Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Đảm bảo quyền tự do báo chí

Thứ năm, 05/11/2015 06:47

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 4-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định tổ chức và hoạt động báo chí; quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá về tổng thể, dự thảo Luật báo chí đã kế thừa những nội dung cơ bản của Luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, một số vấn đề của dự thảo Luật còn một số bất cập, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh. Cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí giấy phép trong hoạt động báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí; họp báo; nhà báo; mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí...

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật báo chí (sửa đổi).

Trước đó, ngay trước phiên họp của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí về tinh thần, nội dung mới của dự án Luật Báo chí. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Trên cơ sở cụ thể hóa đầy đủ, chính xác quy định của Điều 25 Hiến pháp 2013, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã tạo hành lang pháp lý để đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tạo cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật đã đưa ra các quy định về việc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng; báo chí, nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin, có quyền được biểu đạt thông tin, tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí.

Trả lời câu hỏi, việc thực hiện quy hoạch báo chí cũng như định hướng của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 có mâu thuẫn với quy định của Luật Báo chí (sửa đổi) không?, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói: Bộ TT&TT đã phổ biến nội dung cơ bản của định hướng Quy hoạch cho các đối tượng có liên quan; làm việc với một số bộ, ngành, địa phương là chủ quản cơ quan báo chí có ấn phẩm thuộc đối tượng quy hoạch.

Cơ bản các cơ quan, đơn vị đều đã chuẩn bị phương án quy hoạch, tuy nhiên, đa số xin cơ chế đặc thù để phát huy giá trị tích cực của các ấn phẩm báo chí hiện có trong công tác tuyên truyền. Bộ cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, tính đến yếu tố đặc thù của báo chí Hà Nội, TPHCM và một số chủ quản có nhiều ấn phẩm đang hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt công tác tuyên truyền.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, các nội dung định hướng trong Quy hoạch báo chí không có gì mâu thuẫn với dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Luật Báo chí sửa đổi được ban hành trong thời gian tới sẽ là căn cứ pháp lý để triển khai các nội dung đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua, được nêu trong đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Thu Thủy – TTXVN