Ký sự Đà thành (Kỳ 12: Câu chuyện Sơn Trà)

Thứ bảy, 25/11/2017 11:04

Chiều chiều mây phủ Sơn Chà

Lòng ta thương nhớ bạn nước mắt và lộn cơm;

..Sấm giăng núi Chúa trời đà chuyển mưa...

Có đến trên 30% số câu tục ngữ về thời tiết Quảng Nam- Đà Nẵng liên quan đến Sơn Trà (hay Sơn Chà)... Chỉ riêng điều này thôi, ngọn núi- bán đảo này đã gắn liền với người dân Đà Nẵng từ bao đời, như một gia sản...

Tour xe đạp khám phá thiên nhiên Sơn Trà.

1. Cùng với hệ thống núi non Hải Vân ở phía bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía nam vây lại thành hình cánh cung tạo nên một vịnh biển mang tên Vũng Sơn Trà, hay còn gọi bằng nhiều tên khác khá quen thuộc như Vũng Tiên Sa, Vũng Thùng, Vũng Hàn, vịnh Đà Nẵng... Với vị trí này, Sơn Trà như một tấm chắn mọi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào thành phố yên bình này. Sơn Trà có 4.000 ha rừng, trong tổng số diện tích trên 4.439 ha; đất chưa có rừng chỉ khoảng 750 ha, là nơi giao lưu giữa hai hệ động vật và thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc. Núi Sơn Trà cao đến gần 700 m, xưa nay được xem như đài khí tượng thiên nhiên của Đà Nẵng, cung cấp một phần nước ngọt cho phía đông thành phố. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia vừa có hệ sinh thái đất ướt ven biển vừa có thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh đa dạng với tổng số 298 loài thực vật cao thuộc 271 chi, 90 họ, 64 loại gỗ lớn, 107 cây thuốc quý và nhiều giống lan rừng. Sơn Trà còn nổi tiếng là nơi có thảm thực vật và nguồn gen thực vật nhiệt đới đa dạng, phong phú với số lượng cá thể lớn có khả năng cung cấp giống cây bản địa phục vụ trồng rừng như: chò chai, dẻ cau, dầu lá bóng... Sơn Trà có hơn 100 loài động vật với hàng chục loài quý hiếm nằm trong sách đỏ cần bảo tồn của thế giới như gà tiền mặt đỏ, trăn gấm, thủy sinh; trong đó voọc Chà Vá chân nâu và khỉ mặt đỏ được xem là loài thú đặc hữu của Đông Dương cần được bảo vệ. Tại đây có hơn 400 con voọc Chà vá chân nâu được mệnh danh là Nữ hoàng của loài linh trưởng cùng với rất nhiều khỉ như khỉ đuôi dài, khỉ vàng...

Về mặt địa lý, Sơn Trà nguyên thủy là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao là hòn Nghê, Mỏ Diều và Cổ Ngựa. Lê Quý Đôn từng chép trong Phủ Biên Tạp Lục: "Phía Đông liền biển, có một quả núi gọi là núi Sơn Trà, tục gọi là Hòn Nghê, tương truyền trên núi có ngọc, đêm đêm ngọc chiếu sáng xuống biển. Chuyện dân gian nói, các nàng tiên thường hay giáng xuống để tắm, chơi đùa nên cũng gọi là núi Tiên Sa". Một bác sĩ người Pháp tên là Sallet hồi đầu thế kỷ XX mô tả: "Loài nai thường xuất hiện, có cả heo rừng và khỉ. Những người Châu Âu trong thành phố gọi chúng với cái tên khỉ Tiên Chà và người ta còn gặp loài khỉ này trên mũi núi cao nhô ra biển...". Dần dần, nước biển mang phù sa bồi đắp nối từ đất liền ra đảo và tạo nên một bán đảo Sơn Trà như ngày nay. Chung quanh Sơn Trà có những bãi tắm đẹp và hoang sơ như bãi Tiên Sa, bãi Rạng, bãi Bắc, bãi Bụt, bãi Nam, bãi Nồm, bãi Xếp, bãi Con, suối Đá, suối Tiên... Ngoài những ghi chép của Lê Quý Đôn và Sallet, Sơn Trà còn ghi đậm dấu ấn của những chiến hạm Mỹ lần đầu tiên đến Việt Nam vào nửa thế kỷ XVIII, những cuộc chiến tranh đẫm máu với liên quân Pháp- Y Pha Nho thời kỳ 1858-1860, mà ngày nay vẫn còn lại di tích "đồi hài cốt" của những người lính viễn chinh xấu số. Từ năm 1965, quân đội Mỹ khi đến Việt Nam đã xây dựng ở đây một sân bay trực thăng trên độ cao 500 m, một bệnh viện dã chiến, đài ra đa, đài khí tượng và các doanh trại trên đỉnh Sơn Trà... Tất cả những những dấu tích của một thời Đà Nẵng mang danh là một căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ 2 ở miền nam trong chiến tranh, đặc biệt trong đó có một đài quan sát ra đa có thể khống chế cả một vùng biển Đông rộng lớn là có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự.

