Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận việc tách dự án sân bay Long Thành
(Cadn.com.vn) - Chiều 1-6, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại hội trường, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.
Đồng tình với việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Dự án thành dự án thành phần để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm sớm triển khai Dự án, nhiều đại biểu cho rằng đây là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, đã có quy hoạch từ năm 2005, ảnh hưởng đến đời sống và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư địa phương. Việc sớm thực hiện hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án, không những sớm ổn định cuộc sống của người dân, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi, mà còn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, đồng thời tiết kiệm được kinh phí.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) lo ngại tách thành phần để làm trước việc đền bù cho dân có đúng quy định của pháp luật không, khi Chính phủ chưa có báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa có thông số kỹ thuật để quyết định đi đến đầu tư hay không; chưa có quyết định đầu tư đã triển khai giải phóng mặt bằng, nếu đến năm 2019 mới trình báo cáo khả thi thì lúc đó mọi thứ đều muộn.
ĐB Võ Thị Như Hoa trình bày tham luận tại hội trường. |
Phản hồi ý kiến của đại biểu Phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm quốc gia. Từ ngày Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư đến nay đã 2 năm nhưng chưa có báo cáo khả thi là chậm. Vì thế, phải tách thành phần ra làm trước để không ảnh hưởng đến tiến độ giai đoạn 1. Khi lập báo cáo tiền khả thi, tiền bồi thường chỉ có 12 nghìn tỷ đồng, tới thời gian Quốc hội thông qua đã tăng lên 18 nghìn tỷ đồng và hiện nay là 23 nghìn tỷ đồng.
Đồng ý với đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chủ trương là thống nhất. “Ở đây chúng ta phải phê bình việc chậm triển khai một quyết định đầu tư của Quốc hội, 2 năm rồi chưa có báo cáo khả thi... Nghị quyết 94 của Quốc hội (về việc thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai) quá chặt chẽ. Nhưng không phải nghị quyết gây khó khăn, làm chậm chễ. Cũng vì Nghị quyết 94 mà chúng ta phải ngồi lại để ra nghị quyết này”, Chủ tịch Quốc hội nói.
* Sáng 1-6, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng dự thảo Luật trình Quốc hội lần này có rất nhiều điểm tiến bộ, đã tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH và các Đoàn ĐBQH. Điều này thể hiện rõ quan điểm về nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý (TGPL), lấy người được TGPL làm trung tâm của công tác TGPL.
Về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, theo ĐB Hoa, TGPL được xác định là trách nhiệm của Nhà nước đối với người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, là một hoạt động mang tính nhân văn. Trong điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) hạn hẹp như hiện nay, việc thu hút nguồn lực từ ngoài xã hội để cùng với Nhà nước tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách là rất cần thiết. Tuy nhiên, để kêu gọi được các chủ thể khác tham gia thì không phải chỉ dừng lại ở sự tôn vinh, kêu gọi mà cần phải có chính sách cụ thể. Theo đó, ĐB đề nghị quy định cụ thể các chính sách khuyến khích thiết thực cho các tổ chức hành nghề luật sư, các Trung tâm tư vấn pháp luật tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý và hỗ trợ kinh phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý thông qua hợp đồng đặt hàng với Nhà nước cung cấp dịch vụ pháp lý. Có như vậy thì việc kêu gọi xã hội hóa mới mang lại hiệu quả.
Về vấn đề trợ giúp pháp lý cho người Việt Nam vi phạm pháp luật tại nước ngoài: ĐB cho rằng, với xu thế hội nhập như hiện nay, khi mà công dân tự do đi lại, sinh sống ở nhiều nước khác nhau thì việc người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài không phải là không có. Trong trường hợp những đối tượng này gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì Nhà nước cần có trách nhiệm TGPL cho họ. Do đó, ĐB đề nghị luật cần có quy định riêng việc TGPL cho các đối tượng là người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài thuộc các đối tượng được TGPL.
Trần Vinh – Vũ Hưng