Ký ức rực lửa về đội biệt động "báo đen"
(Cadn.com.vn) - Ngày 31-8, tại TP Hội An, Ban liên lạc Đội biệt động Hội An, Văn phòng đại diện Báo Cựu chiến binh Việt Nam tại Miền trung, Chi hội Nhà văn tại Đà Nẵng phối hợp tổ chức giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử Đội biệt động Hội An, ôn lại những kỷ niệm về một thời tranh đấu. Cái thời mà kẻ địch khiếp sợ gọi họ với biệt danh "báo đen", với những chiến công xuất quỷ nhập thần.
![]() |
Ban liên lạc biệt động Hội An tặng hiện vật chiến đấu cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. |
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Tổng cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) nói về đội biệt động thành Hội An: "Đây là đội biệt động thành đặc biệt, họ không phải là lực lượng chính quy, không được đào tạo nhưng đã có những trận đánh đi vào lịch sử". Ông Đinh Văn Lời, đội trưởng Đội biệt động thị xã Hội An, người cảnh sát ngụy đặt cho biệt danh "báo đen" vẫn còn nhớ như in những ngày tháng hoạt động. Ông kể, trước yêu cầu của cách mạng, năm 1964, Thị ủy Hội An thành lập đội vũ trang tuyên truyền giải phóng Hội An, đến năm 1966 đổi tên thành Đội biệt động Hội An. Hội An lúc đó là nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não, cũng như lực lượng của ngụy quân nên việc hoạt động và tổ chức các trận đánh cực kỳ khó khăn. Nhưng điều đó không ngăn cản được ông Lời và đồng đội hoạt động. "Anh em trong đội chưa được huấn luyện nên mỗi khi tổ chức trận đánh phải tự lên sơ đồ tác chiến. Địch kiểm soát gắt gao nên cấp trên không đưa vũ khí từ ngoài vào nên chúng tôi phải tự tìm vũ khí, chất nổ để đánh địch" - ông Lời nhớ lại. Một trong những trận đánh làm nên tên tuổi của biệt động Hội An là lần phối hợp tham gia giải phóng nhà lao Hội An. Vào đêm 14-7-1967, đội biệt động cải trang thành lính trung đoàn 51 ngụy, cùng 1 tiểu đội đặc công (Tỉnh đội Quảng Nam) bất ngờ tập kích vào nhà lao Hội An, giải cứu hơn 1.300 phạm nhân đưa về vùng giải phóng an toàn. "Trận đó, ta tiêu diệt nhiều địch, nhưng đội biệt động có anh Nguyễn Cho hy sinh, hai người khác bị thương. Còn trước đó, tôi trực tiếp chỉ huy 3 chiến sĩ biệt động đột nhập vào phòng đại tá cố vấn tình báo Mỹ, đặt mìn tự tạo, tiêu diệt 2 tên tình báo Mỹ, làm 5 tên khác bị thương, riêng tên đại tá Mỹ may mắn thoát chết"-ông Lời kể.
![]() |
Đội biệt động thành Hội An chụp ảnh với đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ - Trưởng ban Tổ chức Khu ủy - Khu 5 trong căn cứ giải phóng. |
Với cách đánh táo bạo và bất ngờ, đội biệt động Hội An đã tham gia và tổ chức 21 trận đánh, tiêu diệt và gây thiệt hại nặng cho địch. Lúc bấy giờ, tên tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam nhiều lần chỉ thị cho lực lượng cảnh sát, tình báo bằng mọi cách phải truy bắt bằng được toán "đặc công ám sát, đặc công Việt Cộng nằm vùng" ở Hội An. Tuy nhiên chúng không thể lần ra dấu vết của đội biệt động Hội An. Ông Trang Anh Tuấn-chiến sĩ biệt động Hội An kể: "Lúc đó anh Lời và vài anh em khác làm thợ mộc ở trại mộc ông Nguyễn Một, địch nghi ngờ nên cài 3 gián điệp vào đây để điều tra xem ai là "báo đen" nhưng chúng chẳng điều tra được gì, trong khi anh em vẫn thường xuyên tổ chức các trận đánh. Tôi nhớ ngày 4-5-1968, chúng tôi đưa tiểu đội trinh sát vũ trang của thị đội Hội An vào trại mộc để phối hợp tấn công địch, tuy nhiên bị địch phát hiện nên chúng tôi quyết định đánh. Trận chiến kéo dài từ đêm đến rạng sáng, cùng lúc đồng chí Lời chỉ huy một tổ biệt động khác tấn công vào các cơ quan đầu não địch. Lực lượng địch áp đảo chúng tôi về số lượng, 1 chiến sĩ biệt động phải chọi lại gần 100 tên, nhưng anh em chiến đấu rất quả cảm, tiêu diệt hơn 30 tên. Tuy nhiên, đội cũng có hai đồng chí hy sinh là anh Tống Văn Sương và Đỗ Trọng Hường". Những trận đánh xuất quỷ nhập thần như cắm cờ giải phóng ở trung tâm thị xã, đặt mìn phá hủy cầu ngăn địch đi càn quét, tiêu diệt nhiều tình báo Mỹ hay phá hủy tàu tuần duyên của địch..., đội biệt động Hội An trở thành nỗi ám ảnh của địch. Trong quá trình chiến đấu có 11 đồng chí anh dũng hy sinh. "Năm 1968, địch tổ chức bắt tôi và nhiều anh em khác trong chiến dịch phá án "đặc công nằm vùng ở Hội An". Thông tin này lúc đó làm chấn động Sài Gòn, bởi mọi người không hiểu sao Việt Cộng có thể hoạt động ở nơi kiểm soát gắt gao như Hội An. Khi bị bắt, chúng đàn áp đánh đập rất dã man tuy nhiên anh em vẫn kiên cường, không khai lời nào vì vậy mà chúng cũng chẳng biết tôi là "báo đen", người chỉ huy đội biệt động Hội An. Điều này được thể hiện trong báo cáo tối mật của tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam lúc đó"-ông Lời nói.
![]() |
Ông Lời và cháu gái bên hình ảnh vào ngày ông bị địch bắt. |
Sau năm 1968, ông Lời bị địch bắt đày ra Côn Đảo, những chiến sĩ biệt động khác chưa bị lộ thì vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày Hội An giải phóng. Năm 1974, ông Lời được trả tự do, về công tác trong lực lượng an ninh khu 5, sau giải phóng làm trưởng công xã Cẩm Nam... 41 năm trôi qua từ ngày đất nước thống nhất, ông Lời vẫn luôn đau đáu về đồng đội. "Phần lớn anh em chúng tôi đều là công nhân, thợ thuyền, tham gia cách mạng vì khát vọng thống nhất non sông, đất nước mà dũng cảm chiến đấu và hi sinh. Chúng tôi mong ước Nhà nước có ghi nhận xứng đáng với những chiến công của biệt động thành Hội An"-ông Lời tâm sự.
Hoàng Anh