Kỳ vọng thêm nhiều quyết sách thiết thực

Thứ ba, 08/09/2020 20:20

Cùng với người dân các quận nội thành, những ngày này, bà con nông dân H. Hòa Vang cũng hướng về Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) với nhiều kỳ vọng...

Nông dân Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) cải tạo vùng đất bạc màu thành vườn rau sạch, nâng cao thu nhập.

5 năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TP, H. Hòa Vang đã đầu tư thực hiện 3 chương trình đột phá về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị”, “Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư để phát triển đô thị” và “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ trong tình hình mới”, cùng với hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, trong đó có sự hỗ trợ đầy trách nhiệm của Ban Dân vận Thành ủy, các đơn vị, ban ngành của TP đã góp phần tạo nên một vùng nông thôn giàu đẹp, văn minh và có bản sắc văn hóa riêng.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 55 triệu đồng/năm tăng 1,98 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của TP còn 0%; 100% gia đình chính sách, hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo đều có nhà ở ổn định... Ngoài ra, huyện còn bám sát Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với địa bàn; đồng thời đề xuất TP ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản lồng ghép với nguồn lực xây dựng NTM.

Xuyên suốt những con số ấn tượng đó vẫn là bóng dáng của người nông dân. Bản lĩnh người nông dân càng được khẳng định khi họ không chỉ đồng thuận trong việc di dời giải tỏa, nhường đất cho gần 200 dự án đã và đang triển khai rộng khắp để trở thành huyện công nghiệp và thương mại, dịch vụ; mà họ còn vượt qua bao khó khăn về thời tiết, dịch hại để đẩy mạnh năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, một lớp nông dân mới năng động, dám nghĩ, dám làm đang xuất hiện ngày càng nhiều; với bàn tay cần cù lao động và hướng đi phù hợp, họ đã “đánh thức” nhiều vùng đất bạc màu...

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân, những bước nhảy ngoạn mục đó được chắt chiu từ nội lực qua từng tháng, từng năm. Người nông dân đã biết phát huy chủ thể trong xây dựng NTM để yên tâm đầu tư sản xuất, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cho mỗi gia đình và xây dựng thôn, xóm trở nên hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của một làng quê.

Nông dân nhiều địa phương cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Việc hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất; triển khai các đề án “Dồn điền đổi thửa”, “Cánh đồng mẫu lớn”, “Cải tạo vườn tạp” để tập trung sản xuất hàng hóa theo hướng phục vụ đô thị đã được thực hiện rất tốt. Bên cạnh đó, chủ trương xây dựng NTM đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giúp người nông dân giảm được chi phí sản xuất, vận chuyển tăng lợi nhuận, đời sống nâng lên rõ rệt, dân trí cũng được nâng cao. Tuy nhiên, vấn đề mà người nông dân hiện đang quan tâm là nguồn vốn sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù đã có nhiều chính sách nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn với người nông dân vẫn chưa được thuận lợi. Trong khi đó, tiêu thụ nông sản rất bấp bênh do các doanh nghiệp chưa chia sẻ quyền lợi với người nông dân, nên điệp khúc “được mùa mất giá” mãi là điều người nông dân trăn trở nhất...

“Vì vậy, chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền TP nhiệm kỳ mới sẽ có thêm nhiều quyết sách thiết thực để giúp người nông dân phát triển sản xuất, trong đó, điều người dân mong chờ nhất vẫn là việc tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn”, lão nông Trần Văn Siêng (thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương) trải lòng.

VY HẬU