Lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống
Những năm gần đây, cùng với sự đổi thay của cuộc sống, những ngôi nhà sàn truyền thống ở phía Tây tỉnh Nghệ An đang dần biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà sàn cải tiến và bê-tông hóa.
|
Trên đường từ thị trấn Mường Xén đến xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nơi đại đa số là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, nhưng số nhà sàn đúng nguyên bản không còn nhiều. Hiện rất nhiều ngôi nhà người dân làm bằng những nguyên vật liệu hiện đại như gạch, tôn... để xây tường, lợp mái. Ngôi nhà hai tầng được xây dựng bằng gạch và sử dụng cả nguyên liệu gỗ của gia đình anh Vi Văn Hùng, bản trung tâm xã Mỹ Lý, đang trong quá trình hoàn thiện. "Vợ chồng tôi rất mong được làm nhà sàn truyền thống, nhưng gỗ hiện nay quý hiếm, khó mua. Để tích góp được ngần này gỗ là cả quá trình gần chục năm trời. Thế nên chúng tôi đành phải làm nhà sàn pha trộn như thế này đây", anh Hùng lý giải.
Trước đây, người dân Mỹ Lý chủ yếu ở nhà sàn bằng gỗ theo truyền thống của người Thái, nhưng giờ chỉ còn khoảng hơn một nửa vì rất khó để tìm gỗ dựng nhà. Thay vào đó là nhà sàn bằng bê-tông cốt thép, giản lược đi nhiều nét văn hóa truyền thống so với nhà sàn cổ. Không chỉ những ngôi nhà bê-tông hóa, ngay cả các ngôi nhà sàn làm bằng gỗ hiện nay cũng cải tiến hơn nhiều. Điều khác biệt dễ nhận thấy nhất là phần mái, trái nhà và cầu thang.
Những ngôi nhà sàn mới xây của đồng bào Đan Lan ở khu tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, không phải được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Thay vào đó, các cột kèo, các đường ngang được làm bằng bê-tông, sơn đỏ, mái lợp ngói, nhưng nhìn tổng thể các ngôi nhà vẫn rất đẹp mắt, hòa hợp với khung cảnh núi đồi. Ông La Thìn - người dân của khu tái định cư cho biết, ưng nhất là đến đây bà con được sống ở nhà sàn, gần với núi rừng và không khác xa với truyền thống cũ của đồng bào Đan Lai. "Nhiều ý kiến cho rằng nên làm sàn nhà bằng gỗ, nhưng chúng tôi lại thích sàn nhà bằng tre nứa cho mát và chủ đầu tư đã đồng ý", ông Thìn vui vẻ chia sẻ.
Huyện Con Cuông vốn là vùng đất giàu tiềm năng du lịch của tỉnh Nghệ An. Trong đó, văn hóa truyền thống được đồng bào Thái hình thành, gìn giữ từ bao đời nay là yếu tố đặc biệt quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng. Để làm nên bản sắc riêng của du lịch Con Cuông, những căn nhà sàn cổ đóng vai trò quan trọng. Bản Nưa (xã Yên Khê), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) của huyện Con Cuông vẫn còn những căn nhà sàn bằng gỗ xinh xắn, thoáng mát phục vụ du khách nghỉ dưỡng.
Nói về công tác lưu giữ và bảo tồn nhà sàn ở huyện Con Cuông, ông Nguyễn Đình Hùng- Bí thư Huyện ủy cho biết: "Trước thực trạng nhà sàn truyền thống của đồng bào trong huyện đang được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiến trúc mới, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, định hướng cho người dân giữ gìn thật tốt các nếp nhà sàn truyền thống. Về cơ bản vẫn làm theo kiểu nhà sàn truyền thống, chỉ thay trụ gỗ bằng trụ bê-tông, lợp ngói cho vững chắc. Còn với những bản làm du lịch cộng đồng, bà con đều có ý thức lưu giữ và bảo tồn".
Cùng với huyện Con Cuông, tại xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, theo ông Đinh Viết Hà, Chủ tịch UBND xã, từ năm 2001 trở về trước, nhà sàn trong xã bị "xóa sổ" khá nhiều do người dân thi nhau bán. Tuy nhiên, từ sau khi chúng tôi xây dựng thành công bản văn hóa đầu tiên (bản Vy) của tỉnh Nghệ An, việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa lan tỏa trong toàn xã. Người dân ý thức cần gìn giữ nhà sàn của dân tộc mình. Hiện hơn 82% đồng bào Thái của xã đang sinh sống trong nhà sàn truyền thống.
Bích Huệ