Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến bảo vệ an ninh mạng
Sáng 29-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng.
Cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, bởi nhiều sự kiện trong thời gian gần đây liên quan đến an ninh mạng không chỉ gây ảnh hưởng nhỏ lẻ đến một vài cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị của đất nước; nhiều vụ việc xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, lợi ích quốc gia...
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận tại Hội trường. |
Cần bổ sung chính sách về an ninh mạng
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) phân tích: Thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Việc ban hành Luật An ninh mạng sẽ góp phần phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến bảo vệ an ninh mạng.
Đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) dẫn chứng: Thực tiễn cho thấy trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều hoạt động vi phạm pháp luật trong không gian mạng, gây bức xúc trong xã hội. Đó là các hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội như hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo chống Nhà nước, hoạt động gián điệp mạng đánh cắp bí mật nhà nước, xâm phạm lợi ích kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, nổi lên là các hoạt động lừa đảo, trộm cắp, đánh bạc, cá độ, mại dâm qua mạng; đánh cắp thông tin cá nhân, vu khống, làm nhục người khác qua mạng và cao hơn nữa là tấn công qua mạng, chiếm quyền điều khiển, khủng bố mạng, chiến tranh mạng... Những vấn đề nêu trên là thực trạng hết sức bức xúc, nhức nhối đã và đang diễn ra, nhưng việc xử lý rất bị động, lúng túng, hiệu quả không cao vì hệ thống pháp luật của nước ta chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ quy định cụ thể, rõ ràng về các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) hoàn toàn nhất trí là cần thiết phải có Luật An ninh mạng, nhưng đề nghị cần quy định một giới hạn thật rõ ràng, cụ thể về phạm vi điều chỉnh của luật này, để từ đó xác định phương pháp điều chỉnh và các quy định khác. Đối với quy định về xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát, theo đại biểu Sơn, việc chúng ta để cho một hậu quả quá nặng nề xảy ra mới bắt đầu xử lý thì điều đó không ổn. Về việc uy hiếp hoặc gây thiệt hại về tinh thần cho người khác, thật khó để thẩm định, đo được thiệt hại đến đâu. Vì vậy, Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ các vấn đề này.
Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng
Đối với quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) cho rằng, dự án Luật nên bỏ quy định tại Điều 30 về nội dung này, bởi về cơ bản các nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Trẻ em năm 2016 (Điều 33 quy định về quyền được tiếp cận thông tin; Điều 54 quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng). Nội dung này cũng không thực sự liên quan nhiều đến chủ đề an ninh mạng mà dự án Luật điều chỉnh. Việc giữ quy định tại Điều 30 của dự án Luật sẽ tạo ra sự chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, gây chồng lấn về thẩm quyền quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành có liên quan đối với việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Các đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lại cho rằng cần có quy định cụ thể về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong dự án Luật. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng dự án Luật cần quy định về quyền bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của gia đình, người chăm sóc tham gia bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của nhà trường, cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ về an ninh mạng trên mạng; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên mạng, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo vệ an ninh mạng; đồng thời cần có quy định về bổn phận của trẻ em khi tham gia trên không gian mạng.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh: Dự án Luật cần có một nội dung cụ thể về bảo vệ trẻ em trong không gian mạng, để các em có môi trường an toàn, vui chơi phù hợp với lứa tuổi. “Nếu Quốc hội đồng tình đưa nội dung này vào dự án Luật, điều luật này sẽ bổ sung quy định các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu để phát triển một cổng thông tin điện tử tích hợp dành riêng cho trẻ em sử dụng tại các gia đình, trường học, các cơ sở cung cấp dịch vụ Internet để các em có thể tiếp thu các thông tin đã được xây dựng một cách có chọn lọc, được liên kết với các nguồn thông tin phục vụ cho việc học tập, vui chơi, giáo dục giới tính, kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi, để có một thế hệ trẻ em phát triển toàn diện trí - thể - mỹ’’ - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất.
Tránh chồng lấn nhiệm vụ của Cảnh sát biển
Chiều 29-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Đối với dự án Luật Cảnh sát biển, các đại biểu nhất trí việc ban hành luật là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Với tính chất đặc thù của hoạt động trên biển, nhiều đại biểu đưa ý kiến việc xác định chức năng của Cảnh sát biển phải phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, không tạo ra điểm trống trên biển nhưng cũng tránh bao trùm và chồng lấn lên chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng, cơ quan, tổ chức khác; đồng thời tăng cường sự phối hợp trong các hoạt động trên biển. Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đề nghị Luật Cảnh sát biển cần quy định rõ về phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với Bộ đội biên phòng, Hải quân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, địa phương.
Lấy dẫn chứng tại Bình Thuận thời gian qua công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng với lực lượng Cảnh sát biển còn nhiều hạn chế, đại biểu Cảnh phân tích, khi xảy ra sự cố trên biển, cần huy động tàu bè, phương tiện để tìm kiếm, cứu nạn thì cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp của Cảnh sát biển với UBND các địa phương, các lực lượng trên biển khác để thực hiện tốt nhiệm vụ chung”. Tuy rằng quy định về quản lý nhà nước đã quy định về chức năng phối hợp, tuy nhiên, Luật Cảnh sát biển cần quy định cụ thể hơn để triển khai thống nhất trên thực tiễn” - đại biểu Cảnh kiến nghị.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu kiến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh sát biển bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.
THU THỦY – TTXVN
* Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 10 điều, phù hợp với Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và tình hình thực tiễn hiện nay. Dự án Luật tập trung vào một số nội dung như: Chính sách học phí học sinh, sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội... Tán thành sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh việc nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để phát triển giáo dục phù hợp với các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp 2013 và yêu cầu của thực tiễn; khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trong Tờ trình; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Đồng thời, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách; nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, các cơ quan quản lý liên quan để xây dựng các chính sách, quy định của Luật Giáo dục phù hợp, khả thi. T.T |