Một chuyến đi, một mục đích
Thủ tướng Pakistan Imran Khan ngày 13-10 đã đến Iran, trong chuyến thăm nằm trong một phần sáng kiến “thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực”.
Ông Khan sẽ có các cuộc hội đàm với Lãnh tụ Tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani trong thời gian ở tại quốc gia Hồi giáo này. Đây là lần thứ hai trong năm nay Thủ tướng Pakistan có chuyến công du Iran, quốc gia có chung biên giới khoảng 1.000 km. Và nhiệm vụ đặt trên vai nhà lãnh đạo này là không hề dễ dàng: giảm căng thẳng đang leo thang tại Vùng Vịnh.
Hồi tháng trước, chính ông Imran Khan đã cho biết, cả Mỹ và Saudi Arabia đề nghị ông đứng ra làm trung gian hòa giải với Iran để làm dịu căng thẳng đang leo thang tại Vùng Vịnh. Vì vậy, cũng đã có nguồn tin cho biết, Thủ tướng Pakistan cũng sẽ đến Saudi Arabia sau khi rời Iran. Tuy nhiên, hiện không có nguồn tin xác nhận thông tin này cũng như cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Vùng Vịnh đang “nóng như lửa” sau loạt các cuộc tấn công gây tranh cãi, gây hoài nghi trong suốt thời gian qua. Vấn đề là những vụ tấn công chưa có lời giải thỏa đáng này liên quan đến tuyến đường vận chuyển biển quan trọng liên quan đến Iran và các cường quốc phương Tây. Và còn đó là các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mỏ quan trọng của Saudi Arabia, mà mọi nghi ngờ hiện vẫn đổ dồn vào Iran bất chấp tuyên bố bác bỏ mạnh mẽ của Tehran.
Vậy vì sao Pakistan lại được cả Mỹ và Saudi Arabia “chọn mặt gửi vàng” như vậy? Pakistan có mối quan hệ chặt chẽ với Saudi Arabia, với hơn 2,5 triệu người sống và làm việc tại vương quốc này. Nhưng Islamabad cũng duy trì mối quan hệ tốt với Tehran và đại diện cho lợi ích lãnh sự của Tehran tại Mỹ. Thủ tướng Khan đã gặp cả Tổng thống Rouhani và Tổng thống Donald Trump tại Đại hội đồng LHQ vào tháng trước, ngay sau khi ông đến thăm Thái tử quyền lực Mohammed bin Salman ở Saudi Arabia. Và điều quan trọng hơn, với tính cách ôn hòa, Thủ tướng Khan cũng luôn là nhân vật được Iran chào đón và sẵn sàng nói chuyện.
THANH VĂN