Một năm đầy khó khăn của bà Merkel

Thứ bảy, 08/12/2018 13:42

Có thể nói, 2018 là một năm đầy khó khăn đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Từ trái sang, bà Annegret Kramp-Karrenbauer, ông Jens Spahn và ông Friedrich Merz.   Ảnh: CNN

Đấu tranh và đối đầu

Hồi tháng 1, bà Merkel phải đối mặt một cuộc tổng tuyển cử ảm đạm và cố gắng xây dựng một chính phủ liên minh. Bà dường như đang nỗ lực rất nhiều trong một cuộc chiến chính trị lâu dài. Nhưng vào tháng 10, bà Merkel - được cho là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới - bất ngờ tuyên bố sẽ không tái tranh cử chức chủ tịch đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU). Và nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của bà, chấm dứt thời đại bà chi phối chính trị Đức và Châu Âu. CDU sẽ bầu một chủ tịch mới, người sẽ trở thành tân thủ tướng lãnh đạo nước Đức sau gần hai thập kỷ dưới sự lãnh đạo của bà Merkel.

Năm 2018, lần đầu tiên, bà Merkel xung đột với các thành viên trong nội các của mình. Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer nhiều lần đụng độ với bà Merkel về vấn đề nhập cư, chỉ trích quyết định hồi năm 2015 của mình bà cho phép hơn một triệu người tị nạn từ Trung Đông vào Đức. Sau đó, vào tháng 8, Đức choáng váng với việc những kẻ cực đoan cánh hữu giết một người đàn ông ở Chemnitz, phía đông đất nước. Vụ việc khiến người dân tức giận, xuống đường biểu tình phản đối chính sách di cư của bà Merkel.

Tuy nhiên, cú đánh cuối cùng vào bà Merkel là kết quả của cuộc bầu cử khu vực ở Bavaria và Hesse. CDU giảm 11 điểm, xuống còn 27% và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - liên minh trong chính phủ của bà Merkel cũng nhận kết quả tệ hại, chỉ giành khoảng 20%, kém 10% so với kỳ bầu cử 5 năm trước. Bên cạnh đó, với lo ngại ngày càng tăng về sự trỗi dậy của đảng cực hữu non trẻ Con đường khác cho nước Đức (AfD), liên minh cầm quyền ở Berlin thiếu những ý tưởng táo bạo, rõ ràng và sự can đảm để thực hiện chúng.

Rõ ràng là CDU không thể giành chiến thắng với việc bà Merkel phụ trách. Cho nên, từng là một người thực dụng, bà Merkel chọn cách thoát khỏi quyền lực. "Đây là một nhà lãnh đạo đã vượt quá thời gian của mình", Thomas Kleine-Brockhoff, trung tâm cố vấn Quỹ Marshall Đức, cho biết. "Sự trẻ hóa lãnh đạo là cần thiết và nó đang xảy ra. Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là quá trình chuyển đổi quyền kiểm soát và bà ấy đang chỉ đạo một cách có trách nhiệm", ông nói thêm.

Ai thay thế bà Merkel?

Ngày 7-12, các thành viên CDU sẽ bỏ phiếu để chọn nhà lãnh đạo mới thay thế bà Merkel. 3 ứng viên hàng đầu là bà Annegret Kramp-Karrenbauer, người được bà Merkel nâng đỡ; ông Friedrich Merz, người luôn có quan điểm bất đồng với bà Merkel trong vấn đề người tị nạn và Liên minh Châu Âu (EU) và ông Jens Spahn, Bộ trưởng Y tế đầy tham vọng, mới mẻ.

Bà Kramp-Karrenbauer thường được miêu tả là "Merkel nhỏ", đi theo con đường lãnh đạo của thủ tướng. Bà là người đứng đầu khu vực Saarland sau đó được bà Merkel bổ nhiệm làm bí thư đảng. Cả hai đều giống nhau về phong cách: nói năng nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chính trị. Thay vì phác họa tầm nhìn của chính mình, bà Kramp-Karrenbauer đã thực hiện chuyến đi đến 16 tiểu bang của Đức, nói chuyện với cử tri và đảng viên. Chuyến đi cũng bao gồm một chuyến tham quan đến Mỹ để thăm Nhà Trắng và nhà máy BMW. Chiến lược đó có thể giành được sự ủng hộ của các thành viên CDU, những người muốn sự ổn định quen thuộc của bà Merkel nhưng có thể không làm vừa lòng các cử tri muốn có điều gì đó mới mẻ và khác biệt.

Ngược lại, ông Merz là diễn giả táo bạo và có những người ủng hộ nặng ký, chẳng hạn như Chủ tịch Quốc hội Wolfgang Schauble. Ông đã hứa sẽ "giảm một nửa" số lượng cử tri ủng hộ AfD bằng cách phê phán tình trạng nhập cư hiện nay. Trong các chiến dịch vận động tranh cử, ông thậm chí còn đặt câu hỏi về quyền xin tị nạn. Ông Merz cũng ủng hộ hội nhập Liên minh Châu Âu rộng lớn hơn, nắm lấy các cải cách khu vực đồng EUR của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Điểm trừ của ông Merz đã "mất tích" khỏi nền chính trị trong một thời gian. Ông rời bỏ chính trị vào năm 2009 để làm việc với BlackRock, Cty quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Trong khi đó, ông Jens Spahn tự nhận mình là một nhà phê bình thẳng thắn của bà Merkel, đặc biệt là về vấn đề nhập cư. Nhiều thành viên CDU cho rằng ông vẫn còn quá trẻ, ở tuổi 38, và thiếu kinh nghiệm để trở thành lãnh đạo của đảng.

Dù là ai đi nữa, đối với những người theo dõi nền chính trị Đức, cuộc chạy đua trở thành lãnh đạo là "cú sút" cần thiết của đất nước, mở ra một giai đoạn mới, thoát khỏi thời kỳ Merkel. "Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc đua lớn. Bất kỳ ai trong số họ đều có thể chiến thắng. "Nhiệm vụ cuối cùng bà Merkel có thể làm cho đảng và đất nước của mình là tạo ra sự chuyển giao quyền lực có trật tự, tạo ra sự ổn định, không hỗn loạn", ông Kleine-Brockhoff nhận định.

AN BÌNH