Mối tình dưới mái nhà cổ

Thứ tư, 03/01/2018 10:27

Đại tá Trần Đức Kháng, quê Tịnh Phong, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), nguyên phó Sư đoàn trưởng về Chính trị Sư đoàn 859, Quân khu 5, hiện ở 227/52 Nguyễn Văn Thoại (Sơn Trà, Đà Nẵng). Người vợ đầu tiên của ông từng là bí thư phụ nữ H. Mộ Đức. Bà hy sinh năm 1970 để lại cho ông nỗi đau dai dẳng về một mối tình thời chiến bắt đầu dưới mái nhà cổ.

Ông Trần Đức Kháng với tấm bằng Tổ quốc ghi công của vợ.

Buổi xem mắt độc đáo

Bàn tay ông hơi run run khi thắp nén hương lên bàn thờ, nơi đó không có di ảnh mà chỉ có bằng Tổ quốc ghi công của người vợ đầu là  Phạm Thị Thúy. Từ thời Pháp, qua chống Mỹ, cứu nước rồi 10 năm giúp bạn ở chiến trường K, người lính dày trận mạc này lại là người dễ xúc động. Ông bắt đầu câu chuyện tình yêu sâu đậm của mình với giọng nghẹn ngào, đôi lúc như thì thầm với người đã khuất... Năm 1954, Trung đoàn 803, Liên khu 5 về đóng quân ở xã Đức Thành, Mộ Đức. Chỉ còn hai tháng nữa là tập kết ra Bắc theo hiệp định Giơ-ne-vơ, chính trị viên đại đội Trần Đức Kháng bỗng xao xuyến lạ thường. Anh nói ý định với bạn của mình là Phạm Thanh Ba cũng là cán bộ đại đội rằng tuổi đã 25 rồi, muốn lấy vợ ở đây. Không ngờ, bạn vui vẻ giới thiệu cô cháu gái gọi bằng chú (cũng là cháu họ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) ở xã Đức Tân. Tối hôm sau, anh Ba dẫn đi xem mắt ngay. Lúc này chàng chính trị viên thấy ngôi nhà 5 gian sao mà dài quá. Bởi từ phòng khách anh chỉ kịp nhìn thấy bóng dáng cô gái tuổi 17 e thẹn sau cánh cửa bếp. Nhưng ánh đèn dầu cũng đủ để anh biết đó là một cô gái đẹp, da trắng, tóc dài, gương mặt thùy mị. Buổi ra mắt nhà gái thế là xong. Cha Thúy đã mất, mẹ đang làm chủ tịch phụ nữ xã vốn rất yêu mến bộ đội nên gia đình tạo mọi điều kiện cho cả hai nên duyên. Anh đến nhà vài lần nữa nhưng cũng để nhìn nhau chứ chưa một lần nói chuyện. Một tháng sau thì đại đội tổ chức cưới cho cặp đôi. Nhà gái mời bà con đến khá đông. Mẹ anh Kháng không thể dự cưới con trai vì lúc này Sơn Tịnh đã bị địch tạm chiếm. Anh ở nhà vợ một tuần trăng mật. Khi về lại đơn vị, Thúy có vào thăm mấy lần. Niềm vui chưa trọn thì đơn vị nhận lệnh trên, cán bộ cấp đại đội không được đưa vợ đi tập kết cùng. Trong khi đó mẹ vợ và em trai Thúy học lớp 3 cũng sẽ đi tập kết lần này. Nghĩ cảnh người vợ trẻ mới cưới hơn tháng ở một mình giữa vùng địch sắp tràn đến, anh không khỏi xót xa, lo lắng. Buổi chia tay, chồng ôm vợ, mẹ ôm con trong nước mắt giàn giụa. Họ hẹn hai năm sau khi hiệp thương tuyển cử sẽ quay về đoàn tụ. Thúy tặng anh chiếc gối thêu hai con chim hòa bình gửi gắm bao yêu thương với lời nhắn nhủ “Mau về với em!”.

Tập kết ra Nghệ An, ông thường xuyên gửi bưu thiếp về cho vợ theo đường dây quân bưu, nhưng chẳng có cái nào đến nơi và không biết tin tức gì về Thúy. Thi thoảng ông lại ra Nam Định thăm mẹ vợ và đứa em trai. Người mẹ nhớ con gầy rộc, sau này bà bệnh, mất sớm. Năm 1962, ông Phạm Thanh Biền, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra Hà Nội họp và gặp ông Kháng cũng đang ở thủ đô học trường Trung cao chính trị. Người bí thư hết lời khen ngợi cô Thúy vừa đẹp người đẹp nết. Sau khi cả nhà ra Bắc, Thúy ở quê tham gia hoạt động rất tích cực và trở thành đảng viên. Ngôi nhà của cô là nơi cán bộ thường xuyên đi về. Một lần cô và một số cán bộ đang ăn cơm thì địch ập đến bất ngờ. Cô kịp chạy ra ruộng mía, cán bộ thì trèo lên mái nhà, sau đó ném lựu đạn xuống dọn đường và thoát được. Địch chất củi xung quanh và đốt cháy ngôi nhà 5 gian cổ kính. Chúng phục suốt 4 ngày trong ruộng mía rồi treo giải cho người bắt nào được Phạm Thị Thúy. Nhờ khôn khéo cô đã thoát được và từ đó lên căn cứ, làm ở tuyên huấn Tỉnh ủy. Ông Kháng nghe kể càng thương vợ hơn, chỉ mong mau học xong để vào Nam. Dành lương bộ đội suốt mấy năm, ông  mua 4 chỉ vàng. 2 chỉ làm dây chuyền, 2 chỉ còn lại để nguyên lá cho cô phòng thân. Sau này, món quà này được vợ ông vô cùng yêu thích và luôn đeo trên người.

