Mô hình mang đậm tính nhân văn

Thứ hai, 21/12/2015 11:07

(Cadn.com.vn) - Thiếu tá Trương Văn Lùng - Trưởng CAP 5, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đưa chúng tôi đến gặp một thanh niên còn rất trẻ, nước da trắng, khuôn mặt hiền lành. Đó là em L.T.T (1998) ở khu phố Ngô Quyền, P. 5. Thoạt nhìn không ai nghĩ rằng T. là một trong những thanh niên vi phạm trước đây được CAP và các đoàn thể giáo dục, giúp đỡ trở thành người tiến bộ. Sinh ra trong một gia đình có ba anh chị em, T. là con út nên được bố mẹ và các anh chị quan tâm, nuông chiều từ nhỏ.

Trong thời gian học phổ thông, T. ham mê chơi game online nên học hành chểnh mảng. Mới học hết lớp 9, T. nghỉ học. Do còn trẻ, tính tình bồng bột nên trong một lần duy nhất, T. bị bạn bè xấu rủ rê thực hiện hành vi trộm cắp vặt, bị CAP xử lý cảnh cáo. Để giúp đỡ em trở thành người tốt, thượng sĩ Nguyễn Trung Thành- Cảnh sát khu vực và ông Trần Mẫn- Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố khu phố Ngô Quyền thường xuyên đến nhà khuyên nhủ, động viên, phân tích cho T. những điều hay, lẽ phải.

Các bác, các chú trong Tổ bảo vệ dân phố còn động viên T. có việc làm ổn định để phụ giúp gia đình. Không phụ lòng mong mỏi ấy, L.T.T đã phấn đấu trở thành một thanh niên tốt, chăm chỉ làm ăn. Hiện tại em đang làm thợ cửa nhôm, có công ăn việc làm ổn định. Gặp chúng tôi, L.T.T thổ lộ: “Trước đây, do tuổi trẻ bồng bột nên em đã có những suy nghĩ và hành động không đúng. Em rất ân hận. Giờ đây, em sẽ luôn cố gắng chăm chỉ lao động để phụ giúp gia đình và không phụ lòng sự quan tâm, giúp đỡ của các bác, các cô chú trong phường”.

Trường hợp của hai em Hoàng Minh V. (1995) và Hoàng Minh T. (1998) ở tổ 6, khu phố Ngô Quyền cũng vậy. Mẹ có chồng ở xa hai anh em Minh V. và Minh T.  sống với bà ngoại đã già, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Từ nhỏ đến lớn, hai anh em đã thiếu thốn tình thương, sự quan tâm, gần gũi, giáo dục giúp đỡ của cha mẹ nên Minh V. và Minh T. bị bạn bè xấu rủ rê, sa vào con đường trộm cắp vặt.

Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình của hai cháu, các Cảnh sát khu vực, bác Trần Mẫn thường xuyên đến nhà thăm hỏi, khuyên nhủ, phân tích cho các cháu thấy được điều hay, lẽ phải. Phường còn trợ cấp cho các cháu theo diện hộ nghèo. Nhờ được sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của Công an và các ban ngành, đoàn thể ở phường, hiện tại, hai cháu đã từ bỏ mọi thói hư, tật xấu, chăm chỉ phụ giúp ông bà, trở thành những thanh niên tốt.

CAP 5 và Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố gặp gỡ, động viên thanh niên vi phạm nay đã tiến bộ. Ảnh: P.H

Thiếu tá Trương Văn Lùng cho biết, ở vị trí trung tâm thành phố Tuy Hòa, phường 5 có 8 khu phố, có 3.558 hộ, hơn 14.000 nhân khẩu, là địa bàn khá phức tạp về ANTT. Trước tình hình thanh thiếu niên vi phạm trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói chung, ở thành phố Tuy Hòa nói riêng có chiều hướng gia tăng, năm 2010, CAP đã tham mưu Đảng ủy, UBND phường triển khai, thực hiện mô hình “Phòng ngừa, quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng dân cư”. Sau khi triển khai, thực hiện mô hình, CAP phối hợp với các hội, đoàn thể rà soát, lên danh sách những trường hợp trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Qua rà soát, thống kê, phường 5 có 34 em vi phạm pháp luật với các hành vi trộm cắp tài sản, cướp giật, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích. Tiếp đó, Ban chỉ đạo mô hình phân công cụ thể cho Cảnh sát khu vực, Hội phụ nữ, Ban bảo vệ dân phố và các đoàn thể ở phường trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ các em tiến bộ. Để công tác này đạt hiệu quả, các tổ công tác thường xuyên đến nhà gặp gỡ, tuyên truyền, phối hợp cùng gia đình các em vi phạm để quản lý, giáo dục.

Hàng tháng, các tổ công tác đánh giá, nhận xét mức độ sửa chữa tiến bộ của từng em rất cụ thể, sâu sát; kịp thời động viên những em tiến bộ. Bằng tinh thần trách nhiệm, tấm lòng bao dung nhân ái của các bác, các cô, chú ở các đoàn thể và CAP, nhiều em thanh thiếu niên vi phạm đã phấn đấu sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Kết quả trong 5 năm qua, CAP đã phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể quản lý, giáo dục tiến bộ 28/34 em; số em vi phạm đang tiếp tục được hội, đoàn thể và CAP quản lý, giáo dục, giúp đỡ các em trở thành người tốt.

Từ những kết quả đạt được cho thấy mô hình: “Phòng ngừa, quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng dân cư” ở phường 5 đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Mô hình này không chỉ góp phần phòng ngừa, kiềm chế và làm giảm tội phạm ở cơ sở, đặc biệt là tội phạm trong lứa tuổi trẻ em và người chưa thành niên mà còn mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm, tấm lòng, tình cảm của các CBCS CA và các hội, đoàn thể ở phường với các em thanh thiếu niên vi phạm, giúp đỡ các em trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội sau này.

Phượng Hoàng