Một thời không quên

Thứ ba, 27/03/2018 11:00

“Dòng sông Yên chảy qua địa phương không dài, không rộng nhưng lại thấm đẫm dấu ấn của thời gian, ghi nhận những chiến công oai hùng của một thời cha ông đánh giặc, giữ nước. Thế hệ chúng tôi lớn lên vào đúng giai đoạn lịch sử đó. Kẻ cuốc, người cày, chài lưới ven sông đều thoát ly tham gia cách mạng..." - ông Đặng Văn Oai (trú thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) bồi hồi nhớ lại trong buổi gặp mặt truyền thống của du kích xã Hòa Lợi cũ (nay thuộc xã Hòa Tiến) vào sáng 25-3 nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Tại buổi gặp mặt, hơn 170 cán bộ, đảng viên, du kích đang sinh sống tại địa phương và các địa bàn lân cận đã tề tựu thân tình. Những nụ cười, những cái nắm tay thật chặt của những người đồng chí, đồng đội mỗi khi có dịp gặp lại. Họ ngồi bên nhau, ôn lại truyền thống cách mạng và những kỷ niệm kháng chiến. Mặc dù tuổi tác đã cao, sức đã yếu, nhưng họ vẫn giữ được tâm hồn tươi trẻ của một thời khó quên. Trong mỗi câu chuyện mà họ ôn lại là kỷ niệm của những ngày bám đất, giữ làng, tiếp tế lương thực cho bộ đội địa phương, là những ngày đào hầm công sự, cứu dân khi bom rơi, đạn nổ. Cũng có những người phải trực tiếp chiến đấu đối diện với cái chết cận kề...

Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ Lê Văn Sơn tặng quà cán bộ, du kích xã Hòa Lợi.

Ông Phạm Viết Tình (Trưởng BLL truyền thống) cho biết, xã Hòa Lợi trong chiến tranh chống Mỹ có gần 900 du kích trụ bám. Vũ khí tuy thô sơ nhưng đã thực hiện hơn 120 trận đánh, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.500 tên địch, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, bắn cháy 3 xe tăng, thu hơn 100 khẩu súng các loại. Ngay trong trận đầu tiên đánh giặc Mỹ xâm lược vào tháng 5-1965, du kích Hòa Lợi đã đẩy lùi 1 đại đội thủy quân lục chiến Mỹ tại cầu đá La Bông... Mặc dù nhiều vùng bị địch xúc tác, nhưng người dân không chịu tập trung vào khu dồn, kiên quyết sống rải rác ven sông, nổng cát để làm cơ sở cho cách mạng về nắm tình hình, bám địch. Ngày ấy, đêm đêm bờ sông Yên luôn vang tiếng cuốc, xẻng của người dân đào hầm bí mật dọc các lũy tre để khi có "động tĩnh", bộ đội từ trên núi Bồ Bồ xuống có nơi trú ẩn an toàn. Hình ảnh dân làng thức trắng đêm chờ đợi những ngọn đèn tín hiệu từ bên kia sông Yên để bơi ghe đưa bộ đội qua sông, tiếp cận các đồn địch ở thị trấn Túy Loan, quận lỵ Hiếu Đức... giờ đã trở thành huyền thoại. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Khả (thôn La Bông) tuy tuổi đã cao nhưng mỗi khi nghe nhắc những đốm lửa lập lòe từ các ngọn đèn dầu, mắt mẹ lại rực sáng.

Quả thật, mỗi câu chuyện, mỗi con người ở xã Hòa Lợi trong suốt dặm dài lịch sử đã kết tinh những nghĩa tình sắt son, góp phần tạo nên cội nguồn sức mạnh trong công cuộc giải phóng quê hương. Đất nước thống nhất, các làng La Bông, An Trạch, Lệ Sơn, Nam Sơn, Bắc An (xã Hòa Lợi) được Đảng và Nhà nước ghi công 48 Bà mẹ VNAH, 498 liệt sĩ và hàng trăm gia đình có công cách mạng... Chiến công, thành tích cho dù nhỏ bé nhưng hòa trong dòng chảy lịch sử đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của đất và người Hòa Vang kiên trung. Bao đau thương trong cuộc chiến đã không làm chùn bước những người sống sót. Bây giờ, họ lại là những người tiên phong cùng với chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, góp phần nâng chất các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2017-2020. "Những năm chống Mỹ, người dân chúng tôi đều rủ nhau thoát ly tham gia cách mạng. Thời đó còn khổ, phải ăn rau rừng thay cơm, nhưng ai cũng hừng hực quyết tâm, thực hiện nhiệt huyết "Chưa xong nhiệm vụ, chưa về quê hương" - bà Đặng Thị Xiêm (thôn Lệ Sơn Bắc) nhớ lại.

AN  DƯƠNG