Mỹ-Triều họp thượng đỉnh: Đỉnh cao ngoại giao lịch sử
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ca ngợi cuộc gặp hôm 12-6 tại Singapore là “đỉnh cao ngoại giao lịch sử” của họ, đánh dấu bước đột phá trong mối quan hệ giữa hai kẻ thù Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, thỏa thuận mà cả hai đã ký kết quá ngắn gọn và chưa chi tiết về vấn đề then chốt: phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi cả hai ký Tuyên bố chung. Ảnh: CNN |
Sau những gập ghềnh, căng thẳng và sóng gió, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cuối cùng đã gặp nhau tại Singapore, đánh dấu cuộc gặp lịch sử đầu tiên như thế này giữa giới lãnh đạo hai quốc gia thù địch.
Cuộc gặp gỡ phi thường này đã chứng kiến cái bắt tay lịch sử giữa thủ lĩnh của nền dân chủ mạnh mẽ nhất thế giới với thế hệ cầm quyền thứ ba của Triều Tiên. Sau cuộc gặp kéo dài vỏn vẹn 45 phút, cả hai đã ký một văn kiện “rất toàn diện”, cam kết thiết lập mối quan hệ mới và xây dựng nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Trump cho rằng, ông và ông Kim Jong-un rất hiểu nhau trong một thời gian ngắn, đồng thời nhấn mạnh, họ đã hợp nhau ngay từ đầu. Tổng thống Trump đánh giá ông Kim Jong-un là một nhà đàm phán “thông minh và tài năng”.
Và điều gây chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chấp nhận lời mời đến thăm Nhà Trắng và ông Trump cũng sẽ đến thăm thủ đô Bình Nhưỡng “vào một thời điểm nhất định”.
Những nụ cười và cái bắt tay lịch sử
Sau một ngày tràn đầy nụ cười, những lời khen ngợi tới tấp và những cái bắt tay lịch sử trong khung cảnh xa hoa tại một khách sạn sang trọng ở Singapore, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã ký kết Tuyên bố chung.
Trong đó, Mỹ đã “cam kết cung cấp bảo đảm an ninh” cho Triều Tiên. Và tất nhiên, đổi lại, Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Theo CNN, khi được hỏi về việc liệu Bình Nhưỡng có thực sự đồng ý phi hạt nhân hóa hay không, Tổng thống Trump phát biểu: “Chúng tôi đang bắt đầu quá trình đó rất, rất nhanh”. Nói chuyện với các phóng viên, ông chủ Nhà Trắng cũng nói rằng, sẽ có một quá trình xác minh liên quan đến “rất nhiều người”, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể. Ông cũng nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ được duy trì tại chỗ cho đến khi Washington cảm thấy “có tiến bộ”. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định thế giới sẽ chứng kiến “một sự thay đổi to lớn”, sau khi ông và Tổng thống Trump ký một thỏa thuận.
Phái đoàn đàm phán của Triều Tiên (trái) và Mỹ (phải) tại bàn hội đàm ở Singapore ngày 12-6. Ảnh: CNN |
Chỉ mang tính biểu tượng?
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ca ngợi cuộc gặp hôm 12-6 tại Singapore là “đỉnh cao ngoại giao lịch sử”. Tuy nhiên, thỏa thuận mà cả hai đã ký kết lại quá ngắn gọn và chưa chi tiết về vấn đề then chốt: phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Một số nhà phân tích cũng cho rằng, kết quả hội nghị thượng đỉnh chỉ mang tính biểu tượng, chứ không phải là hữu hình. “Không rõ liệu các cuộc đàm phán tiếp theo có dẫn đến mục tiêu cuối cùng của việc phi hạt nhân hóa hay không”, chuyên gia Anthony Ruggiero nhận định.
Có thể thấy, trong tuyên bố chung, cam kết Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa không mạnh mẽ như mong đợi. Thực tế là, tuyên bố chung không đề cập đến việc giải trừ hạt nhân có thể xác minh hoặc không thể đảo ngược. Tuyên bố chung cũng không đề cập đến các biện pháp trừng phạt hay bất kỳ tài liệu tham khảo nào để cuối cùng có thể ký kết một hiệp ước hòa bình chính thức trên bán đảo Triều Tiên. Hàn-Triều thực tế vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 cho đến nay vẫn chỉ kết thúc với một thỏa thuận ngừng bắn.
Mặc dù vậy, đa số các chuyên gia cho rằng, đây cũng đã là một kết quả thành công. Thế giới cũng rất lạc quan với kết quả lần này. Trung Quốc ca ngợi hội nghị thượng đỉnh đã tạo nên một “lịch sử mới”. Bắc Kinh hy vọng, Mỹ-Triều có thể đạt được một sự đồng thuận cơ bản về việc phi hạt nhân hóa. “Tại thời điểm này, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là mối quan tâm an ninh hợp lý của Bình Nhưỡng”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên ở Bắc Kinh. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cho rằng, để giải quyết vấn đề hạt nhân, một mặt cần phi hạt nhân hóa hoàn toàn, mặt khác cần có một cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nhằm đáp ứng các mối quan ngại an ninh phù hợp của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Thứ trưởng ngoại giao Nga cho biết, Điện Kremlin có một đánh giá tích cực về hội nghị thượng đỉnh này.
Thực tế, nếu hội nghị thượng đỉnh không dẫn đến “những thay đổi trong trái tim”, về cơ bản nó có thể thay đổi cảnh quan an ninh của Đông Bắc Á, kể từ sau ngày Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Trung Quốc vào năm 1972. Rõ ràng, bất chấp những gì xảy ra tiếp theo sau cuộc gặp thượng đỉnh này, cú bắt tay của hai nhà lãnh đạo này vẫn sẽ là một thời khắc lịch sử. Và ai cũng hy vọng, lịch sử sẽ làm nên lịch sử.
KHẢ ANH
Có 4 điểm chính trong bản tuyên bố chung Mỹ - Triều Thứ nhất, cả hai cam kết thiết lập quan hệ Mỹ - Triều mới thể theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng. Thứ hai, hai nước sẽ tham gia vào nỗ lực nhằm xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Thứ ba, cả hai tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom ngày 27-4 giữa Hàn-Triều, trong đó Bình Nhưỡng cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Và cuối cùng, Mỹ-Triều cam kết tìm lại và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), gồm cả việc đưa những hài cốt được nhận dạng về nước. |