Ngày về sau ảo mộng xứ người

Thứ hai, 18/07/2016 10:16

(Cadn.com.vn) - Chỉ vì tin lời dụ dỗ của kẻ xấu, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai nuôi ảo mộng được đi nước thứ 3, có cuộc sống sung sướng mà không phải lao động vất vả. Thế nhưng, thực tế khác xa hoàn toàn so với những gì mà họ tưởng tượng. Cùng cực, đói khát là cảnh mà họ phải gánh chịu trên xứ người. Khi được hồi hương về lại đất mẹ Việt Nam, họ rơi nước mắt vì vui mừng và ân hận.

Những người vượt biên trái phép được chính quyền địa phương tiếp nhận
tại cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

Ngày 12-7 vừa qua, tại cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (H. Đức Cơ, Gia Lai), đại diện Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Thái Lan phối hợp với chính quyền Vương quốc Campuchia và chính quyền, CA Việt Nam hoàn tất thủ tục trao trả, tiếp nhận 16 người vượt biên trái phép tự nguyện hồi hương, trong đó có 8 người ở Đắc Lắc, 8 người ở Gia Lai. Họ là những nạn nhân bị kẻ xấu dụ dỗ, vượt biên sang Campuchia bằng nhiều con đường khác nhau, cùng nuôi ảo vọng về một cuộc sống giàu có, sung túc tại một nước thứ 3 mà không phải lao động vất vả. Nhiều người trong số họ bán cả nương rẫy, tích cóp, vay mượn để đưa cho kẻ xấu dẫn đến "miền đất hứa", bỏ lại bố, mẹ, vợ dại, con thơ. Sau khi lấy được tiền, kẻ xấu bỏ lại họ giữa đất nước Campuchia, tiếng không biết, người quen không có, khi biết mình đã bị lừa, họ tìm đường trở về lại đất mẹ Việt Nam.

Vẫn mang tâm trạng e ngại, lo sợ về hành vi vi phạm của mình, sau khi được các lực lượng chức năng động viên, những người tự nguyện hồi hương đã mở lòng. Anh Rơ Lan Ting (trú tại H. Chư Sê, Gia Lai) chia sẻ: "Ở bên Campuchia tôi sống khổ lắm, ăn bữa đói, bữa no, nhớ gia đình lắm. Nghe kẻ xấu bảo qua đó sẽ được phỏng vấn, được đi nước thứ 3 mà có ai phỏng vấn đâu, tiền thì bị kẻ xấu lừa lấy hết rồi. Tôi rất sợ bị cảnh sát Campuchia bắt. Ở bên đó, có người bị đau nặng không có thuốc chữa rồi chết tại đó. Trở về Việt Nam tôi mừng lắm, không đi đâu nữa hết".

Tại khu vực làm thủ tục nhập cảnh để trở về Việt Nam, nhiều đứa trẻ ngơ ngác cùng với người thân bần thần sau những tháng ngày cơ cực ở xứ người... Bế con trai chưa tròn 2 tháng tuổi đang ngủ say trên tay, chị H'Bân Mlô (trú Đắc Lắc) cho biết: Vì nghe lời dụ dỗ, vợ chồng chị bán cả nương rẫy rồi dắt díu những đứa con vượt biên trái phép sang Campuchia chờ đi nước thứ 3. Thế nhưng, đến nơi cũng chẳng thấy ai dẫn chị cùng mấy đứa con đi tìm cuộc sống sung sướng, mà chỉ thấy đói khát, không có việc làm. Bàn tay lam lũ nhớ cái gùi, cái cuốc, nhớ mùi khói bếp bên nhà sàn. Đứa nhỏ 2 tháng tuổi được sinh ra trong cảnh thiếu thốn ở trên đất Campuchia đến nay vẫn chưa được đặt tên. "Sống bên đó nhớ bố mẹ, nhớ chị em gia đình muốn về Việt Nam nhưng sợ bị bắt. Giờ về được rồi mình sẽ gọi điện nói chồng về, cố gắng phát triển kinh tế, nuôi con, không còn dại dột trốn đi như thế nữa", Mlô tâm sự.

Chị H'Bân Mlô cùng các con khi về đến đất mẹ Việt Nam.

Cũng tin vào lời đồn được sang nước thứ 3 hưởng cuộc sống giàu sang, sung túc mà không phải lao động vất vả, Ksor Win (1996, trú TT Ia Kha, H. Ia Grai, Gia Lai) đã theo bạn trốn sang Campuchia chờ được phỏng vấn. Win bỏ lại người vợ mới cưới đang mang thai 2 tháng rồi theo lối mòn trong rừng đi bộ vượt biên trái phép sang Campuchia. Thế nhưng, điều Win nhận được là những tháng ngày sống cơ cực trong trại tị nạn, nỗi nhớ gia đình cồn cào. Đặt chân về Việt Nam, Win cứ ngóng xa xăm về nơi vợ, con Win đang ở. "Em sẽ không nghe lời người ta xúi giục nữa. Lần này trở về, em sẽ lo làm ăn để nuôi vợ, con thôi!", Win ứa nước mắt. Cùng với những người tự nguyện hồi hương về lần này, Rơ Lan Ting cũng được chính quyền nhận và đưa về tận nhà. Gặp lại người thân, bà con trong làng Ting mừng rỡ, khóc như một đứa trẻ, ân hận: "Giờ được về nhà rồi, tôi hứa với gia đình, với chính quyền sẽ không tái phạm nữa. Mong bà con, gia đình tha thứ, tôi sẽ cố gắng làm ăn, không nghe lời kẻ xấu nữa và kêu gọi những người khác trở về. Chỉ có làm trên đất của mình mới có cái ăn, cái mặc thôi!".

Hành trình đi tìm "miền đất hứa" đã kết thúc ngay trên chính mảnh đất họ rời bỏ. Những người vượt biên đã trở về trong vòng tay bao dung của chính quyền địa phương và bà con buôn làng. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND H. Chư Prông trong buổi nhận bàn giao những người trở về đã trực tiếp động viên: "Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền cấp xã, thôn tạo điều kiện cho họ sớm được hòa nhập cộng đồng như cho vay vốn làm kinh tế, cử cán bộ xuống chia sẻ khó khăn, vướng mắc giúp sớm ổn định cuộc sống".

M.T