Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia

Thứ tư, 25/11/2015 07:53

* Ông Nguyễn Sinh Hùng được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Đề cử danh sách Hội đồng bầu cử quốc gia

Với đa số phiếu tán thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được bầu là Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia. Sau khi được bầu, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo đó, các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia gồm: bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 16 thành viên: bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng; ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng thư ký Quốc hội. Tờ trình nêu rõ: Căn cứ Điều 98 và 99 của Luật Tổ chức Quốc hội quy định Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Thực hiện các quy định nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng giới thiệu ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp để Quốc hội bầu giữ chức vụ tổng Thư ký Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Sau đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận về: đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; dự kiến nhân sự Tổng thư ký Quốc hội.

Về việc tuyên thệ

Ngày bầu cử quốc gia: 22-5-2016

Sáng 24-11, Quốc hội nghe Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. 100% đại biểu Quốc hội có mặt đã tán thành ngày chủ nhật, 22-5-2016 là Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Sáng 24-11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Với 87,65% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) gồm 3 chương 56 điều. Nội quy quy định: Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp giữa năm khai mạc vào ngày 20-5; kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày 20-10. Trường hợp ngày 20-5 và ngày 20-10 trùng vào ngày thứ sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp là ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp vào các thời điểm nêu trên thì ngày khai mạc kỳ họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cho biết, tuyên thệ là vấn đề mới được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, theo đó ngay sau khi được bầu thì Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao phải thực hiện việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung một điều mới (Điều 29) quy định về việc người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao, người tuyên thệ phải đứng tuyên thệ trước Quốc kỳ, thời gian tuyên thệ không quá 3 phút như trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Cũng trong phiên họp sáng 24-11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với 86,84% đại biểu Quốc hội tán thành. Với 6 phần, 27 chương, 689 điều, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

Thu Thủy – TTXVN