Kỳ tích miền núi
(Cadn.com.vn) - Nhiều năm trước, mỗi lần có dịp lên xã miền núi Hòa Phú (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) công tác, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nghe những tên thôn, tên làng ở đây sao “na ná” như các địa phương ở khu vực nội thành: P. Hòa Phát, Hòa Xuân, Hòa Thọ (Q. Cẩm Lệ), Hòa Hải (Q. Ngũ Hành Sơn)… Bây giờ, chúng tôi mới hiểu ra, sau ngày thống nhất đất nước, một bộ phận người dân thuộc diện nghèo, không có đất sản xuất ở các địa phương đó đã tự nguyện di dân lên vùng kinh tế mới Lâm Viên lập nghiệp. Nhờ tinh thần đoàn kết, cần cù trong lao động, người dân đã thích nghi với điều kiện mới, vươn lên có cuộc sống no ấm, đủ đầy.
Ông Nguyễn Ánh (66 tuổi, trú thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú) cho biết, tháng 6-1975, thực hiện chủ trương TP, ông cùng với lực lượng thanh niên nằm trong đoàn tình nguyện san lấp hố bom, phủ xanh đất trống đồi trọc đứng điểm giữ phong trào để kêu gọi người dân lên đây khai hoang, mở đất lập vùng kinh tế mới Lâm Viên. “Lúc đó, chiến tranh để lại hậu quả rất nặng nề, đồi núi loang lổ hố bom sâu hoắm. Các vùng đất vẫn còn hoang sơ, núi rừng hiểm trở gây khó khăn trong việc đi lại, sản xuất. Sốt rét rừng thì luôn rình rập, nhiều người không trụ nổi phải trở về quê cũ”, ông Ánh nhớ lại.
Các cụ già thôn Hòa Thọ nhớ lại một thời khốn khó. |
Trong những năm 1977-1978, khu vực nội thành Đà Nẵng diễn ra các cuộc di dân rộng lớn, xã Hòa Phú lập thêm 5 làng kinh tế mới. Các cấp chính quyền địa phương phải huy động máy móc, người dân tích cực ra quân phát quang cây cối, cày lật đất đai mấy tháng ròng rã. “Đất không nỡ phụ người”, những vùng hoang sơ, cây cối um tùm trở thành đất đai màu mỡ, trồng được khoai, sắn, chăn nuôi lợn, gà… Rồi người dân be bờ, đắp đê dẫn nước từ các khe suối về đồng ruộng trồng lúa nước. Dẫu còn khó khăn, nhưng người dân cũng chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm dài ngày. Mãi đến nhiều năm sau, đập Hòn Dòng (thôn An Châu), Hố Cau (thôn Hòa Phát) được xây dựng, tạo nguồn nước sản xuất, cây trồng xanh tốt, năng suất từ đó tăng dần. Có nguồn nước, các hộ còn đào thêm ao hồ nuôi cá để cải thiện đời sống...
Các hộ dân khi đặt chân lên vùng kinh tế mới đều được nhận đất để khai hoang trồng rừng. Cán bộ nông nghiệp đến tận nơi truyền đạt kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, người dân mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại. Cuộc sống ban đầu tưởng chừng “bó khó” nhưng mỗi ngày đã mở ra, phát triển nhiều hơn nhờ những bàn tay lao động cần cù, chịu thương, chịu khó của người dân. Điều đáng phấn khởi, phần lớn người dân kinh tế mới hôm nay đều có cuộc sống ổn định, nhiều người đã “tậu” thêm đất đai và xây dựng nhà cửa khang trang. Ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú bộc bạch: “Đối với bà con ở nội thành lên đây lập nghiệp, chúng tôi xem họ là những công dân sở tại, thường xuyên chỉ đạo các ngành quan tâm, hỗ trợ trong mọi việc, nhất là định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp. Điều rõ nét, ở các thôn kinh tế mới, người dân sống rất gần gũi, chan hòa và tình cảm với cộng đồng. Đặc biệt, với tinh thần lao động cần cù, luôn chịu thương, chịu khó, đối diện với khó khăn bằng sự mạnh mẽ, họ không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, gia đình mà cũng góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế tại địa phương”.
Mô hình cây thanh long ruột đỏ góp phần cải thiện đời sống vùng kinh tế mới An Châu. |
Khi TP triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Hòa Phú không có điều kiện thuận lợi như các xã đồng bằng, vùng trung du khác, nhưng khi được lãnh đạo huyện kỳ vọng, Hòa Phú đã có sự bứt phá một cách ấn tượng. Cuối năm 2014, địa phương đạt 19/19 tiêu chí và tự hào trở thành xã miền núi đầu tiên của TP hoàn thành chương trình XDNTM.Đến các vùng kinh tế mới Hòa Phú hôm nay, chúng tôi đều cảm nhận sự đổi thay của vùng đất một thời được cho là xa xôi, heo hút. Hệ thống đường giao thông ở các địa phương này không những được đầu tư bê-tông, thảm nhựa mà còn mở rộng thênh thang theo hướng đô thị. Sông Hội Phước ngăn cách 2 thôn Hòa Phát, Hòa Xuân một thời, giờ đây đã có chiếc cầu vĩnh cửu bắc qua sông. Các trường học đều được xây dựng kiên cố, điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập cho con em. Người dân đã yên tâm hơn, hài lòng hơn khi tại xã có Trạm y tế khang trang với đầy đủ y, bác sĩ, trang thiết bị khám chữa bệnh khá hiện đại…
Gần 600 hộ dân vùng kinh tế mới Lâm Viên hiện tại vẫn không ngờ rằng quê hương thứ hai của mình có được kỳ tích như hôm nay.
An Dương