Mặt thật của “ông chủ kín kẽ”

Thứ bảy, 07/01/2017 11:08

Thuê xe cẩu đi trộm

(Cadn.com.vn) - Trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11-2009, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh sắt thép các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên luôn bị ám ảnh bởi tình trạng sau mỗi đêm thức dậy, hàng tấn sắt thép bị “bốc hơi”. Càng ngạc nhiên hơn, số sắt thép luôn được chứa trong kho cửa khóa mấy lớp, muốn “rinh” đi được đòi hỏi phải có nhiều người, dùng cẩu tải, dùng ô-tô mới chuyên chở được. Cũng đúng thời điểm này, một nhóm trộm táo tợn và chuyên nghiệp lên tới 9 đối tượng, trong đó có 3 anh em ruột Nguyễn Văn Nghệ (1977, trú Hàm Yên, Tuyên Quang) đang gieo rắc ám ảnh khắp nhiều tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên. Sự táo tợn và chuyên nghiệp của chúng thể hiện bằng thủ đoạn trộm gần như chưa có tiền lệ. Nhắm vào mặt hàng sắt thép của các đại lý vật liệu xây dựng (VLXD), Nghệ và đồng bọn đã chuẩn bị kìm cộng lực và ô-tô BKS 54Z-0343 thuê của một người dân ở TPHCM đi dọc các tỉnh miền Trung, rồi lên cả Tây Nguyên để hành sự. Lợi dụng đêm tối, chúng rảo xe tải dọc các tuyến quốc lộ, nhắm đại lý VLXD nào thuận lợi như không có chủ ngủ lại thì sẽ hành động. Chúng phân công người cảnh giới, người dùng kìm cộng lực phá khóa, người điều khiển cẩu tải đưa sắt thép lên xe... Kế tiếp, chúng điều khiển xe tải đi dọc quốc lộ, tìm tới các đại lý VLXD khác để bán sắt thép với giá “mềm”. Khi được các chủ đại lý VLXD hỏi nguồn gốc sắt thép, chúng viện lý do đang thi công công trình còn dư, muốn bán để lấy kinh phí trả lương cho công nhân. Sau khi bán được hàng, chúng chia tiền tiêu xài, giữ lại một phần đổ xăng xe, chi phí chung để tiếp tục thực hiện phi vụ mới. Bằng cách đó, khởi hành từ TPHCM, thực hiện trót lọt vụ đầu tiên ở Đồng Nai, chúng tiếp tục gây án ở Đắc Nông, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... tổng cộng tới 32 vụ, tổng giá trị thiệt hại hơn 850 triệu đồng.

Tại địa bàn Đà Nẵng, anh em Nghệ và đồng bọn đã thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm sắt thép với số lượng lớn. Đơn cử cuối tháng 10-2009, chúng đã trộm của đại lý VLXD ở 291-Trường Chinh 6 tấn thép đem bán được 20 triệu đồng (giá trị thực tế 69 triệu đồng). 2 ngày sau, chúng lại cẩu trộm 2,5 tấn thép của một đại lý VLXD trên đường Đống Đa đem bán lấy 10 triệu đồng (giá thực tế hơn 28 triệu đồng). Cũng 2 ngày sau, ở vụ thứ 25, chúng đã đột nhập lấy 4,8 tấn thép của một đại lý ở Thăng Bình (Quảng Nam) đem bán được 20 triệu đồng (giá thẩm định thực tế gần 46 triệu đồng). Rồi kế tiếp là vụ thứ 26, 27, 28... đến vụ thứ 32 thì bị phát hiện. Trong vụ thứ 32, Nghệ và đồng bọn đột nhập Cty Lê Hiền (Q. Cẩm Lệ) lấy 3 tấn thép cẩu lên xe tải, chuẩn bị tẩu thoát thì bị lực lượng CA và dân phòng P. Khuê Trung tuần tra, phát hiện. Những đối tượng khác bị bắt giữ, trong đó có anh em ruột của Nghệ là Nguyễn Văn Huân, riêng Nghệ và 2 đối tượng khác chạy thoát, sau đó bị CATP Đà Nẵng ra quyết định truy nã.

Nghệ khi gây án và lúc bị bắt.

Trốn truy nã bằng xe tải

Thoát khỏi hiện trường, bị truy nã, anh em Nghệ tan tác, chạy trốn mỗi người một phương. Nếu Nguyễn Văn Tĩnh chọn huyện miền núi heo hút Anh Sơn (Nghệ An), sắm vai người buôn lâm sản, nay đây mai đó (bị bắt vào năm 2014), thì Nghệ lại tìm đến chốn phồn hoa đô thị đông đúc ở Biên Hòa (Đồng Nai). Sở dĩ Nghệ chọn Biên Hòa, bởi ở đó y có điểm tựa từ vợ con, cũng mới chuyển từ Ninh Bình vào lập nghiệp. Vợ của Nghệ là người tháo vát, một tay gầy dựng nên Cty H.A.T chuyên sản xuất găng tay len dùng bảo hộ lao động với cơ ngơi rộng rãi, thu hút hàng chục lao động. Nghệ được vợ đầu tư xe tải chuyên chở hàng đi giao cho khách khắp trong Nam ngoài Bắc.

Cũng chính vì ăn ngủ trên xe, rong ruổi khắp các ngả đường nên tung tích của Nghệ rất khó phát hiện. Mỗi lần xe về xưởng bốc hàng hoặc phải về nhà, Nghệ thường giam mình trong phòng, hạn chế tối đa việc đi lại, giao du với mọi người trong khu phố. Thậm chí những công nhân làm thuê trong Cty cũng chỉ biết Nghệ là “ông chủ” ít nói và chăm chỉ làm việc, ngoài ra không biết gì hơn.

Theo Thượng úy Trần Xuân Vinh - Phó đội trưởng Đội 2 Phòng CSTNTP CATP Đà Nẵng, trong suốt 6 năm trốn truy nã, Nghệ không trở về quê thăm gia đình ở Tuyên Quang lần nào. Cũng vì thế, việc vận động gia đình khuyên Nghệ ra đầu thú không có kết quả. Xác định Nghệ là đối tượng truy nã loại đặc biệt nguy hiểm, tháng 6-2016, CATP Đà Nẵng quyết định lập Chuyên án truy xét TC45 do Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc CATP làm Trưởng Ban Chuyên án. Nhiều mũi TS đã được tỏa đi, thậm chí có thời điểm cha ruột của Nghệ qua đời, tổ TS đã mật phục ở Tuyên Quang nhưng Nghệ vẫn không bén mảng về. Ngay cả khi đã xác minh được Nghệ ở Biên Hòa nhưng việc mật phục bắt giữ cũng rất khó khăn, bởi y thường xuyên rong ruổi khắp nơi. Phải đến những ngày cuối cùng của năm 2016, sau hàng chục ngày ăn dầm nằm dề ở Biên Hòa theo dõi, cuối cùng tổ TS cũng phát hiện Nghệ xuất hiện tại nhà riêng. Phương án bắt Nghệ được tiến hành. Khi cả tổ TS vào nhà Nghệ nói chuyện rôm rả với vợ Nghệ thì ở trên lầu, đối tượng vẫn đinh ninh đó là những người bà con bên vợ từ Ninh Bình vào chơi, nên vội xuống chào hỏi. Việc bắt Nghệ diễn ra êm thấm, không làm xáo trộn đến công việc của hàng chục công nhân trong nhà Nghệ.

Thành Nam