Nga sẽ nhảy vào Crimea?

Thứ bảy, 01/03/2014 11:53

(Cadn.com.vn) - Những tay súng vũ trang ngày 28-2 giành quyền kiểm soát 2 sân bay tại khu vực Crimea trong động thái mà chính phủ Ukraine mô tả là “cuộc xâm lược và chiếm đóng của quân đội Nga”.

AFP dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, Arsen Avakov cáo buộc, binh sĩ Nga phong tỏa sân bay gần cảng Sevastopol ở Crimea trong khi những người đàn ông vũ trang vốn xông vào Tòa nhà Quốc hội Crimea hôm 27-2 chiếm giữ sân bay khác ở thủ phủ Simferopol.

Viết trên Facebook, ông Avakov cho biết, không xảy ra tình trạng đổ máu hay đụng độ nào khi những tay súng mà ông mô tả là lực lượng hải quân Nga nắm quyền kiểm soát sân bay quân sự Belbek – gần nơi có Hạm đội Biển Đen của Moscow đồn trú. Tuy nhiên sau đó, lực lượng an ninh Ukraine tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát 2 sân bay này.

Ukraine cho rằng, những tay súng vũ trang ở Crimea là binh sĩ Nga. Ảnh: RIAN

ĐÓ LÀ “BINH SĨ NGA”?

Hãng Interfax đưa tin: các tay súng đội mũ bảo hiểm, mặc áo chống đạn và được sự yểm trợ của xe bọc thép nắm quyền kiểm soát vành đai sân bay quân sự Belbek.

Còn theo các nhân chứng, các tay súng đang tuần tra khuôn viên sân bay quân sự Belbek. Một số mang theo cờ Nga. Tuy nhiên, các tay súng không tiến vào sảnh hành khách. Cũng theo ông Avakov, lực lượng quân sự và bảo vệ biên giới của Ukraine vẫn ở bên trong. Tuy nhiên, ông Avakov vẫn cho rằng, cả hai lực lượng trên đều là các binh sĩ của Nga đồng thời lên án lực lượng Nga tiến hành “xâm lược vũ trang và chiếm đóng vũ trang, vi phạm tất cả các thỏa thuận và thông lệ quốc tế”. Tuy nhiên, một người đàn ông nói với Reuters rằng, ông là dân quân và tình nguyện giúp đỡ nhóm các tay súng này, mặc dù ông không biết họ đến từ đâu, họ là ai. “Chúng tôi chỉ đơn giản là những tình nguyện viên. Chúng tôi ở đây, tại sân bay, để giúp duy trì trật tự”, ông này nói.  Cơ quan biên phòng Ukraine cũng cho biết hơn 10 máy bay lên thẳng quân sự của Nga ngày 28-2 đã bay vào không phận nước này trên bán đảo Crimea.

Trên thực tế, các hoạt động tại các sân bay vẫn diễn ra bình thường. Hạm đội Biển Đen của Nga cũng bác bỏ cáo buộc này, khẳng định, lực lượng của mình không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào ở Crimea. Điện Kremlin ngày 28-2 thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra chỉ thị cho chính phủ tiếp tục thảo luận với Ukraine về các mối quan hệ kinh tế-thương mại và xem xét đề nghị viện trợ nhân đạo của khu vực Crimea.

UKRAINE NHỜ LHQ GIÚP ĐỠ

Với lo ngại Nga sẽ can thiệp, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov triệu tập phiên họp khẩn cấp những người đứng đầu lực lượng an ninh để thảo luận diễn biến tại Crimea, trong đó đề nghị Quốc hội Ukraine tổ chức bỏ phiếu thông qua kiến nghị Moscow tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Kiev.

Quốc hội Ukraine sau đó đề nghị HĐBA LHQ tổ chức phiên họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này. Cơ quan lập pháp này kêu gọi Nga không ủng hộ lực lượng ly khai ở Ukraine dưới mọi hình thức. Trong thách thức hơn nữa nhằm vào chính quyền Ukraine, Tổng thống bị lật đổ Yanukovich tổ chức cuộc họp báo quan trọng vào chiều 28-2 tại thành phố Rostov-on-Don của Nga. Ông Yanukovych tuyên bố đã “buộc phải rời khỏi” Ukraine sau khi nhận được những lời đe dọa đối với an ninh của cá nhân ông. Ông Yanukovych khẳng định ông “không bị lật đổ” và sẽ “tiếp tục đấu tranh” vì tương lai của Ukraine. Trước đó, RIA Novosti dẫn nguồn tin báo địa phương DonInformBuro cho biết, máy bay chở ông Yanukovich hạ cánh tại một sân bay quân sự ở miền Nam nước Nga vào tối 27-2 dưới sự hộ tống của một vài máy bay chiến đấu.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Tổng thống Putin có cho vị cựu lãnh đạo đang trên đường trốn chạy với cáo buộc “giết người hàng loạt” này tị nạn hay không.

BÀI HỌC NAM OSSETIA

Có thể thấy rằng, căng thẳng Nga-Ukraine đặc biệt hiện rõ ở Crimea, nơi có đa số người nói tiếng Nga sinh sống.

Nơi đây giờ đang trở thành tâm điểm đấu tranh gay gắt giữa các nhà lãnh đạo mới của Ukraine và người Hồi giáo Tatars vốn trung thành với Nga. Nga cùng với Mỹ, Anh và Pháp từng cam kết duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong bản ghi nhớ được ký kết vào năm 1994. Nhưng giờ đây, trước tình hình phức tạp ở Crimea và bối cảnh chính trị thay đổi ở Kiev, nhiều người đồn đoán, Moscow sẽ can thiệp.

Hiện Điện Kremlin tuyên bố sẽ không can thiệp bằng vũ lực, song giới phân tích quân sự cho rằng, Nga sẽ sớm đưa quân vào Crimea. Minh chứng rõ ràng nhất là cuộc chiến ở Georgia vào năm 2008. Khi đó, Nga đưa quân để bảo vệ khu vực tự tuyên bố độc lập Nam Ossetia và sau đó công nhận đây là quốc gia độc lập. Tuy nhiên, sau đó, nhìn chung người ta vẫn cho rằng, Georgia khơi mào hành động thù địch vào đêm 7-8-2008 bằng việc bắn pháo vào Tskhinvali, thủ phủ Nam Ossetia. Bởi lẽ, Tổng thống Putin lúc đó trực tiếp cảnh báo người đồng cấp Georgia Mikhail Saakashivili rằng: “Nếu như ngài nổ súng trước, chúng tôi sẽ sử dụng lực lượng quân đội chủ lực”.

Và trong vòng 24 giờ, Nga đổ lực lượng của mình vào Nam  Ossetia, đẩy lùi quân đội Georgia và sau đó nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ nước này. Cuộc xung đột cơ bản chấm dứt theo thỏa thuận ngừng bắn ngày 12-8 do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy làm trung gian hòa giải, song thiệt hại là quá lớn. Bối cảnh ở Ukraine cho thấy, phe đối lập cũng có lỗi khi kích động biểu tình đẫm máu để từ đó lật đổ một Tổng thống do dân bầu cử. Điểm nhấn hiện nay là những tay súng vũ trang ở Crimea, vốn xông vào Tòa nhà Quốc hội Simferopol, lật đổ nội các và bổ nhiệm một thủ tướng mới, tuyên bố ủng hộ Điện Kremlin.

Và... cờ Nga vẫn tung bay trên nóc Tòa nhà Quốc hội, Tòa nhà Chính quyền ở khu tự trị này.

Khả Anh