Mối lo hạt nhân ở Nam Á

Thứ năm, 16/04/2015 10:51

(Cadn.com.vn) - Nam Á, khu vực bất ổn chứng kiến leo thang đối đầu quân sự và hạt nhân, phần nào bị lu mờ bởi những nỗi sợ hãi về cuộc chạy đua VKHN ở Trung Đông. Theo các nhà phân tích, đây là khu vực trở thành điểm nóng về chạy đua VKHN giữa 3 cường quốc - Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Trong con mắt của nhiều nhà phân tích, sự cạnh tranh này là nguy hiểm và phức tạp bởi sự nghi ngờ lẫn nhau và những thù hằn lịch sử.

Kiềm chế và ngăn chặn

Trước tiên là Pakistan. Đất nước đang gặp khó khăn do bất ổn kinh tế và chính trị này đang trong cuộc đua khoe khoang quân sự với Ấn Độ. Islamabad được cho là có kho VKHN phát triển nhanh nhất trên thế giới. Một báo cáo   gần đây chỉ ra, Islamabad tăng gấp 3 lần số đầu đạn so với một thập kỷ trước.

Sức mạnh hạt nhân là chiến lược chính trị và quân sự đối với giới lãnh đạo Pakistan, một cách để chống lại sức mạnh chính trị và quân sự của Ấn Độ. Nước này gần đây phê duyệt mua 8 tàu ngầm từ Trung Quốc, song không rõ các tàu ngầm này có được trang bị tên lửa hạt nhân hay không. Thỏa thuận này, được cho là trị giá hàng tỷ USD, là một trong những hợp đồng vũ khí lớn nhất của Trung Quốc. Nó cũng đe dọa nguy cơ dẫn đến trận chiến ngày càng tăng về uy quyền quân sự ở Ấn Độ Dương, khu vực từ lâu là nguồn của sự đối đầu và căng thẳng trong khu vực.

Tên lửa Shaheen-II trong cuộc diễu hành quân tại Pakistan ngày 23-3-2015. Ảnh: BBC

Lịch sử không tốt đẹp

Trung Quốc và Pakistan thân thiết trong nhiều thập kỷ, chủ yếu dựa trên mối nghi ngờ với Ấn Độ.

Islamabad gần đây được cho đã bắn thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Pakistan sở hữu tên lửa tầm trung Shaheen-III với tầm bắn hơn 2.700km, dễ dàng bắn trúng mọi phạm vi trên đất Ấn Độ. Một bài báo gần đây trên tờ New York Times cho rằng, Pakistan tiếp tục phát triển VKHN chiến thuật tầm ngắn. Một lần nữa, Ấn Độ lại nằm trong phạm vi. Không ai đánh giá thấp sự đối đầu giữa hai nước, thông qua lịch sử không mấy tốt đẹp, trong đó bao gồm các cuộc chiến tranh vào năm 1947, 1965 và 1971.

Các nhà phân tích ước tính, New Delhi có khoảng 110 đầu đạn hạt nhân nhưng vẫn tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân, với tốc độ chậm hơn. New Delhi có chiến lược hỗn hợp, kết hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và tên lửa hành trình. Nước này thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình vào năm 1974, áp dụng học thuyết không tấn công phủ đầu.

Sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc là mối lo ngại đối với New Delhi, bởi Bắc Kinh có nhiều vũ khí chiến lược tiên tiến và lực lượng quân sự với số lượng vượt trội. Mối quan hệ chặt chẽ Trung Quốc-Pakistan cũng khiến Ấn Độ lo ngại.

Hỗn hợp gây chết người

Sự cạnh tranh hạt nhân khốc liệt ở Nam Á được xem như là công thức cho sự bất ổn trong khu vực vốn có quá nhiều rắc rối.

Đây là bổ sung có khả năng gây chết người cho “hỗn hợp” tranh chấp lãnh thổ và chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới. Khả năng ảnh hưởng của các cường quốc khác trên thế giới đang bị cản trở bởi cả Ấn Độ và Pakistan đều chưa ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí (NPT). Bất ổn kinh tế và chính trị của Pakistan cũng đặt ra những câu hỏi lớn và nỗi lo các nhóm khủng bố có thể chiếm được các vật liệu hạt nhân.

An Bình

(Theo BBC)