Nghĩa Lâm, điểm hẹn tình yêu

Năm 1965, từ Bắc, ông về Quân khu 5, làm phái viên thi đua. Dịp về dự tổng kết của Trung đoàn 1 sau khi đánh Vạn Tường, ông tranh thủ về Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa thăm vợ. Hạnh phúc đến quá bất ngờ, bên chồng mà cô như không tin đó sự thật. Ở với nhau được vài ngày, ông lại ra Quảng Nam dự lễ thành lập Sư đoàn 2. Ông mong có một tấm ảnh của vợ để mang theo bên mình cho đỡ nhớ nhưng điều đó không mấy dễ dàng giữa chiến trường ác liệt. Năm 1967, sau khi cùng Sư đoàn đánh Đồi tranh Quang Thạnh ở Sơn Tịnh, ông tâm sự với Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Huy Chương về hậu phương của mình. Chính ủy cử ngay chiến sĩ Đinh Tía (sau này là Anh hùng LLVTND) dẫn ông về Núi Lớn, Mộ Đức, nơi vợ ông lúc này làm bí thư phụ nữ huyện (trong bằng liệt sĩ ghi là Hội phó phụ nữ huyện Mộ Đức). Vượt đường đi với bao nguy hiểm, cuối cùng ông cũng đã về bên vợ. Cô cứ thấy có lỗi khi vẫn chưa sinh cho ông một đứa con. Trên núi không có gì bồi dưỡng, cô dẫn chồng vượt đường 1 xuống vùng đông Mộ Đức. Không ngờ, gặp ngay trận càn lớn, vợ chồng ở trong hầm mà nghe tiếng bom ầm ào trên đầu. Một quả bom trúng miệng hầm, bứng luôn bụi tre ở trên. May mà đã tối, địch dừng lại, không càn tiếp, nếu không chắc cả hai không thoát nổi. Ông và cô lại thêm mấy ngày líu ríu bên nhau vừa trên núi vừa đồng bằng khi cô nhận giấy ra Nghĩa Lâm họp. Niềm vui ngắn ngủi nhưng theo ông đi suốt cuộc đời...

Ông Kháng rơm rớm nước mắt và giọng như lạc đi khi kể ngày người vợ yêu quý của mình hy sinh: “Năm 1970, cô ấy đi vận động phụ nữ cùng hai đồng chí của mình thì trúng pháo địch bắn tới. Lúc này tôi đang ở Quảng Nam mà ruột nóng như đốt. Tối nào cũng ngủ mơ thấy Thúy hiện về và hỏi đúng một câu: “Anh biết em đang ở đâu không?”. Tôi tức tốc gửi thư cho cán bộ H. Mộ Đức để hỏi Thúy nhưng không thấy ai trả lời. Một năm sau, người em ruột cô ấy là Phạm Văn Thương, sau khi học xong đại học Bách khoa Hà Nội xin công tác giao thông Khu 5, về Quảng Ngãi, là người biết Thúy hy sinh trước tôi”. Sau giải phóng, ông Kháng về lại Mộ Đức tìm mộ vợ đã được bà con ở xã Đức Thành trước đây gìn giữ chu đáo. Hài cốt được đưa vào nghĩa trang Mộ Đức. Do người em cũng đã mất, hiện nay ông là người thờ phụng vợ mình. Người vợ hiện nay và các con trân trọng và hiểu nỗi niềm của ông nên luôn ân cần, chỉn chu ngày giỗ hàng năm, kể cả 10 năm ông ở chiến trường K.

Người lính già lấy tấm bằng Tổ quốc ghi công xuống và khẽ vuốt hàng chữ có tên Phạm Thị Thúy. Ông tâm sự: “Vì đất nước, nhà cô ấy trước đây bề thế là vậy mà sau không còn gì, người cũng mất hết. Mỗi lần về Đức Tân, bác lại như thấy dáng Thúy e thẹn ở cửa bếp nhìn anh bộ đội trong buổi đầu tiên...”.

HỒNG VÂN