"Mùa"... nghỉ học

Thứ hai, 03/03/2014 09:57

(Cadn.com.vn) - Đã đến hè đâu mà nghỉ học Hai Phố núi?

- Trên mình, chỉ cần vào mùa thu hoạch mỳ, bắp hoặc lễ hội... là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đã nghỉ rồi. Cái chữ lúc đó "không nặng" bằng... cái ăn, cái ham chơi mô Bề Tui.

- Hèn chi, bữa ni thấy vài lớp học ở Trường THCS Bùi Thị Xuân (xã Đăk Pling, H. Phú Thiện, Gia Lai) khá thưa học sinh.

- Thì đó, mấy hôm nay bên làng có lễ bỏ mả, một số em học sinh theo bố, mẹ đi lễ nên chưa... về học.

- Vậy thì thầy, cô phải động viên các em học sinh ra trường, ra lớp chứ?

- Khổ lắm, giáo viên đến tận nơi đi tìm nhưng các em ham chơi trốn biệt, phụ huynh thì làm lơ nên khó khăn lắm. Mà không riêng gì xã Đăk Pling, mà cả H. Phú Thiện này, cứ vào mùa thu hoạch mỳ, bắp... thì các thầy, cô giáo các trường THCS ở  xã phải lặn lội cả đêm, lên tận rẫy để động viên các em về đi học nhưng chuyện này cứ "đến hẹn lại lên". Tính sơ của Phòng GD-ĐT H. Phú Thiện từ đầu năm học đến nay đã có 125 học sinh ở 11 trường THCS nghỉ học.

- Thế chính quyền địa phương đâu mà để xảy ra tình trạng này?

- Khổ lắm Bề Tui ơi! Lần nào họp với xã, nhà trường phối hợp cùng đến tận nhà vừa tuyên truyền, vừa động viên phụ huynh cho con em đến trường. Kể cả làm việc với một số doanh nghiệp, chủ rẫy tuyên truyền họ không thuê các em học sinh đi làm thuê. Nhưng vì muốn các con làm thêm phụ giúp kinh tế cho gia đình nên phụ huynh cứ để chúng đi theo.

- Để mãi tình trạng này sao được Hai phố núi? Phải có cách nào cơ chứ?

- Trước mắt vẫn là động viên, tuyên truyền phụ huynh cho con em ra lớp, còn nhà trường phải sắp xếp thời gian dạy phụ đạo lại kiến thức cho các em để theo kịp chương trình thôi!

- Thế còn lâu dài?

- Xem ra còn nan giải lắm...

Bề Tui thiết nghĩ cần phải có sự vào cuộc quyết liệt không chỉ của nhà trường, của ngành giáo dục mà của toàn xã hội. Đặc biệt là chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong việc cho con em đến trường, chứ mỗi vụ mùa lại xảy ra tình trạng này, con chữ lại rơi rớt ở trên nương, trên rẫy nghe xót lắm.  

 Bề Tui