Lính truy nã kể chuyện (2)

Thứ bảy, 12/09/2009 00:00

Kỳ 2: Buộc tội ác phải trả giá

(Cadn.com.vn) - Trở về sau những chuyến đi dài bắt giữ đối tượng truy nã, niềm hạnh phúc lớn lao đối với họ là phút giây sum họp đầm ấm bên gia đình, được nghe tiếng cười nói trong trẻo của con thơ, được cảm nhận tình thương yêu vô bờ bến của những người thân. Trinh sát (TS) hình sự trong những phút giây quyết định quả cảm ngần ấy, nhưng khi trở về với đời thường, họ bình lặng biết bao.

năm về trước, vào buổi sáng 18-4-2002, Ngô Văn Cường (1962, quê xã Diễn Nguyên, H. Diễn Châu, Nghệ An) đã gây ra một tội ác hết sức man rợ rồi cao chạy xa bay. Hiện trường để lại là ông Nguyễn Như Trịnh, chủ tiệm vàng Như Trịnh tại xã Diễn Hạnh (Diễn Châu) nằm chết vì bị hung thủ dùng búa đinh đánh nhiều nhát vào đầu. 22 chỉ vàng cùng 10,5 triệu đồng đã bị kẻ thủ ác cuỗm đi. Vụ án giết người cướp tài sản này đã làm bàng hoàng dư luận trong một thời gian dài. 4 năm sau (2006), dù đã trốn vào Lâm Đồng, thay tên đổi họ, lấy vợ sinh con... song kẻ thủ ác này đã bị các TS Đội bắt truy nã, thuộc Phòng CSĐT TP về TTXH CA tỉnh Nghệ An bắt giữ.

Là người chồng, người cha của 5 đứa con thơ, nhưng chẳng bao giờ Cường ngó ngàng tới gia đình, vợ con. Ngày ngày Cường lân la hết chiếu bạc này đến chiếu bạc khác, tài sản trong nhà cũng theo đó lần lượt đội nón ra đi. Chỉ tội cho người vợ, suốt ngày làm lụng quần quật ngoài đồng để lo cho 7 miệng ăn. Vì vậy mà việc Cường đi hay về, tồn tại hay không tồn tại, vợ con cũng chẳng thèm quan tâm. Đánh bạc thắng thì y có tiền ăn chơi phung phí cùng đám chiến hữu, còn thua thì tìm mọi cách cho có được tiền để chơi tiếp, dù có phải đi trộm hay là đi cướp giật tài sản của người khác.

 

 Tập thể CBCS Đội truy nã PC14 CA Nghệ An họp bàn phương án truy bắt đối tượng.

 

Đỉnh điểm của việc lún sâu vào tội ác của Cường là sau một đêm say sưa sát phạt thua cháy túi, Cường lang thang khắp nơi, trong đầu suy tính phải làm một cái gì đó để có thật nhiều tiền. Và cái gì đến rồi cũng đến. Ngày 18-4-2002, Cường đến nhà một người cùng xóm lấy trộm chiếc búa đinh rồi ra đi... Khoảng 8 giờ sáng, đến chợ Chùa, thuộc xã Diễn Hạnh, thấy hiệu vàng Như Trịnh đã mở cửa, trong tiệm chỉ có mình ông Nguyễn Như Trịnh là chủ tiệm, Cường ung dung đi vào. Đã sắp đặt mưu kế tội ác trong người, ban đầu Cường giả vờ xin nước uống, sau đó giở chiêu “xin đểu” chủ tiệm vàng vài triệu đồng.

Bị ông Trịnh từ chối và đòi báo CA nên Cường vờ từ biệt ra về, nhưng khi quay đi được vài bước thì hắn lui trở lại, bất ngờ rút búa đinh ra nhằm đầu ông Trịnh bổ tới. Không kịp đề phòng, ông Trịnh đổ gục xuống nền nhà. Không dừng lại ở đó, hắn lao tới bồi tiếp nhiều nhát búa như trời giáng vào đầu, mặt cho đến khi gia chủ nằm bất động mới thôi. Giết xong chủ tiệm vàng Nguyễn Như Trịnh, Cường lục túi lấy chìa khóa, mở tủ và lấy đi 22 chỉ vàng cùng với 10,5 triệu đồng tiền mặt có trong tủ.

