Mùa hoa dong riềng nở
Với tôi cây dong riềng cũng như hoa dong riềng không lạ. Nó là cả ký ức tuổi thơ đầy ám ảnh. Ám ảnh nhất vẫn là cái sắc màu đo đỏ của bông hoa cứ chới với trong những cơn mưa buồn hiu hắt. Ngày ấy rời quê, mưa phủ trắng xóa con đường huyện lộ. Vuốt mặt trong mưa xối xả, tôi nghe vị mằn mặn trong từng giọt nước. Ngước mắt nhìn hai bên đường, dưới chân núi là các dãy bờ vườn, thửa ruộng bậc thang nho nhỏ của miền quê nơi đầu nguồn con sông quê già nua tuổi tác là những bông hoa dong riềng. Cái màu đo đỏ ấy như những ánh lửa cứ nhấp nháy, như những bàn tay biết nói lời tiễn biệt. Và cũng từ đó tôi biết rằng, mình chẳng thể nào bỏ lại sau lưng bao ký ức vui buồn, ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha đã nuôi mình khôn lớn.
Những bờ vườn đầy dốc sỏi, những gốc tre mới trồng, những mảnh đất đầu thừa đuôi thẹo vì ba phải khai hoang, lật đá đắp bờ, đốn cây, đào rễ…, đây không phải là nơi tôi được sinh ra nhưng là nơi tôi lớn lên, tuổi thơ gắn bó với từng bụi cỏ, lùm cây, con mương, khe suối những ngày đầu đất nước vừa thống nhất, sau bao năm chiến tranh ly loạn ba dẫn cả gia đình từ Bắc vào Nam. Cây dong riềng với tôi ngày đó lạ lắm, nó như một biểu tượng của sức sống vì sự chịu đựng bền bỉ, bất chấp đất cằn khô, bạc màu hay đá sỏi nó đều có thể lên xanh cho hoa và cho cả cái ăn cho gia đình tôi cũng như người dân quê tôi ngày đó.
Từ những cây dong riềng mọc tự nhiên đến khi được trồng, cứ cuối đông, khi những bông hoa như đốm lửa trong bếp củi của mẹ cháy rực lên lần cuối rồi rũ xuống, đám lá cũng bắt đầu úa vàng trong giá lạnh, đó là lúc mùa thu hoạch lại về. Lúc đó ba mẹ tôi thường đào củ dong riềng lên rửa sạch, sau khi dùng dao cắt đi một lát mỏng thì đưa vào đoạn mây gai (đã thui qua lửa để những mũi gai nhọn hoắc của sợi mây cháy trơ đi chỉ còn lại những mấu gai như chiếc lược cùn) cà, xát. Bên dưới dùng một thau nước để hứng và lắng bột. Cách làm này rất thủ công nhưng khá sạch sẽ mà người dân quê tôi ngày đó vẫn thường làm.
Cùng với cách luộc để ăn như khoai hay sắn thì dong riềng chế biến ra bột như cách nói trên có thể dùng để tráng bánh, làm miến, làm bánh đúc rất ngon. Bởi thế củ dong riềng đã góp phần "cứu đói" cho người trong những tháng ngày cả đất nước còn rất cơ cực. Riêng lá dong riềng cũng rất hữu ích, người dân quê tôi vẫn dùng để gói bánh chưng ngày tết hay dùng để gói xôi, gói cốm, đùm bún… trong các phiên chợ quê. Thân cây dong riềng rất giòn, mềm, dễ gẫy nên cứ vào tháng bảy, tháng tám âm lịch, ba tôi thường phải vun đất quanh gốc hoặc buộc túm mấy khóm lại với nhau để cây có sức chống chọi với gió bão.
Vườn nhà tôi lúc đó, hầu như góc vườn nào cùng với mấy luống gừng, nghệ ba mẹ lại trồng chen vào đó những khóm dong riềng. Từ cuối hè, những mầm hoa nhọn hoắt như những ngón tay búp măng nhú ra nơi ngọn cây, rồi những bông hoa nhỏ xinh nở cong từng cánh mềm mại, khoe sắc tươi thắm góc vườn. Tuổi thơ tôi cũng như những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở miền quê heo hút này chẳng thể nào quên bao lần ngắt cuống hoa dong riềng để hút chút mật những buổi trưa hè, những ngày nghỉ học.
Với tôi, hoa dong riềng còn gắn với một ký ức không quên, đó là ngày chị tôi đi lấy chồng cũng vào mùa hoa dong riềng nở. Hoa cứ đo đỏ chới với trong mưa. Làm dâu những ngày tháng đó cơ khổ với ruộng đồng, thức khuya dậy sớm cũng chỉ mấy thửa ruộng, đến mùa hạn hán coi như trắng tay. Gia đình chồng con cái đông đúc, đến bữa cơm chị ngồi gần nồi chỉ xới xong một lượt coi như cạn nồi. Để có tư thất riêng, nhà chồng thương tình cho dẻo đất nhỏ để vợ chồng chị "qua loa" tranh tre che mưa nắng, bán ít hàng hóa, kẹo bánh, lon nước ngọt, chai bia… Được thời gian không lâu, duyên phận không trọn chị lại về với mẹ cha, sinh con nhỏ. Vườn quê cũ năm nào những bông hoa dong riềng lại đón chị trong rưng rức buồn thương như câu hát: "Bước qua dòng sông hỏi từng con sóng/Đời người con gái không muốn yêu ai được không?
Viết đến đây tôi chợt nhớ câu chuyện về những đóa hoa rừng Trường Sơn trong chiến tranh mà ba đã kể. Đó là trường hợp chị Trần Thị Lâu - nữ thanh niên xung phong thuộc tiểu đoàn vận tải 232 Quân khu 5 (tiểu đoàn Bà Thao) hy sinh trong một chuyến vận tải hàng qua sông Nước Chè thuộc huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Ngày đó mộ chị Trần Thị Lâu nằm sát bên đường mòn vận chuyển, sau này Quân khu 5 mở đường cơ giới, ai đi qua nơi chị nằm cũng bỏ thêm viên đá, vài bông hoa dong riềng đỏ chói mọc trên đồi cao. Tôi tự hỏi, giữa miền quê như quê tôi có biết bao loài hoa, sao hoa dong riềng lại gắn bó nhiều đến thế với đời người con gái. Chẳng ai cắt nghĩa điều này, chỉ với riêng tôi, mỗi mùa hoa dong riềng nở ký ức tuổi thơ xui tôi thương hoài thương hủy cái màu hoa đo đỏ cứ như lúc nào cũng chới với trong mưa.
Tạp bút: Võ Văn Trường