Bên cạnh đó, với những đặc thù về tự nhiên, Sơn Trà đã được Chính phủ công nhận là 1 trong 8 khu Bảo tồn thiên nhiên, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu lâm sinh và bảo vệ nguồn gen động thực vật đã được bảo vệ trên cả nước. Nhà Lâm học Hoàng Đình Bá, nguyên Trưởng ty Lâm nghiệp QNĐN gắn cả đời mình với Sơn Trà từ năm 1975, đã xây dựng một vườn lâm sinh và bảo tàng thực vật tại đây. Ông cũng đã dày công xây dựng một dự án khôi phục rừng Sơn Trà theo quan điểm "xã hội rừng" để trình Chính phủ vào năm 1990. Khi tuổi cao không còn sức đeo đuổi dự án, kế thừa sự nghiệp của ông Bá, Nữ Tiến sĩ Phương Anh và các đồng nghiệp trẻ của Đại học Sư Phạm Đà Nẵng từ năm 1997 đã hoàn thành một nghiên cứu khoa học đầy đủ nhất về nguồn tài nguyên động thực vật ở đây. Họ cũng đưa ra nhiều đề xuất quan trọng về bảo vệ nhưng rất tiếc, công trình này cũng đi vào quên lãng!

2. Năm 2016, dư luận nhân dân ở Đà Nẵng và cả nước cũng đã dấy lên nhiều ý kiến về bất cập trong xây dựng quy hoạch, phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà.  Trong quá trình triển khai rà soát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố phát hiện có 6 dự án không phù hợp với các tiêu chí đã nêu, kiến nghị điều chỉnh chuyển đổi công năng sang phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. TP cũng xác định phát triển Khu DLQG Sơn Trà góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, phát triển Khu DLQG phải phù hợp với chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam cũng như quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ và các lĩnh vực khác có liên quan. Việc phát triển phải đảm bảo phương châm "bảo tồn đi đôi với phát triển, phát triển để phát huy  bảo tồn".

Theo đó Đà Nẵng xác định bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ và kiểm soát bằng một cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết hài hòa giữa các mối quan hệ giữa QP-AN, bảo tồn và phát triển. Trước hết là giữ lại các dự án đã xây dựng hoàn chỉnh và đã đưa vào hoạt động có hiệu quả. Tiếp đó yếu tố QP-AN được đảm bảo với việc các dự án tại khu vực này phải do nhà đầu tư trong nước thực hiện và không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ và khu vực nhạy cảm về QP-AN. Cạnh đó là phải coi trọng bảo tồn đa dạng sinh học, không có yếu tố cư trú, đảm bảo về bình độ triển khai cũng như hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích chung của cộng đồng theo hướng phát triển bền vững...

Đà Nẵng là thành phố có một không hai trên thế giới, có núi - biển - sông đan xen hòa quyện với nhau; khí hậu Đà Nẵng là nơi chuyển tiếp đan xen giữa khí hậu miền Bắc và miền Nam nên có nền nhiệt ấm áp. Đặc biệt bán đảo Sơn Trà không chỉ là "lá phổi xanh" của thành phố mà còn rất có tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, vấn đề cần làm bây giờ là cân nhắc quy mô và mức độ các dự án phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà. Do vậy, phải đảm bảo có được bán đảo Sơn Trà xanh, sạch, sinh thái, phát triển bền vững, bởi Sơn Trà không chỉ là của riêng Đà Nẵng mà còn là của cả nước như Vịnh Hạ Long, như Cát Bà và các địa danh nổi tiếng khác.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG