà Nẵng cho biết, trong những năm gần đây, khi thay đổi công nghệ làm GPXL bằng chất liệu nhựa (công nghệ Pet) thì việc sử dụng GPLX giả đã giảm hẳn. Tuy nhiên, về giấy tờ xe giả thì vẫn còn, không chỉ xe máy mà cả ô-tô. Mới đây nhất, trong tháng 3-2017, khi Sở GTVT thành phố tiếp nhận đơn xin đi vào đường cấm của một hộ kinh doanh đã phát hiện giấy tờ đăng ký xe giả nên gửi sang Phòng CSGT lập hồ sơ xử lý. Qua giám định ban đầu xác định số giấy tờ xe mà người dùng để đăng ký vào đường cấm là giả nên hiện vụ việc đang được chuyển cho Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng mở rộng điều tra theo thẩm quyền. Theo Thiếu tá Thái Anh Tuấn, hành vi sử dụng GPLX giả, giấy tờ xe giả, bằng cấp giả... ngoài việc vi phạm pháp luật còn có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến bản thân và người khác do không được đào tạo, thiếu kỹ năng, hiểu biết về các quy định an toàn...

Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, NHNN cũng như ngân hàng thương mại trên địa bàn Đà Nẵng chưa phát hiện vụ việc nào liên quan đến vấn đề tiền giả. Tuy nhiên, việc mua bán, đổi tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại an ninh tiền tệ quốc gia, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, xã hội và có thể bị xử lý hình sự. Ông Võ Minh cho biết thêm, để tránh tình trạng người dân lưu thông tiền giả, NHNN Việt Nam đã phát hành các tài liệu hướng dẫn dấu hiệu phân biệt giữa tiền giả và tiền thật, đồng thời dán ở các nơi giao dịch của ngân hàng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng gửi công văn đến các cơ quan CA, Biên phòng, Hải quan để phối hợp phát hiện các hành vi vi phạm như tàng trữ, lưu thông, mua bán tiền giả nhằm kịp thời xử lý. Ông Minh cũng khuyến cáo người dân, các cơ quan, tổ chức không tham gia mua bán, tàng trữ, lưu thông tiền giả. Trong trường hợp phát hiện tiền giả, người biết việc cần báo ngay với cơ quan chức năng để thu giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.

 Nguyễn Tuấn