Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Đề xuất nhiều giải pháp phát triển KT - XH

Thứ ba, 03/11/2015 08:21

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Đại biểu thảo luận bên lề Kỳ họp.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 trình Quốc hội. Tán thành với các nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra, nhiều đại biểu Quốc hội đã đi sâu phân tích những mặt còn hạn chế, yếu kém của kinh tế nước ta. Cụ thể nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn.

 Đại biểu Vương Đình Huệ:

Chính phủ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016, trong đó cần phát triển cân đối, hài hòa hơn giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực doanh nghiệp trong nước. Để làm được điều này, cần tăng cường chọn lọc đầu tư FDI, thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, có sự kết nối khối FDI với doanh nghiệp trong nước.

 Đại biểu Nguyễn Thái Học:

Những vấn đề mang tính luật pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bắt nguồn từ thể chế kinh tế thị trường, phải được đổi mới, vận hành đồng bộ. Báo cáo của Chính phủ có nêu thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong nhiều lĩnh vực nhận thức chưa đồng bộ, chưa là động lực để phát triển đồng bộ, vì vậy cần phải xem lại. Đội ngũ cán bộ phải chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, thay thế những cán bộ yếu kém để có bộ máy cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt.

 Đại biểu Cao Sỹ Kiêm:

Đây là giai đoạn rất nhiều khó khăn, nhưng cũng không ít thuận lợi, nhất là khi Việt Nam đã ký được các Hiệp định thương mại tự do (FTA), kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo tiền đề để hội nhập sâu hơn, kể cả đa phương và song phương. Để hiện thực hóa các mục tiêu kế hoạch 5 năm tới mà Chính phủ đề ra, đại biểu nhấn mạnh tới sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương; phải cụ thể hóa, minh bạch kịp thời, công khai, dân chủ nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp.

 Đại biểu Trần Du Lịch:

Tôi cho rằng những gì đạt được của 5 năm (2011- 2015) đã tạo tiền đề tốt cho giai đoạn tới 2016 - 2020. Giai đoạn này, tôi tin rằng sẽ tăng trưởng cao hơn, nếu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế như đã đề ra. Mặt khác, chúng ta đã làm tốt việc tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện 3 khâu ưu tiên, tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc các ngân hàng thương mại, các tập đoàn tổng công ty Nhà nước và phân bố tốt hơn nguồn lực...

 Đại biểu Trương Minh Hoàng:

Hiện nay, khoảng hơn 60% dân số sống nhờ vào nông nghiệp và nông nghiệp cũng cứu cánh cho đất nước suốt thời gian qua. Tuy nhiên, việc đầu tư cho nông nghiệp từ trước đến nay vẫn chưa thỏa đáng. Tất cả vật tư nông nghiệp, người nông dân đều phải gánh chịu các mặt hàng hầu như trôi nổi, trừ một số loại phân bón hiện nay chúng ta làm được... Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần xem xét, tính toán và không nên thả nổi mặt hàng này; không để xảy ra lũng đoạn thị trường và cần kiểm tra, đánh giá, đồng thời có biện pháp cứu cánh để nông dân yên tâm sản xuất, nuôi trồng.

T.Thủy (ghi)

Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn đang là vấn đề xã hội bức xúc; chất lượng nguồn nhân lực thấp...

Thúc đẩy nông nghiệp phát triển tương xứng

Quan tâm tới vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều đại biểu Quốc hội đã đi sâu phân tích, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển tương xứng với vị trí, tầm quan trọng của nó trong nền kinh tế đất nước. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh, để cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp với các nước lớn trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, thì sản xuất quy mô lớn phải định hướng được thị trường đầu ra.

Đại biểu Cảnh lưu ý, phải đảm bảo năng lực quản lý, năng lực tài chính để có thể vượt qua những rủi ro của thị trường, nhưng đây là việc mà nông dân không thể tự làm được mà cần phải có doanh nghiệp kết hợp cùng. Đại biểu nêu: "Làm sao để doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra khi giá xuống thấp, cũng như làm sao để người dân cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp khi giá trên thị trường tăng, mặc dù hai bên đã có cam kết bao tiêu sản phẩm. Theo tôi, để đảm bảo liên kết này chặt chẽ, cần có bên thứ ba đứng ra bảo lãnh cho cả hai bên".

Nhắc lại việc tăng cường liên kết 4 "nhà", đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng để phát huy hiệu quả thì cần có "nhà" thứ 5 đó là ngành tài chính. Đây cũng chính là mắt xích quan trọng bổ sung cho liên kết các nhà trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra liên kết hiệu quả hơn - đại biểu khẳng định. Theo đó nhà tài chính tham gia sẽ cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn, để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư công nghệ cho sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp Việt Nam. Theo đại biểu đây cũng là bên thứ ba bảo đảm liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân.

Điều chỉnh kịp thời các chính sách để hội nhập thành công

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, điều chỉnh kịp thời các chính sách, giải pháp để chủ động hội nhập có hiệu quả khi đàm phán xong các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho rằng đây là một trong những giải pháp cần chú trọng trong năm 2016.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn đánh giá việc kết thúc đàm phán TPP là cơ hội để Việt Nam tham gia sân chơi chung với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, việc tham gia TPP cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Để giúp các doanh nghiệp chủ động hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, đại biểu Nguyễn Cao Sơn đề nghị trong nhóm các giải pháp đã nêu, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận thông tin đầy đủ về Hiệp định; chuẩn bị các điều kiện và cơ chế, chính sách phù hợp giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập bền vững.

Đại biểu Trần Khắc Tâm cho rằng, 9 năm trước khi Việt Nam tham gia WTO nhiều người nghĩ rằng kinh tế nước ta có thể tăng trưởng từ 8 - 9% trong 10 năm liên tiếp. Nhưng thực tế lại khác, bởi sự bất ổn bên ngoài và yếu kém bên trong đã làm cho Việt Nam nhiều phen lao đao sau khi gia nhập WTO. Do đó, để hội nhập TPP thành công, cần có thể chế và con người hội nhập. Cụ thể, phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật hơn nữa và sự đồng lòng từ trên xuống dưới. Trước mắt phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, yếu kém ra khỏi bộ máy, đại biểu kiến nghị.

Tiếp tục đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực

Đánh giá nguồn nhân lực là điểm mấu chốt, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị công tác này cần được tiếp tục quan tâm, đầu tư trong năm tiếp theo. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nêu một thực trạng: Có rất nhiều bạn trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài; nhiều cha mẹ và các cháu có mong muốn học xong trở về Việt Nam, nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác và phát huy nguồn lực này. Đại biểu lấy một minh chứng cụ thể, đã có 13 cháu được nhận học bổng Đường lên đỉnh Olympia để đi du học, nhưng sau đó 12/13 cháu ở lại nước ngoài, không trở về nước.

Đại biểu đặt câu hỏi, liệu chúng ta có trăn trở về điều này hay không, trong khi nhiều địa phương đang phải cố gắng cân đối ngân sách cho đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Đại biểu kiến nghị thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng và phát huy nhân tài, trong đó chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản, không chỉ dựa vào nguồn nhân lực do Nhà nước đầu tư đào tạo. "Làm thế nào có thể thu hút lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua một cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch, dựa trên những tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học, có biện pháp mạnh, kiên quyết để tinh giản bộ máy, rà soát hợp lý hóa các đầu mối, nghiên cứu hợp nhất với các bộ phận, tránh chồng chéo để nâng cao năng suất lao động"- đại biểu đề xuất.

Thu Thủy – TTXVN