Ký ức Oslo
Du kích mật nhỏ tuổi
(Cadn.com.vn) - Tôi và anh Trương Văn Cần, cán bộ TTXVN khu vực miền Trung-Tây Nguyên cùng quê và cũng là những học sinh miền Nam trên đất Bắc trong những ngày đất nước ta ngập chìm trong khói lửa chiến tranh. Có điều anh khác tôi là lớn tuổi hơn và được cấp tới 3 Bằng công nhận "Dũng sĩ diệt Mỹ"... Hồi đó, quê tôi là vùng bị địch càn quét, đánh phá dữ dội, chúng thường xuyên bố ráp, lùa xúc dân vào khu tập trung Xe Nước, Đức Dục, Duy Xuyên nhằm cho dân cách ly với cộng sản và làm bức bình phong che chắn sự tấn công của quân giải phóng.
Mặc dù sống trong cảnh chim lồng, cá chậu, dưới sự kiểm soát dày đặc của các sắc lính nhưng ngọn lửa yêu nước thiết tha của người dân nơi đây vẫn bốc cháy ngùn ngụt, họ tìm mọi cách để liên lạc, giúp đỡ cách mạng, vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men từ khu trại tập trung ra ngoài cho bộ đội, du kích. Năm 1966, mẹ anh Cần, một cơ sở cách mạng bị giặc sát hại trong lúc làm nhiệm vụ, cha thoát ly hy sinh trong một trận chống càn. Kẻ thù tàn bạo còn bắn bị thương người em gái của anh là Trương Thị Ái Em và giết chết người em út. Sau khi bị thương, Ái Em được chuyển vào nhà thương Tây Đức, quận Đức Dục và được đưa ra Đà Nẵng rồi biệt tăm cho đến tận hôm nay, chẳng biết số phận lênh đênh ở phương trời nào? Trước cảnh nước mất, nhà tan với nỗi đau xé lòng từ trong gia đình của mình và bà con làng xóm, Trương Văn Cần nung nấu căm hờn.
Tháng 1-1967, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, kiêm Xã đội trưởng xã Xuyên Thu, Đội du kích thiếu niên bí mật Nguyễn Văn Trỗi được thành lập với 3 thành viên gồm anh Cần, anh Nguyễn Văn Anh (hiện là cán bộ Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng) và anh Nguyễn Thắm (đã hy sinh) ngay tại mảnh đất thôn Minh Kỳ, nơi tận mắt anh Cần chứng kiến bọn giặc hung ác châm lửa thiêu rụi ngôi nhà tranh của 6 chị em côi cút của anh đùm bọc, nương tựa. Tuy ở đậu, chăn trâu cho ông Mại trong khu "ấp chiến lược" nhưng anh hàng ngày vẫn tìm cách liên lạc để nhận mệnh lệnh của cấp trên, cất giấu vũ khí, chờ thời cơ hành động. Một chiều cuối đông năm 1967, thoáng thấy toán lính Mỹ đang tập trung chuẩn bị đi phục đêm, cậu bé 13 tuổi Trương Văn Cần cầm quả lựu đạn M26 trên tay rồi bí mật chui qua hầm tránh đạn của ông Thơ ngay trong khu tập trung Xe Nước để tiếp cận mục tiêu cho gần và tung lựu đạn, tiêu diệt tại chỗ 6 lính Mỹ. Bọn địch nổ súng loạn xạ, song anh rút lui an toàn.
Cũng bằng cách đánh này, tháng 4-1968, anh chui vào hầm trú ẩn của ông Lê Thuần, diệt 4 tên Mỹ. Mùa gặt tháng 3-1969 vừa xong cũng là lúc bà con trong khu tập trung chất cao nhiều cây rơm rạ để dành trâu bò ăn, đây là điều kiện thuận lợi cho anh đánh địch. Lúc đó hoàng hôn vừa chợt tắt, anh cầm lựu đạn men theo các cây rơm rồi bất ngờ tấn công toán lính Mỹ, diệt 8 tên. Vào buổi trưa sau trận đánh này 5 ngày, anh vừa thò đũa và miếng cơm vào miệng thì tên ấp phó N.H cùng 2 dân vệ lăm lăm súng ập tới bắt anh đưa vào quận Đức Dục. Chúng dùng đủ kiểu tra tấn hết sức dã man nhưng anh vẫn kiên quyết không hé môi. Bất lực, chúng đưa anh xuống Nhà lao Hội An giam giữ, song cũng không làm anh lung lay ý chí nên cuối năm 1970 chúng phải trả tự do. Tháng 4-1971, xét thấy có nguy cơ bị lộ, tổ chức cho anh vượt Trường Sơn ra Bắc học tập.
