Làm gì để biển Đà Nẵng mãi xanh trong?
(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng cho một vùng biển đẹp và trong xanh. Bãi biển Đà Nẵng cũng nổi tiếng là đẹp và sạch! Với chiều dài 92km trải dài từ Hải Vân đến giáp Quảng Nam, vũng bãi biển ven bờ Đà Nẵng có thể nói là đẹp, sạch từ trên bờ đến làn nước. Tuy quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra với tốc độ nhanh nhưng về cơ bản biển Đà Nẵng vẫn giữ được thương hiệu là “biển sạch”. Và không thể phủ nhận có vai trò quan trọng của yếu tố con người. Chủ trương đúng, ý thức cao và biện pháp triệt để đã góp phần cho biển Đà Nẵng trở thành một diểm sáng, một điểm đáng đến đối với du khách và bạn bè gần xa.
Trong bối cảnh việc bảo vệ biển cả quê hương, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đang là đề tài bao trùm trên bình diện cả nước thì với một thành phố biển như Đà Nẵng, bên cạnh góp công góp sức cùng cả nước bảo vệ “biển xa” thì cũng rất cần quan tâm đến “biển gần” tức là vùng biển xung quanh thành phố từ những điểm bờ ở Hải Vân đến Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Bảo vệ ở đây không chỉ đơn thuần là tập trung giữ sạch các bãi tắm biển mà phải có định hướng mang tính căn cơ để bảo tồn nguồn lợi thủy sản cho vùng biển của Đà Nẵng.
Một góc biển khu vực Thọ Quang, Mân Thái (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). |
Không thể chủ quan với cái sạch hiện có của biển Đà Nẵng. Một chủ thuyền, thường đưa khách đi câu cá ở vùng biển Đà Nẵng mà người viết quen biết, đã tâm sự rằng, bây giờ đi câu cá ở vùng quanh bán đảo Sơn Trà không còn được như ngày xưa, cá ít dần. Và anh khẳng định, chỉ câu cá thì không dễ gì cá ít đi như vậy được. Chưa đề cập đến sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, ảnh hưởng phần nào đến vùng biển Đà Nẵng thì trước thời điểm đó, cá ở vùng gần bờ của Đà Nẵng cũng không dồi dào, phong phú như vài năm trước đây nữa. Đó là chưa kể, san hô cũng ít dần và việc sinh sôi phát triển cùng không có biểu hiện rõ nét. Anh tâm sự, biển Đà Nẵng đã có vấn đề về môi trường và con sông Hàn, không phải là không liên quan. Anh nói, chỉ riêng việc khai thác con chíp chíp ở sông Hàn ồ ạt như hiện nay cũng là ảnh hưởng đến nguồn thủy sinh cho biển. Đây là ý kiến của một ngư dân bình thường, cần có ý kiến của cơ quan chuyên môn mới chính xác nhưng có thể hiểu là việc “sạch” hay “bẩn” của biển Đà Nẵng có liên quan đến cái “sạch” của con sông Hàn.
Dòng sông Hàn thơ mộng vậy đó nhưng có nhiều nguồn xả thải ra làm cho nó không còn thuần khiết như trước đây, góp phần làm cho vùng gần bờ bớt sạch đi. Đó còn là sự xả thải ra biển của hệ thống nhà hàng ven biển, của các khu công nghiệp, nếu đảm bảo nghiêm ngặt quy trình, được xử lý qua hệ thống trạm xử lý nước thải, không xả trực tiếp hay xả lén lút không qua xử lý thì biển Đà Nẵng sẽ ít nguy cơ bị ô nhiễm hơn, nhưng thực tế là vẫn còn tình trạng như xả thải trực tiếp không qua xử lý ra biển, thậm chí ngay cả nơi gần khu vực bãi tắm, nhất là vào lúc trời mưa to, nước thải theo nước mưa vẫn thỉnh thoảng chảy thẳng ra biển. Đó là chưa kể một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp lén lút xả thải không qua hệ thống xử lý...
Một điều đáng lo ngại nữa là tình trạng khai thác vô tội vạ mà điển hình nhất là hình thức lưới giã cào. Phải nói là cách khai thác này đã vét đến tận đáy, không chừa bất cứ con vật nào mà cái lưới của nó càn qua, cho dù là nhỏ bé nhất. Đó đó là chưa kể giã cào chạy hàng đôi, hàng ba cùng một lúc, càn quét cả một vùng biển rộng gần bờ. Cũng không thể bỏ qua việc dùng chất nổ, xung điện đánh bắt cá, tuy không phổ biến nhưng không phải là không có tại vùng biển Sơn Trà. Những cách đánh bắt, khai thác mang tính hủy diệt này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản, thủy sinh vùng biển gần bờ của Đà Nẵng.
Nên chăng có một cuộc khảo sát hoặc đề tài nghiên cứu khoa học về mật độ các loại cá tôm, hải sản, san hô, rong tảo… vùng biển Đà Nẵng để có sự đánh giá chính xác về tài nguyên hiện có dưới làn nước biển trong xanh kia của Đà Nẵng? Để từ đó, có những giải pháp mang tính khoa học và bền vững nhằm giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển Đà Nẵng. Cụ thể là duy trì, bảo tồn, và phát triển nguồn lợi thủy sản, rạn san hô. Thiết thực hơn là phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy hải sản; thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa; hình thành việc quy hoạch vùng cấm khai thác, vùng cấm khai thác thủy sản có thời hạn, đồng thời công bố danh mục các loại nghề cấm, đối tượng cấm; có chính sách, chế tài cụ thể để xử lý các vi phạm.
Bên cạnh việc bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi, cần tổ chức thả bổ sung nguồn giống một số đối tượng bản địa, loài quý hiếm, loài có giá trị kinh tế và khoa học vào một số thủy vực tự nhiên; phục hồi một số hệ sinh thái điển hình như: San hô, cỏ biển tại các khu vực có điều kiện và có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khôi phục và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các bãi sinh sản, nơi tập trung, cư trú của các loài thủy sản. Đặc biệt là phải cân nhắc, thận trọng với những dự án ven biển có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển...
Giữ sạch biển Đà Nẵng từ bãi, bờ đến lòng biển là vấn đề cần được quan tâm một cách nghiêm túc và việc thực hiện phải mang tính căn bản, bền vững, có định hướng lâu dài, cụ thể với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng gồm người dân, du khách, doanh nghiệp. Tất cả để có một biển Đà Nẵng trong xanh và thân thiện, tiếp tục là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa, góp phần để Đà Nẵng mãi xanh - sạch, đẹp toàn diện và bền vững.
Dân Hùng