Làm giàu từ mô hình nuôi bò thịt
(Cadn.com.vn) - Mấy năm gần đây, nhiều người dân các xã Điện Quang, Điện Thọ, Điện Trung... (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) thành công với mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo. Nhờ biết cách tận dụng nguồn cỏ dồi dào và các phụ phẩm sẵn có từ nông nghiệp, nhiều người chăn nuôi bò với quy mô lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Việc thực hiện có hiệu quả mô hình chăn nuôi này đã mở ra một tương lai tươi sáng cho người nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.
So với những năm trước, kinh tế xã Điện Quang đã phát triển vượt bậc với hệ thống điện, đường, trường, trạm khá hiện đại. Những con đường được mở rộng với hai bên là những dãy nhà khang trang. Để ý có thể thấy, hầu như nhà nào ở xã Điện Quang cũng có chuồng bò. Theo ông Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Điện Quang, toàn xã hiện có hơn 1.000 hộ nuôi bò theo mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo với tổng số 3.743 con (số liệu năm 2015 – PV), trong đó hộ nuôi ít từ 4 – 5 con, hộ nuôi nhiều thuê dải đất ven sông Thu Bồn làm chuồng thả nuôi khoảng 30–40 con bò.
“Trước đây chỉ có tôi cùng với anh em trong gia đình nuôi bò theo mô hình này. Ban đầu, nguồn vốn ít nên tôi chỉ nuôi 5 cặp bò giống lai sind. Tôi trồng thêm cỏ và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn. Chăn nuôi được vài năm thấy hiệu quả hơn hẳn so với trồng hoa màu, lấy đó làm đòn bẩy, tôi mạnh dạn vay vốn, mở rộng gia trại, thuê thêm vài héc-ta đất ven sông để trồng cỏ, trồng hoa màu tập trung vỗ béo đàn bò. Sau 13 năm, tôi đã có 30–40 con bò như hiện nay”, anh Trần Kim Giác–được mệnh danh là “vua bò” của xã Điện Quang, phấn khởi nói.
Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo hiệu quả đã thúc đẩy nhiều hộ dân mạnh dạn |
Nhờ biết tìm tòi, vận dụng kĩ thuật tiến bộ và tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp nên nhiều gia đình nuôi bò đã thoát nghèo, kinh tế dần ổn định và mạnh dạn vay vốn để phát triển thêm đàn bò, vươn lên làm giàu. Anh Nguyễn Công Lựu (35 tuổi) thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò, cho biết: “Hiện gia đình đang nuôi 4 con bò trong đó có 2 bò cái, hai bò thịt đang đợi xuất chuồng. Một con bò giống có giá khoảng 15 triệu đồng nuôi theo hình thức vỗ béo trong chuồng, sau một năm lãi từ 20 - 25 triệu đồng. Nuôi bò thịt thường nuôi xen kẽ nên một năm có thể bán 3-4 con bò. Vậy là thu nhập mỗi năm trên dưới 40 triệu đồng”. Theo những người nuôi bò có kinh nghiệm, việc chăn nuôi bò đạt hiệu quả cao phụ thuộc rất lớn vào công chăm sóc và theo dõi bệnh, phát triển thể trạng từng ngày với mỗi con bò.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Quá trình cho bò ăn phải thật chu đáo, kiểm soát cả chất lượng và số lượng thức ăn. Nhờ đó có thể nhận biết sức ăn của bò ổn định hay không để điều chỉnh nguồn thức ăn. Đặc biệt, phải luôn theo dõi bệnh, thể trạng từng con bò. Nếu có dấu hiệu biếng ăn kèm theo tai lạnh thì bò đã bị cảm, cần chữa trị ngay. Trường hợp bò bỏ ăn, bụng to hơn bình thường đã có dấu hiệu bị no hơi do ăn phải cỏ sương. Hiệu quả nhất là cho bò uống nước khoáng với tỏi”, anh Trần Kim Giác chia sẻ. Với kĩ thuật chăn nuôi đơn giản nhưng hiệu quả cao nên sau 13 năm, đàn bò nhà anh Giác nhiều nhất của xã Điện Quang với mức thu nhập hơn 400 triệu đồng mỗi năm. “Điều đầu tiên là phải chịu khó tìm tòi, học hỏi và vận dụng các kĩ thuật tiến bộ. Nhờ vậy, tôi đã có thể tự phối giống cho bò với những giống đạt chất lượng cao, không dừng lại giống bò lai sind mà giống bò siêu thịt tôi đều thành công. Quan trọng nhất là phải luôn theo dõi thể trạng và cho ăn hợp lý”, anh Giác cho biết thêm. Thức ăn tốt nhất cho bò là cỏ voi được xay nhỏ trộn với cám gạo hoặc cám bắp. Nhờ vậy mà đàn bò gia đình nhà anh tăng đều đặn 7 – 8 ký mỗi tháng.
Anh Trần Kim Giác vươn lên làm giàu nhờ chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo. |
Sự phát triển của ngành chăn nuôi bò cũng đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế của các địa phương này. Ông Nguyễn Đức Thành cho biết: “Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi của xã phát triển ổn định về mặt số lượng. Duy chỉ có chăn nuôi bò là tăng cao. Lợi nhuận mang lại khá, tổng giá trị ngành chăn nuôi ước đạt 66,7 tỷ đồng. Nhờ phát triển chăn nuôi bò nên thu nhập người dân ổn định hơn. Trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy mô hình để hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững”. Từ đó, để mô hình chăn nuôi bò được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, các xã Điện Quang, Điện Thọ... đã vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cỏ ruri, cỏ VA06 (cỏ voi)... Năm 2009, HTX nông nghiệp xã Điện Quang đã triển khai dịch vụ bảo hiểm thú y để đảm nhiệm công tác phòng và điều trị bệnh cho đàn bò trên toàn xã, đồng thời mở các lớp tập huấn để phổ biến kiến thức khoa học kĩ thuật về chăn nuôi cho người dân địa phương.
Ngày nay, các gia trại xuất hiện nhiều trên các vùng đất bãi bồi ven sông với hàng nghìn con bò, cơ sở hạ tầng ngày được hoàn thiện với hệ thống đường bê-tông mở rộng, điện, nước thuận lợi với nguồn thức ăn dồi dào hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho người nông dân nơi đây vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hữu Đức