Lan man cà-phê Buôn Ma Thuột
Nó là thức uống kích thích nhiều ý tưởng sáng tạo. Nhiều tầng lớp xã hội từ quan chức, trí thức đến người bình dân đều dùng nó. Từ Bảo tàng thế giới cà-phê của Tập đoàn cà-phê Trung Nguyên ở Buôn Ma Thuột đến quán cóc hang cùng ngõ hẻm đều có mặt. Từ cà-phê phin đến cà-phê gói các hạng, các dạng đều có phục vụ đời sống ẩm thực, ẩm thủy của con người.
Thời sinh viên Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Đại học Huế, chúng tôi ai cũng nhâm nhi ly cà-phê, mơ màng ngắm biển núi Quy Nhơn để ngân nga nhạc Trịnh, đọc thơ Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, hoặc sông Hương, núi Ngự đọc thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm... Ly cà-phê ở Quy Nhơn ngon đậm đà. Ly cà-phê ở thị trấn Phú Lâm, Tuy Hòa thơm chất ngất. Ly cà-phê chồn ở Đà Lạt tỉnh táo, khỏe khoắn suốt cả ngày. Ly cà-phê Azzan Đăk Lăk tăng thêm sức mạnh cộng đồng. Ly cà-phê Khe Sanh, Quảng Trị bảng lảng hương thu Hướng Hóa. Ly cà-phê Ban Mê nồng nàn vùng đất đỏ Ba zan. Chúng tôi không thể quên nhâm nhi ly cà- phê phin Thu Hà, Pleiku nhỏ từng giọt, ngắm bồng bềnh sương phủ trắng hồ Đức An, hay tiễn hoàng hôn ở Biển Hồ thấm thía với giọng hát Siu Black: "Em đẹp thế Pleiku ơi/Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/ Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy". Nhớ, ngày đi dự lễ bỏ mả của đồng bào Ê Đê ở Đăk Lăk cùng Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng và Giáo sư, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Tô Ngọc Thanh, chúng tôi được ca sĩ Y Moan tự tay nấu, chiêu đãi món cà đắng và ôm đàn hát tặng bài Ly cà-phê Ban Mê của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Giọng hát như núi lửa bazan phun trào, như đại ngàn Tây Nguyên rừng rực nắng gió: "Tiếng hát, tiếng hát cao nguyên như ngày xưa vọng về/ Ánh mắt soi trong ly cà phê Ban Mê/ Mai anh đi theo câu hát nỗi buồn đang xa gần/ Ly cà phê dâng lưu luyến rót vào đêm rượu cần". Cách đây hơn 30 năm, chúng tôi được PGS.TS Phan Quốc Sủng, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên mời tách cà-phê Eakmát xuất khẩu. Ngon, thơm và béo không tả. Giờ đây, chúng tôi có mặt tại Bảo tàng thế giới cà-phê trong Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ VIII 2023, được thưởng thức nhiều loại cà-phê, ấn tượng bởi Lễ dâng cà-phê Ethiopia, cà-phê rang xay chế biến tại chỗ trên sức nóng của cát nung, cà-phê trải nghiệm văn hóa Ê Đê, cà-phê tỉnh thức mang tính chất thiền. Nâng tầm thương hiệu cà-phê Việt, tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức Lễ hội cà-phê với chủ đề "Buôn Ma Thuột điểm đến cà-phê thế giới" với đủ cung bậc: Cà-phê văn hóa, Cà-phê trải nghiệm, Cà phê tinh thần, Cà-phê triết đạo. Tập đoàn cà-phê Trung Nguyên đã tổ chức triển lãm chuyên đề ly cà-phê thế giới, Cà-phê Việt Nam hành trình sáng tạo; trao giải và triển lãm ảnh nghệ thuật về cà- phê.
Ở Buôn Ma Thuột đi đâu, về đâu cũng gặp quán cà-phê, nhà hàng cà- phê lớn, nhỏ. Nó như được xã hội hóa. Được các thị giả chùa Khải Đoan mời uống Cà-phê Khoảng Lặng ở đường Y Nuê, Cà-phê Bâng Khuâng ở đường Phan Bội Châu, mời lẫu chay hoa cà-phê, nấm sốt tiêu, cà-phê Đàn Hương ở 385 Hoàng Diệu, Buôn Ma Thuột, nhà thơ Hoa Cẩm Chướng ngẫu hứng mấy câu thơ: "Uống cà-phê Khoảng Lặng/Nhớ cà phê Bâng Khuâng/ Chay Đàn Hương sâu lắng/ Hành thiền nhẹ thân, tâm". Thích nhất là buổi sáng sớm được ngắm hoa cà- phê vườn trắng muốt, nghe mùi cà- phê rang thơm nứt mũi từ đầu dốc đến cuối dốc. Lại nhớ thời cà-phê được giá, một tấn hạt cà-phê đổi được một chiếc xe hon đa Suzuki 100, rồi xe Dream..., thanh niên đồng bào dân tộc chạy khắp đường, khắp rẫy. Cà-phê Buôn Hồ, cà-phê Buôn Ma Thuột đã làm đổi đời cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đăk Lăk nói riêng.
Lại nhớ mấy câu thơ gây bão rất ấn tượng của Lê Thị Kim: Em thử hình dung một ngày trái đất thiếu cà phê/ Đường phố Paris sẽ biến thành đường rừng/ Và sông Seine thôi chảy/ Và Luân Đôn sương mù sẽ ngưng/ Và chiến tranh sẽ nổ tung nước Mỹ/ Nếu không còn cà-phê!
Lê Anh Dũng- Đào Hà My