Lật lại vụ đầu độc cựu điệp viên Litvinenko
(Cadn.com.vn) - Cái chết bí ẩn của Alexander Litvinenko - cựu điệp viên Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) - vừa được tái hiện trong bộ phim chính trị có tựa đề “Nepodsudnye” - The Untouchables - (Tạm dịch – Không thể mua chuộc) mới được chiếu trên kênh NTV của Nga. Bộ phim này một lần nữa khiến bùng lên câu hỏi vì sao ông Litvinenko bị đầu độc và ai đã đầu độc ông?
Anh hùng hay kẻ phản bội?
Theo các nguồn tin, ông Litvinenko bị đầu độc bằng phóng xạ polonium ở London, Anh vào năm 2006. Anh hồi năm 2014 đã quyết định mở cuộc điều tra vụ này và một báo cáo điều tra sẽ được gửi đến Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May vào cuối năm nay.
Trong bộ phim “Nepodsudnye”, người anh hùng chính là Andrei Voronov - theo lời của nhà phê bình Ksenia Larina là một “hiệp sĩ cao thượng, một anh hùng thực sự”. Kẻ bị đầu độc là Alexander Volkov – người được bà Larina xem là “một chó rừng, một kẻ phản bội”. Tên họ được thay đổi, nhưng Volkov rõ ràng là ông Litvinenko, trong khi Voronov rõ ràng là Andrei Lugovoi, người bị Anh truy nã trong vụ giết hại ông Litvinenko. Không có gì ngạc nhiên khi “Nepodsudnye” vẽ ra bức tranh đáng hãnh diện về ông Lugovoi, hiện là một nghị sĩ nổi tiếng với chương trình truyền hình của riêng mình.
Trong phim, nhà tài phiệt phanh phui vụ đầu độc Volkov là Boris Berezovsky, người từng là nhà môi giới quyền lực của Điện Kremlin nhưng sau đó sống lưu vong ở Anh. (Trong thời gian trước khi qua đời vào năm 2013, nhân vật này là một người bạn của ông Litvinenko). Ẩn nấp đằng sau ông Berezovsky là tình báo Anh trong vỏ bọc của một điệp viên hoàn hảo người Nga, Martin Stevenson. Gần cuối bộ phim, ông Berezovsky báo cáo cho Stevenson về công việc ông đã làm cho người Anh, công bố thư mục chứa hình ảnh là kết quả của các cuộc tấn công khủng bố.
Như nhà phê bình Irina Petrovskaya đã viết trên tờ Novaya Gazeta, bộ phim mô tả khá chính xác về chiến lược của Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, ông Putin không có trong “Nepodsudnye” mà chỉ xuất hiện trong một bức chân dung trên tường.
Hình ảnh ông Litvinenko sau khi bị đầu độc. Ảnh: BBC |
“Hoạt động tình báo bí mật”
Bình luận trước khi bộ phim được phát sóng, nhà báo tự do Andrei Arkhangelsky cho biết, “Nepodsudnye” có tất cả những điểm nổi bật của một “hoạt động tình báo bí mật” nhằm gây ấn tượng với khán giả một cách “thuyết phục” về vụ giết hại Litvinenko.
Tuy nhiên, bộ phim vẫn có những chi tiết không rõ ràng. Chẳng hạn, nội dung phim thậm chí không đề cập đến polonium, chất phóng xạ được cho là dùng để đầu độc Litvinenko. Theo truyền thông Anh vào tháng 11-2006, ông Litvinenko, cựu Trung tá An ninh Nga nhưng sống lưu vong tại Anh từ năm 2000, bị đầu độc sau khi dùng bữa tại nhà hàng Sushi ở London với ông Mario Skaramella, phóng viên người Italia.
Theo kết quả điều tra ban đầu của Cảnh sát Anh, tháng 10-2006, ông Litvinenko tình cờ nhận được thư điện tử của Skaramella, cho biết, có một số thông tin quan trọng liên quan tới cái chết của nữ phóng viên nổi tiếng người Nga Anna Politkovskaya (bị sát hại ngày 7-10-2006 khi vừa từ siêu thị trở về nhà ở thủ đô Moscow, Nga). Ông Litvinenko nhanh chóng nhận lời hẹn gặp.
Báo chí Anh cho rằng, cơ quan tình báo Nga đứng đằng sau vụ đầu độc ông Litvinenko. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremli Dmitry Peskov cho biết, Moscow không bình luận về những gì đã xảy ra đối với ông Litvinenko và cũng không thể bình luận về những tuyên bố cáo buộc Điện Kremli bởi chúng hoàn toàn nhảm nhí. Cơ quan tình báo Nga cũng đưa ra lời tuyên bố tương tự.
An Bình
(Theo BBC)