Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 – Ngũ Hành Sơn 2016: Soi sáng vẻ đẹp chân - thiện – mỹ

Thứ hai, 28/03/2016 07:00

(Cadn.com.vn) - Sáng 27-3 (nhằm ngày 19-2 ÂL), các đồng chí: Đặng Việt Dũng-Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni, Phật tử, người dân, du khách trong và ngoài nước đã tề tựu về chùa Quán Thế Âm dưới bóng núi Kim Sơn (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) tham dự Lễ Vía Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm -  nghi lễ chính thức của Lễ hội Quán Thế Âm 19-2– Ngũ Hành Sơn năm 2016.

Nghi thức tái hiện hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lung linh, huyền bí, thiêng liêng.   

GẮN ĐẠO PHÁP VỚI DÂN TỘC

Nhờ vị thế sơn thủy hữu tình, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô, với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Đây là dịp để mọi người, mọi giới cùng hành hương về nguồn cội, nguyện cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, hỷ xả, hướng thiện. Tất cả cùng hướng về một thế giới hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng. Thượng tọa Thích Huệ Vinh–Trú trì chùa Quán Thế Âm, Phó Ban tổ chức Lễ hội cho biết: Trong tinh thần từ bi – trí tuệ - ban vui của đạo Phật, Đức Bồ Tát Quán Thế Âm với hạnh nguyện lắng nghe để cứu độ, là hình ảnh nổi bật, gần gũi nhất, mà nhân gian thường niệm danh hiệu Ngài để cầu nguyện mỗi khi gặp phải những hoạn nạn, khổ đau, những biến cố trong cuộc đời. Thế nên, Lễ hội mang danh hiệu của Ngài, cũng là hiển dương tinh thần từ bi của đạo Phật, cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, làm cho cái thiện, cái đẹp, cái cao quý ngày mỗi tươi tốt, đơm hoa kết trái trong đời sống xã hội…

Đúng 7 giờ, chính thức diễn ra các nghi thức Phật giáo đậm nét văn hóa dân tộc, như: Cung nghinh đại diện lãnh đạo các cấp, Chư Tôn Đức giáo phẩm Việt Nam, Hòa thượng, Thượng tọa, Tăng ni, Đoàn Chư tăng Phật giáo Vương quốc Thái Lan; thuyết giảng về Bồ Tát Quán Thế Âm và cầu nguyện quốc thái dân an, dân tộc hưng thịnh... Đặc biệt, cảnh tái hiện hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lung linh, huyền bí, thiêng liêng. Thượng tọa Thích Huệ Vinh nhấn mạnh: Trong từng kỳ gian, Lễ hội Quán Thế Âm được xây thành, ngoài các nghi thức và sinh hoạt của một lễ hội văn hóa, theo tín ngưỡng dân gian, trên nền truyền thống của mảnh đất Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng, thì đối với những người con Phật, Lễ hội cũng là con đường hoằng dương chánh pháp, để mọi đối tượng nhân dân, mọi tâm hồn, mọi trái tim đại chúng có dịp chạm ngõ từ bi.

Ngôi chùa Quán Thế Âm dưới bóng núi Kim Sơn này, nhờ phước duyên của Đức Bồ Tát, đã trở thành địa chỉ tổ chức Lễ hội hằng năm. Cũng từ đây, con đường mở ra thênh thang, không chỉ là khách hành hương, là các tăng đoàn, tín đồ Phật giáo, các nhà hoạt động nghệ thuật, hoạt động văn hóa trong nước tham gia lễ hội, mà còn sự cộng duyên với nhiều đoàn văn hóa nghệ thuật, Phật giáo quốc tế như: Phật giáo Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan,… Qua những duyên lành phước báu ấy, đã mở ra các cuộc triển lãm, biểu diễn như thư pháp, trưng bày các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, pháp hội, pháp thoại, hay các cuộc giao lưu văn hóa – văn nghệ…

Việc tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 – Ngũ Hành Sơn 2016 một cách trang trọng nhằm khơi dậy lòng từ bi bác ái trong cộng đồng, tôn vinh các giá trị nhân văn, cái đẹp chân – thiện – mỹ và tính nhân đạo của người Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp gắn kết mối giao hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp và chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Có thể nói, Lễ hội như một làn gió trong lành và là ngọn đuốc soi sáng tâm hồn giúp mọi người sống đẹp hơn với đời và với những người xung quanh…

DẤU ẤN KHÓ QUÊN TRONG LÒNG NGƯỜI TRẨY HỘI

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, phát huy thành công của những năm trước, công tác tổ chức các hoạt động phục vụ Lễ hội Quán Thế Âm  19-2 – Ngũ Hành Sơn 2016 năm nay tiếp tục được nâng cao. Các lễ chính thức trong chương trình được duy trì tổ chức trang trọng, hấp dẫn, sinh động và đúng nghi thức đã thu hút hàng vạn Tăng ni, Phật tử, đồng bào và du khách trong, ngoài nước đến tham dự và lễ bái. Bên cạnh đó, ý thức của người dân, du khách trong việc thực hiện quy chế lễ hội và tham gia các hoạt động hội đã được thể hiện rõ rệt.

Các dịch vụ ăn uống, phòng nghỉ trên địa bàn quận dù phải huy động hết công suất để phục vụ nhưng giá cả đều nằm ở mức quy định của BTC. Công tác vệ sinh môi trường, VSATTP, y tế, cháy nổ được đảm bảo tuyệt đối. Tình trạng bán hàng rong, ăn xin trá hình, nạn bán chim, cá phóng sinh, đốt vàng mã, các trường hợp lợi dụng lễ hội để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan,... được ngăn chặn từ xa, không còn xuất hiện tại khu vực lễ hội. Những chiến sĩ CA ngày đêm bám địa điểm để đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn về người và tài sản cho người dân, du khách. Tất cả đã giúp cho hình ảnh Ngũ Hành Sơn mãi rực sáng trên bản đồ du lịch của thành phố nói riêng và cả nước nói chung; để một Ngũ Hành Sơn đầy huyền bí, mến khách nhưng cũng rất trẻ trung, năng động sẽ mãi đọng lại trong hành trang của du khách gần xa mỗi lần đến với lễ hội.

Sau 3 ngày diễn ra trang trọng, sôi nổi, thu hút đông đảo Tăng ni, Phật tử, du khách trong và ngoài nước tham gia, tối 27-3, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2– Ngũ Hành Sơn 2016 đã chính thức khép lại bằng những dấu ấn tốt đẹp, sâu đậm khó quên trong lòng người đi trẩy hội. Bà Bùi Thị Kim Cúc (44 tuổi, quê TPHCM) cho biết: “Tham gia nhiều lễ hội của đất nước nhưng có lẽ đây là lễ hội văn minh, sạch đẹp nhất mà tôi đã gặp. Tôi về đây không chỉ để cầu nguyện những điều tốt lành nhất mà còn với mục đích để trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét  lịch sử - văn hóa phật giáo, đồng thời thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại văn hóa dân tộc Việt Nam, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng, đó là danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước–một di sản văn hóa vật thể của dân tộc đang được gìn giữ, lưu truyền và ngày càng phát triển… Tôi có ấn tượng tốt đẹp về lễ hội và vùng đất này...”.

Trí Dũng