Miền Trung khẩn trương ứng phó với tình huống “bão chồng bão, lũ chồng lũ”
Ngày 26-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, đơn vị, địa phương về chỉ đạo ứng phó với bão số 9, một cơn cuồng phong đang áp sát đất liền miền Trung. Các địa phương miền Trung được dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đã triển khai các biện pháp cấp bách để ứng phó, trong đó yêu cầu hàng đầu là người dân phải được an toàn trước khi bão đổ bộ.
Tàu thuyền miền Trung neo đậu an toàn tại Âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng. |
Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo tính mạng, tài sản nhân dân
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, miền Trung đang trong tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, chính vì vậy công tác chuẩn bị ứng phó bão số 9 cần chủ động, khẩn trương và nghiêm túc. “Các bộ ngành, địa phương phải chủ động phòng chống tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão mạnh gây ra và mưa lũ sau bão. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua, nhất là tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, đừng để nhân dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đói rét, khó khăn”, Thủ tướng nhấn mạnh. Bão số 9 dự báo đổ bộ vào miền Trung vào ngày 28-10 với gió rất mạnh, sóng lớn và mưa lớn sau bão. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân ở khu vực ven biển, ngư dân trên tàu cá, các lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản là quan trọng nhất. Cùng với việc yêu cầu tàu thuyền vào bờ, tìm nơi trú tránh, người dân nuôi cá lồng bè dọc biển sớm lên bờ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán dân theo phương án phù hợp nhất, kể cả các khu dân cư ven biển và miền núi có nguy cơ sạt lở. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải có cơ quan thường trực hỗ trợ các địa phương, tập trung hỗ trợ dân trước bão và cứu dân sau bão, kể cả dùng các phương tiện như máy bay trực thăng, xe tăng và các phương tiện để cứu dân khi bị mắc kẹt, bị bão lũ đe dọa tính mạng. “Chúng ta phải quán triệt tinh thần 4 tại chỗ, những cuộc họp không cần thiết thì dừng để ưu tiên chống bão. Phải đề cao cảnh giác, chỉ có chủ động thì mới hạn chê được các thiệt hại. Chủ quan thì hậu quả rất lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Công ty Công viên Cây xanh cắt tỉa cây trước bão số 9. |
Đà Nẵng hoàn thành sơ tán dân vào 15 giờ chiều 27-10
Tại cuộc họp sáng 26-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị, địa phương phải nâng khối lượng, tốc độ ứng phó với bão số 9 lên gấp 2-3 lần so với các cơn bão bình thường. “Với những gì đã xảy ra với các tỉnh miền Trung trong những ngày qua, chúng ta cần khẩn trương hơn, không được phép chủ quan. Các đơn vị, địa phương phải thông báo, tuyên truyền, vận động người dân chủ động ứng phó. Những nhà dân ở vùng xung yếu ven biển hoặc vùng núi có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét... phải được di dời sớm với thái độ quyết liệt. Việc di dời dân cũng như neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn ở các công trình phải được hoàn thành trước 15 giờ chiều 27-10”, ông Chinh yêu cầu. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng lưu ý các sở ngành, địa phương hoãn các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để ưu tiên chống bão. Bắt đầu từ chiều nay (27- 10), Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 28-10.
Chiều 26-10, Giám đốc CATP Đà Nẵng yêu cầu công an các đơn vị địa phương kích hoạt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương án phòng chống thiên tai của lực lượng Công an với nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho người dân mọi lúc, mọi nơi. Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo toàn lực lượng chuẩn bị con người, phương tiện, chủ động phương án để sẵn sàng có mặt, sát cánh cùng chính quyền hỗ trợ người dân khi cần thiết. “Công an các đơn vị, địa phương huy động 100% quân số, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cho các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai đã ban hành, diễn tập trong lực lượng công an”, văn bản chỉ đạo của Giám đốc CATP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Người dân Đà Nẵng lấy cát bỏ vào bao để đảm bảo độ chắc chắn cho mái nhà khi có bão. |
Quảng Nam đặc biệt quan tâm đến các vùng có nguy cơ bị chia cắt
Ngày 26-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh có Công điện khẩn số 9/CĐ-UBND yêu cầu các cấp chính quyền sẵn sàng các phương án ứng phó thiên tai, người dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày. Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai ngay các biện pháp chỉ đạo nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng; cắt tỉa cành, chằng chống cây tránh ngã đổ; khai thông cống rãnh để hạn chế thiệt hại do mưa lũ trước 18 giờ ngày 27-10. Các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão. Ngành chức năng nhanh chóng hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Đặc biệt, công điện cũng yêu cầu chính quyền các cấp kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; chỉ đạo nhân dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày.
Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam hỗ trợ neo buộc phương tiện tàu, thuyền. |
Đối với các hồ chứa thủy điện, hiện nay mực nước các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ở cao trình mực nước cao nhất trước lũ. Các hồ thủy điện lớn như: A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung 4 đang vận hành luân phiên 12 giờ để hạ dần mực nước các hồ về mực nước cao nhất trước lũ. Nhằm chủ động phòng tránh cơn bão số 9, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn Quảng Nam nghỉ học 2 ngày (27 và 28-10).
NHÓM PHÓNG VIÊN