Anh Trương Văn Cần. |
Nhớ mãi Hội nghị Oslo-Na Uy
Khi ra tới T64, Hà Nội, nơi tập trung của học sinh miền Nam được ít ngày thì Ban Thống nhất Trung ương cử người đến cho biết sẽ chọn Trương Văn Cần đi dự Hội nghị Oslo-Na Uy. Đây là Hội nghị lần thứ 2 của Ủy ban điều tra tội ác của Mỹ tại Đông Dương với sự có mặt của đại diện 106 quốc gia trên thế giới. Phía đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) có 7 thành viên gồm các anh Nguyễn Văn Tiến, Đại sứ quán CPCMLTCHMNVN tại Hà Nội làm Trưởng đoàn, anh Nguyễn Văn Thanh làm Phó đoàn, trong đoàn có anh Trương Văn Cần. Vì chị em của anh Cần đang sinh sống trong khu tập trung của địch, sợ bị chúng đàn áp, trả thù nên tổ chức quyết định đổi tên Trương Văn Cần thành tên Lê Văn Tân để đi tố cáo tội ác của Mỹ.
Đoàn của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do ông Phạm Văn Bạch, Chánh án TAND tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, Trưởng đoàn là Lê Thế Trung, lúc ấy là chuyên viên y học, vũ khí (sau này ông là GS-TSKH, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND, Giám đốc Học viện Quân y). Trước khi lên máy bay, các đoàn đi dự Hội nghị đều chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu là những chứng cứ hùng hồn về sự cực kỳ tàn ác của Mỹ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam bằng những cuộn phim, tấm ảnh, các mẫu bệnh từ những loại vũ khí hủy diệt của Mỹ... GS-TSKH Lê Thế Trung còn mang theo cả bộ não một người đàn bà ở Hà Tây bị viên bom bi Mỹ cắm sâu trong óc được ngâm phoocmon.
Để đối phó với CIA tung các chiêu ngăn cản hoặc sát hại các thành viên trong đoàn nhằm cướp tài liệu, chứng cứ mang đi tố cáo với thế giới, 2 đoàn của Việt Nam phải bay vòng vèo qua các nước Lào, Pakistan, Ấn Độ, Liên Xô rồi mới tới Oslo, thủ đô Na Uy. Tại Hội nghị Oslo, sau khi các trưởng đoàn phía Việt Nam báo cáo chính trị xong, Đoàn CPCMLTCHMNVN có anh Trần Đỗ là sinh viên Sài Gòn-Gia Định lên phát biểu trước, sau đó anh Lê Văn Tân (Trương Văn Cần) bước lên, không hề có bài đọc chuẩn bị sẵn . Anh kể, được giới thiệu là đại biểu dự Hội nghị trẻ tuổi nhất, lần đầu tiên được đứng trên bục nhìn xuống hội trường rộng lớn với hàng trăm mái đầu đủ loại màu da, đeo Headphone (tai nghe) cùng hàng loạt nhà báo quốc tế máy ảnh nháy đèn loang loáng, lúc đầu cũng hơi run nhưng mình kịp lấy lại bình tĩnh kể cuộc đời lầm than, cơ cực, chị em, cha mẹ đều bị Mỹ bắn giết thảm thương.
Cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam đã đẩy gia đình của anh cũng như hàng triệu người khác đắm chìm trong mất mát, đau đớn tột cùng, vì vậy chính quyền Mỹ phải thức tỉnh lương tri, chấm dứt ngay chiến tranh trên đất nước Việt Nam. Trong 20 phút tố cáo, có lúc anh phải ngừng lại bởi tiếng vỗ tay rào rào, nhiều mái đầu gật gù và ánh mắt của họ rưng rưng lệ. Kết thúc những lời tố cáo, có một nhà báo Mỹ sấn tới hỏi anh, thông qua phiên dịch: "Một số việc diễn ra khi cậu còn quá nhỏ, thời gian cũng đã lâu thì làm sao cậu nhớ nổi mà nói vanh vách như thế? Có phải Việt cộng bày cho cậu nói không?". Anh trả lời không chút đắn đo: "Đúng, tôi còn nhỏ thật nhưng tôi không bao giờ quên được cái ngày họng súng của quân đội Mỹ chĩa thẳng vào mẹ tôi, em tôi bóp cò. Nỗi đau này luôn ám ảnh suốt cả cuộc đời tôi"!
Khi giang sơn thu về một mối, anh đỗ Đại học Bách khoa rồi làm việc ở cơ quan thông tấn cho tới bây giờ.
Thái Mỹ