Lợi ích thiết thực
(Cadn.com.vn) - "Con đường tơ lụa" là một phần của chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc. Đây là chiến lược phát triển kinh tế mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố trong năm 2013.
Trong động thái đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc làm sống lại "Con đường tơ lụa" cổ xưa huyền thoại, một tuyến tàu chở hàng đầu tiên từ Trung Quốc đã đến Iran hôm 15-2. Đoàn tàu gồm 32 container đi qua Kazakhstan và Turkmenistan để đến Iran trong 14 ngày (nhanh hơn 30 ngày so với một chuyến đi trên biển giữa cảng Thượng Hải ở Trung Quốc và cảng Bandar Abbas của Iran), hoàn thành cuộc hành trình hơn 10.000km từ thành phố miền đông Wiyu của Trung Quốc.
Đoàn tàu lịch sử này khởi hành chỉ vài tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Iran, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên thăm quốc gia Hồi giáo kể từ khi lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran được dỡ bỏ. Hệ thống tàu này có 1 chuyến mỗi tháng và sẽ tăng dần tần suất nếu cần thiết.
"Một vành đai, Một con đường" trị giá 40 tỷ USD - là một sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra năm 2013. Đây là dự án nhằm thúc đẩy phát triển kết nối và hợp tác chung. Sáng kiến này gồm 2 thành phần chính: Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (SREB) và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (MSR) kết nối Trung Quốc với Châu Âu bằng đường bộ và đường biển. Trong đó SREB kết nối Trung Quốc với Châu Âu qua Trung Á và Tây Á. MSR kết nối Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, Châu Phi và Châu Âu.
"Con đường tơ lụa" - được hình dung như là một tuyến đường sắt và đường biển - là một phần chiến lược phát triển kinh tế vốn mở ra một chương mới trong hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Iran. Vì những lợi ích kinh tế thiết thực, các quốc gia dọc theo Con đường tơ lụa đang phấn đấu để hồi sinh tuyến đường thương mại huyền thoại này. Và sự ra đời của tuyến đường này trong thời điểm hiện nay được đánh giá là một thành tích chưa từng có.
Tuy nhiên, báo New York Times có bài báo cho rằng, lực đẩy khiến Bắc Kinh làm sống lại các tuyến đường thương mại này đang gây căng thẳng địa chính trị với các quốc gia ngày càng lo ngại về việc trở thành quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Giữa những lời chỉ trích rằng, sáng kiến "Con đường tơ lụa" làm sống lại các tuyến đường thương mại cổ đại là một "công cụ địa chính trị" nhằm mở rộng ảnh hưởng, Bắc Kinh lên tiếng bác bỏ.
Trong khi hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng, sáng kiến này sẽ mở rộng hoạt động kinh tế đối với các nước lân cận dọc theo "Con đường tơ lụa" truyền thống, một số không chắc chắn về tính khả thi của kế hoạch, do tình trạng bất ổn chính trị và lực lượng nổi dậy ở khu vực dọc theo tuyến đường vành đai, bao gồm Khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ - vùng lõi mới nổi của vành đai kinh tế "Con đường tơ lụa".
Thanh Văn