Luôn hướng đến sự hài lòng của “thượng đế”

Thứ ba, 12/07/2016 10:29

(Cadn.com.vn) - Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số được điều tra độc lập: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đứng đầu về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)... Tất cả đó là nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền thành phố để phục vụ doanh nghiệp, người dân tốt hơn.

Ông Chế Viết Sơn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho rằng, những đánh giá độc lập của các cơ quan trung ương và các tổ chức quốc tế là “thước đo” quan trọng của các cấp hành chính của thành phố đối với sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân và có thể nói rằng Đà Nẵng đang xem các tổ chức, người dân là “thượng đế” để ngày càng phục vụ tốt hơn. Ông Sơn nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng đối với cán bộ công chức toàn thành phố là “5 xây - 3 chống”, trong đó 5 xây là trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu và 3 chống là quan liêu, tiêu cực, bệnh thành tích. “5 xây- 3 chống” để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.

Năm 2015, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thăm và đánh giá cao mô hình một cửa liên thông tại TTHC TP Đà Nẵng.

“Thực tế đã minh chứng, công cụ hữu hiệu mà Đà Nẵng tiến hành từ nhiều năm nay  là kết quả của quá trình dày công nghiên cứu, xây dựng và ban hành thực hiện hệ thống chỉ số theo dõi, đánh giá, xếp hạng về kết quả CCHC. Hàng năm việc làm này đã được tiến hành đối với tất cả sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố sớm ban hành quy trình, phương pháp và tiêu chí đánh giá, xếp hạng về CCHC hàng năm đã thực sự tạo ra hiệu ứng và sức lan tỏa rộng khắp, tạo động lực thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, ngày càng phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và của tập thể trong việc phấn đấu thực hiện kế hoạch, chương trình công tác CCHC đã đề ra”, ông Sơn nói.

Có thể thấy, những nỗ lực không ngừng cải thiện chất lượng, hiệu quả của công tác CCHC của các cấp, ngành của Đà Nẵng đã tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, góp phần đưa Đà Nẵng đến thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng tỉnh, thành phố theo nhiều chỉ số cấp tỉnh và được Trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá cao như đã nêu. Mặc dù được điều tra, đánh giá và “khen” một cách khách quan như vậy, nhưng lãnh đạo Đà Nẵng vẫn chưa hài lòng với những gì đã có, để đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, hợp lý hơn, hiện đại hơn và thân thiện hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Ngày 20-6, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ ký văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện công tác CCHC giảm thời gian tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính (TTHC), giảm số lượng thành phần hồ sơ và cắt giảm chi phí thực hiện TTHC; đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua mạng hoặc qua dịch vụ bưu điện; niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên mạng; thiết lập hệ thống tiếp nhận thông tin, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết TTHC để người dân, doanh nghiệp phản ánh về chính sách, TTHC và thái độ thực thi công vụ qua các kênh thông tin điện tử và qua điện thoại tổng đài 1022; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2015...

Mới đây, ngày 30-6, UBND TP ban hành Phương án triển khai tiện ích hẹn giờ giao dịch hành chính tại Đà Nẵng. Theo đó, thay vì chờ đợi đến lượt giải quyết tại Bộ phận một cửa tiếp nhận và trả kết quả (TNTKQ) của các cơ quan, đơn vị, công dân, tổ chức sẽ gọi điện hoặc nhắn tin đến Trung tâm Thông tin dịch vụ công (0511 3 881 888) để hẹn giờ thực hiện TTHC tại cơ quan, đơn vị. Tổ chức, cá nhân liên hệ để hẹn giờ chỉ trả cước cuộc gọi cho nhà mạng như gọi đến điện thoại cố định bình thường; không trả phí phục vụ. Trường hợp nhắn tin, cước phí nhà mạng thu 1.000 đồng/tin nhắn. Thông tin việc hẹn giờ sẽ được hiển thị tại màn hình tivi tại Bộ phận TNTKQ để các các tổ chức, cá nhân được biết. Trường hợp đến giờ hẹn mà tổ chức, cá nhân không đến thực hiện giao dịch thì sau 10 phút kể từ thời gian hẹn, công chức của cơ quan giao dịch được xóa tên tổ chức, cá nhân khỏi danh sách hẹn giờ. Trong năm 2016 sẽ triển khai thí điểm tại các Sở Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ. Năm 2017: sơ kết và mở rộng thực hiện tại tất cả các sở, ban, ngành. Năm 2018, mở rộng tại một số bệnh viện trực thuộc Sở Y tế và UBND các quận, huyện.

Xuân Đương