Hành sự xong, Cường đi ra giếng chùi rửa các vết máu dính trên người và trên búa, trở vào nhà đắp cho người quá cố chiếc chăn rồi ung dung đi ra ngoài. Sau khi gây án, sợ bị bại lộ, Ngô Văn Cường đã bắt xe vào TP Vinh, bán tống bán tháo 22 chỉ vàng được gần 10 triệu đồng, rồi không quên tìm đến sới bạc làm một chầu hoành tráng, sau đó lẩn trốn biệt tăm.

Để có thông tin, Phòng PC14 CA tỉnh Nghệ An đã xác lập Chuyên án 434TN/2002 để truy bắt Ngô Văn Cường. Qua 4 năm thực hiện chuyên án, Đội truy nã đã tổ chức nhiều đợt cử CBCS đi xác minh truy bắt tại các tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Bình Dương, Bình Phước, TPHCM, Lâm Đồng, Đắc Lắc... để xác minh làm rõ mối quan hệ, nơi lẩn trốn của tên Cường, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng cơ sở bí mật đi sâu vào người thân...

 

 Các đối tượng trốn truy nã tại các tỉnh phía Nam bị bắt giữ trong một chuyến công tác
của trinh sát Đội 2 PC14 CA Nghệ An.

 

Đối với 2 TS Vũ Quốc Bảo và Phạm Đình Quỳnh có lẽ cho đến tận hôm nay họ vẫn không thể quên được hành trình gian nan đi tìm tung tích thủ phạm của vụ trọng án này. Xuôi ngược Bắc - Nam ròng rã mấy năm trời nhưng hành tung của Cường vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh. Đi dọc ra các tỉnh phía Bắc xác minh thì nhầm đối tượng, ngược vào các tỉnh phía Nam thì có một ít manh mối nhưng lại chậm chân. Điều họ làm được trong thời điểm ấy là xây dựng cho mình ở mỗi nơi một vài cơ sở và hy vọng có ngày sẽ tóm được thủ phạm.

Rồi những ngày chờ đợi đằng đẵng cũng qua đi khi hay tin có đối tượng nghi vấn với đặc điểm nhân dạng giống với đối tượng Cường. Ngay trong đêm một ngày đầu tháng 4-2006, một tổ TS Đội truy nã nhận lệnh lên đường Nam tiến vào địa phận tỉnh Lâm Đồng. Ngày 12-4-2006, các TS trong vai thợ điện, đến nhà Ngô Trí Hùng (lúc này Cường đã đổi họ, tên), trú xã Tu Tra, H. Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng kiểm tra đồng hồ. Hùng không hề để ý đến những người “thợ điện” lạ mặt, chỉ đến khi các TS áp sát đối tượng và bất ngờ đọc lệnh: “Ngô Văn Cường, anh đã bị bắt” thì y mới sực tỉnh thì chiếc còng số 8 đã bập vào cánh tay.

 

Trong 5 năm (2004-2009), Phòng PC14 đã truy bắt, vận động đầu thú được 295 ĐTTN (truy bắt 277 tên, vận động đầu thú được 18 đối tượng), trong đó có 90 tên nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Tổ chức 17 đợt, cử 21 tổ công tác vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên phối hợp truy bắt được 97 tên, trong đó có 43 tên truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, kết thúc 12 chuyên án lớn.

Để dẫn giải được Cường về quê quy án cũng là chuyện nan giải mà các TS Đội truy nã PC14 CA Nghệ An gặp phải. “Trên đường dẫn giải đối tượng về quy án, chúng tôi luôn đặt mình trong tư thế hết sức tỉnh táo vì không muốn để xảy ra bất cứ sai sót đáng tiếc nào. Chuyện “thức cho Cường ngủ, bón cho Cường ăn” được xem như nhiệm vụ hàng đầu của mỗi cá nhân trong tổ công tác. Chỉ được thở phào nhẹ nhõm khi mọi chuyện đã xong xuôi, mà điều đó chỉ có thể nhận thấy khi mình đã về ăn cơm với gia đình, vợ con” - một chiến sĩ trong tổ chuyên án giãi bày tâm sự.

 

Vậy là sau 4 năm lẩn trốn tội ác, Ngô Văn Cường đã bị bắt trở về Nghệ An để quy án. Với những tội trạng, nhân chứng và vật chứng mà cơ quan CSĐT cung cấp, Cường đã bị TAND tỉnh Nghệ An xét xử với 3 tội danh gồm cướp giật tài sản; giết người và cướp tài sản. Tổng hợp cả ba tội danh trên, Ngô Văn Cường đã phải nhận mức án cao nhất: tử hình.

Ghi chép: Doãn Hùng - Xuân Sơn

(còn nữa)