Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Thận trọng khi xử lý tài sản không giải trình hợp lý về nguồn gốc

Thứ sáu, 01/06/2018 07:00

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 31-5, Quốc hội nghe Chính phủ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật này.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: NGUYỄN DÂN

Làm rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Tổng Thanh Tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội cho thấy nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Việc xác định phạm vi mở rộng các đối tượng áp dụng bắt buộc biện pháp phòng, chống tham nhũng như đề xuất trong dự thảo Luật, Chính phủ giải trình: Hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cá nhân và tổ chức có liên quan. Kết quả rà soát pháp luật hiện hành có liên quan cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng trong các tổ chức, doanh nghiệp này chưa được quy định rõ ràng về phương thức và biện pháp cụ thể. Nếu lựa chọn phương án mở rộng việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước thì sẽ không mang tính khả thi.

Đối với nội dung các quy định phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước (Chương VIII của dự thảo Luật), một số ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ ở khoản 6 Điều 4 cho phù hợp với việc dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37 của dự thảo Luật), nhiều đại biểu tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật là mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để phù hợp với quy định của Đảng; nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật là thu hẹp phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, cần tập trung vào các đối tượng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao; có ý kiến đề nghị chỉ quy định kê khai đối với trường hợp được bầu, bổ nhiệm mà không quy định đối với tất cả.

Sau khi nghiên cứu, Chính phủ thể hiện quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tại Điều 37 của dự thảo Luật như phương án 1 của dự thảo Luật. Giải trình về phương án này, Chính phủ cho biết việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và với viên chức giữ chức vụ tương đương phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một bước đi cần thiết để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai, qua đó giúp kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hàng năm.

Xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản là vấn đề rất phức tạp

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật được chỉnh lý về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là một dự án Luật rất quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta, bảo đảm tính khả thi.

Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý (Điều 59 dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có (tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc).

Đối với sự cần thiết phải xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do phạm tội, do vi phạm pháp luật mà có) thì tùy từng trường hợp, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể để xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu hoặc tịch thu sung công... Riêng đối với tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được về nguồn gốc thì đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định để xử lý, trong đó không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng người có nghĩa vụ kê khai cũng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp và Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết.

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề mới và phức tạp, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Tư pháp nhận thấy, đặc điểm xã hội nước ta là người dân (trong đó có cán bộ, công chức) có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau ngoài thu nhập từ lương, trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản... Do vậy, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước, do đó không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản do phạm tội tham nhũng mà có để tịch thu bằng biện pháp hình sự. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Dân sự về căn cứ xác lập quyền sở hữu và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh thì cũng không thể coi đó là tài sản của Nhà nước để xác lập quyền sở hữu nhà nước và cũng khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện.

Đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc được đặt ra và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân.

THU THỦY – TTXVN

ĐỀ NGHỊ MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG RA KHU VỰC NGOÀI NHÀ NƯỚC

Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Sơn La, Tây Ninh, Ninh Bình. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) nhất trí phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước nhằm thực hiện một trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Theo ĐB Quang, thời gian qua có nhiều vụ việc sai phạm xảy ra do thiếu minh bạch và thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu đối với các tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước là một trong những nguyên nhân để xảy ra những thiệt hại cho nền kinh tế, Nhà nước, xã hội và người dân; công  tác phòng chống tham nhũng trong các tổ chức, doanh nghiệp này chưa được quy định rõ ràng về phương thức và biện pháp cụ thể. Do đó, ĐB Quang cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước là cần thiết.

Về kê khai tài sản, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, Điều 38 quy định tài sản là kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì phải kê khai. Khoản 2 Điều 39 quy định việc kê khai bổ sung khi người có nghĩa vụ kê khai có tài sản mới hoặc thu nhập phát sinh trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên thì phải kê khai bổ sung. ĐB Hoa đề nghị xem xét lại tính thống nhất giữa hai quy định này, vì Điều 38 thì tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai, nhưng Điều 39 thì tài sản phát sinh phải từ 300 triệu đồng trở lên mới phải kê khai bổ sung. Khi đó, những tài sản phát sinh thêm trong năm có giá trị lớn hơn 50 triệu nhưng dưới 300 triệu đồng thì không phải kê khai bổ sung (trừ trường hợp kê khai hàng năm theo Khoản 3). Nếu trong các năm tiếp theo, mỗi năm tài sản phát sinh không quá 300 triệu đồng thì không phải kê khai bổ sung. ĐB Hoa cho rằng điều này là bất hợp lý. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đồng thời đảm bảo tài sản, thu nhập được kê khai đầy đủ, ĐB Hoa đề nghị quy định theo hướng khi phát sinh tài sản thuộc diện kê khai (chưa được kê khai) thì phải kê khai bổ sung.

PHẠM HỮU HOA