Máy “xóa mù chữ” bằng năng lượng mặt trời
(Cadn.com.vn) - Chiếc máy học Toán, tiếng Việt dùng cho trẻ em vùng cao chạy bằng năng lượng mặt trời vừa được 2 học sinh trường Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) sáng tạo thành công và đạt giải Ba toàn quốc Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên năm 2016.
Khoa đang vận hành chiếc máy độc đáo của mình. |
Không chỉ trẻ em mà ngay cả những người lớn tuổi không biết chữ, khi sử dụng chiếc máy này với những thao tác đơn giản vào thời gian rảnh rỗi cũng có thể biết đọc, biết viết và làm các phép toán đơn giản. Để cho ra được chiếc máy hoàn thiện, ưu việt như hiện nay, cả Nguyễn Anh Khoa và Nguyễn Tuấn Thiện (lớp 10A1 Trường Lê Quý Đôn - Đà Nẵng) đã phải miệt mài sáng tạo, hiệu chỉnh nhiều lần. Khoa nói, dù ý tưởng đã có từ lâu, nhưng phải tới tháng 9-2016 mới bắt tay vào thực hiện được. Trong quá trình làm, các em đã gặp nhiều khó khăn, nhất là mặt kỹ thuật, hư lên hỏng xuống nhiều lần, tốn kém nhiều kinh phí. Chưa kể, là sản phẩm tập thể, nên mỗi người có những ý tưởng phát triển riêng, việc dung hòa, đồng nhất để cho ra ý tưởng chung, tạo hiệu quả thiết thực cho chiếc máy cũng là vấn đề không đơn giản.
Chiếc máy nhỏ gọn, trên bề mặt là màn hình led, có hệ thống âm thanh, bên trong là bộ tích hợp dữ liệu các bài giảng trong sách giáo khoa tiểu học môn Toán, tiếng Việt lớp 1. Hiểu đơn giản chiếc máy như một cuốn sách điện tử, như một món đồ chơi cho trẻ, có thể vừa học, vừa chơi. Đầu tiên trẻ sẽ bấm nút để nhận diện các chữ cái (thường và hoa), các số đếm. Sau đó, trẻ sẽ được học ghép vần, đọc chữ, học tính các phép toán, các phép so sánh... Trẻ sẽ dùng miếng ghép nạp vào máy để biết sự lựa chọn ghép chữ, làm phép tính của mình có chính xác hay không? Nếu làm sai, máy sẽ báo lỗi, yêu cầu làm lại, nếu làm đúng, máy sẽ cho kết quả, thông báo trên hệ thống loa và màn hình led.
Anh Khoa chia sẻ, việc học chữ ở vùng cao, vùng núi hẻo lánh với trẻ em gặp nhiều khó khăn. Nhiều đứa trẻ buổi ngày phải theo ba mẹ lên nương rẫy, tối về mới có thời giờ rảnh rỗi để học. Tuy vậy, ở nhiều vùng cao, hẻo lánh không có điện lưới, khiến việc học càng thêm khó. Từ thực tế đó, được sự gợi ý của thầy cô, Khoa và Thiện đã dồn tâm huyết sáng tạo ra chiếc máy học Toán, tiếng Việt này. Buổi sáng trước khi theo ba mẹ lên nương rẫy, trẻ em vùng cao chỉ việc mang cục sạc gắn pin ra để ngoài sân, nơi có ánh nắng mặt trời. Đến tối về nhà, pin đã được sạc đầy, tháo ra gắn vào máy là có thể sử dụng cho việc học từ 2-3 giờ đồng hồ. Như vậy, dù không có điện lưới thì chiếc máy vẫn có thể hoạt động nhờ nguồn năng lượng mặt trời. Giá của mỗi chiếc máy chỉ khoảng 400 ngàn đồng và có thể sẽ giảm hơn nữa nếu được cải tiến, sản xuất số lượng nhiều.
Các phép tính, con chữ sẽ được hiện lên màn hình led. |
Khi trẻ vừa được học vừa được chơi bằng một chiếc máy có cấu tạo hấp dẫn, có hình ảnh, âm thanh sẽ tác động vào trực quan, giúp trẻ dễ cảm nhận và nhớ lâu. Cũng từ đó, hiệu quả việc học sẽ được nâng cao hơn. Khoa cho biết, năm 2015 đang học lớp 9 Trường THCS Nguyễn Khuyến, cậu đã sáng tạo robot lau kính để dự thi Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc nhưng không đạt giải. Lý do vì con robot của cậu lúc chạy thử thì rất tốt, khi Ban giám khảo vào thì đứng im, mang về nhà thì lại chạy. Từ đó, Khoa rút kinh nghiệm khi sáng tạo chiếc máy này phải đặc biệt chú ý tính ổn định, phải thử nghiệm nhiều lần để chọn các chi tiết tối ưu nhất. Nhờ đó, chiếc máy của Khoa và Thiện được đánh giá cao về ý tưởng tạo ra sản phẩm cũng như tính ứng dụng thực tiễn. Từ lời khuyên của Ban giám khảo, Khoa cho biết tương lai mình sẽ hoàn thiện chiếc máy cho nhỏ gọn hơn nữa, giá thành rẻ hơn, tích hợp vào đó nhiều bài học hơn, có thể toàn bộ chương trình giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông. Tuy vậy, với phiên bản lần đầu và giành giải cao cuộc thi sáng tạo khoa học uy tín toàn quốc đã là thành công đáng tự hào với 2 chàng học sinh trường Lê Quý Đôn rồi.
Trong khi việc học con chữ ở vùng cao, vùng hẻo lánh khá gian nan, trẻ đến lớp tạm phải đánh vật với từng con chữ, giáo viên phải tới từng nhà vận động trẻ lên lớp, thì chiếc máy này của Khoa và Thiện sẽ góp phần vào việc xóa mù cho trẻ vùng cao. Ở những vùng khó khăn như vậy, biết đọc, viết, làm các phép tính đơn giản đã là điều rất ý nghĩa.
Hải Quỳnh