Nghệ thuật giống như món ăn, cần thường xuyên hâm nóng và quảng bá

Thứ bảy, 22/02/2014 09:49

(Cadn.com.vn) - 70 tuổi nhưng NSND- Biên đạo múa Lê Huân vẫn không ngừng sáng tạo, luôn đau đáu khát vọng được cống hiến, được "cháy" hết mình với nghề. Ông lên kế hoạch, năm 2014 phải thực hiện bằng được 5 công trình lớn: Hoàn thành cuốn sách phê bình lý luận về nghệ thuật múa, dàn dựng vở thơ múa "Vườn trầu sắc đỏ", phối hợp cùng NSND Chu Thúy Quỳnh thực hiện tổ khúc thơ múa "Mùa Xuân thần tốc", dàn dựng vở kịch múa "Cầu rồng", phát động cuộc thi Điệu nhảy Việt Nam- điệu nhảy Điện Biên... Tâm sự với phóng viên Báo Công an TPĐN, NSND Lê Huân cho rằng, trong sáng tạo nghệ thuật, bên cạnh sự tự thân của văn nghệ sĩ, cần lắm sự đầu tư, quảng bá tác phẩm đến công chúng.

P.V: Thưa NSND Lê Huân! Trước và sau Tết Giáp Ngọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã có cuộc gặp mặt, làm việc với những người làm công tác văn hóa về vấn đề xây dựng văn hóa Đà Nẵng (VHĐN) xứng tầm với vóc dáng đô thị loại I. Ông nghĩ gì trước sự quan tâm này?

NSND Lê Huân:  Từ khi chia tách đến nay, Đà Nẵng quan tâm đầu tư rất nhiều cho phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, nhưng đầu tư cho VH thì thật sự chưa đúng mức, chưa xứng tầm. Sự quan tâm của người đứng đầu TP đối với lĩnh vực VH có thể nói là một tín hiệu vui, rất đáng mừng! Bởi theo tôi, một thành phố lớn có "thương hiệu" như Đà Nẵng không thể chấp nhận việc để cho VH chỉ xếp thứ 39/63 tỉnh thành trong cả nước. Cần phải có sự chuyển biến trong cách nhìn nhận, đối xử với VH... Tôi tin, nếu quan tâm đầu tư cho VH, chắc chắn Đà Nẵng sẽ còn đi xa hơn trong tiến trình hội nhập...

P.V: Tại lễ tổng kết của liên hoan các Hội VHNT TP cuối năm 2013, ông có một phát biểu rất hay khi nói về "tính tự thân của văn nghệ sĩ". Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, VH ĐN chưa thực sự được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, người làm công tác ở lĩnh vực VH muốn "tự thân" cũng khó. Không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để vượt qua những "chướng ngại vật" từ  cuộc sống?

NSND Lê Huân

Sinh ra, lớn lên ở Sơn Tây (Hà Nội), nhưng suốt thời trai trẻ, NSND Lê Huân gắn bó trên chiến trường khu V. Sau giải phóng, ông chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ 2. Ông là biên đạo múa của nhiều vở kịch múa nổi tiếng, được nhận giải thưởng Nhà nước. Ông luôn mong muốn được cống hiến những tác phẩm múa mang tính nghệ thuật cao cho công chúng Đà Nẵng.

NSND Lê Huân: Đối với những người công tác ở lĩnh vực VH, đặc biệt là văn nghệ sĩ, bản lĩnh và tính độc lập trong sáng tác rất quan trọng. VH Việt Nam là nền VH theo định hướng XHCN, là nền VH tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo đó, người làm công tác sáng tạo trong lĩnh vực VH, dù có được đầu tư hay không cũng phải tự mình cảm thấy bức xúc trước những vấn đề của cuộc sống, phải thấy được trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước. Bản thân những người làm công tác VH nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng phải không ngừng sáng tạo...

Theo tiến trình phát triển, Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, cố gắng phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng xã hội công nghiệp. Nhưng muốn xây dựng được xã hội công nghiệp, đất nước công nghiệp, trước hết phải có con người công nghiệp. Để làm được điều này, chỉ có thể là VH. Người VN có một phẩm chất rất đáng quý đó là, rất kiên cường, rất đồng lòng, chung sức trong chiến tranh. Nhưng khi hòa bình, tính tư hữu, cá thể lại trỗi lên. Trong khi đó, xã hội công nghiệp đòi hỏi tính cộng đồng, đoàn kết cao.

Thế nên, trong quá trình phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, nếu không chú trọng đến việc xây dựng con người VH sẽ rất khó xây dựng thành công xã hội công nghiệp. Giá trị của VH không thể cân đo, đong đếm, bởi đó là giá trị tinh thần nên vô giá... VH chính là nền tảng, là động lực tinh thần để phát triển KT-XH. Và những người làm công tác VH nói chung, trên lĩnh vực sáng tác nghệ thuật nói riêng phải xác định rõ được điều này để có trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng tầm cao VH cho quê hương, đất nước...

P.V: Bản thân NSND Lê Huân đã "tự thân" như thế nào?

NSND Lê Huân: Nói thật với bạn, nghệ thuật múa đến nay vẫn chưa được đánh giá, nhìn nhận đúng tầm của nó. Đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước do tôi làm Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật đang sống lay lắt, nhưng tôi và anh em trong đoàn quyết không bỏ nghề. Nói vậy thôi chứ trong quá trình hoạt động, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ những tấm lòng yêu nghệ thuật. Về phần mình, để có thể sáng tạo, tôi thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài".

Từ sân khấu lớn đến sân khấu bé hay những sân chơi quần chúng, nếu ai cần, mời tôi đến dàn dựng chương trình, tôi đều nhận lời. Với tôi, được cống hiến cho nghệ thuật là vui rồi. Cách đây 2 năm tôi đã chuẩn bị xây dựng 2 vở kịch múa lớn cho sự kiện lớn trong năm 2015. Đến nay  kịch bản vở kịch múa "Cầu Rồng" (dài 90 phút) đã hoàn thành, đang chờ được Nhà nước "đặt hàng" với kinh phí không nhỏ, nói về vùng đất và con người Đà Nẵng. Tôi chỉ mong, khi vở kịch múa đã hoàn chỉnh, xin TP đầu tư cho hai, ba buổi diễn để quảng bá tác phẩm đến công chúng.

Bên cạnh đó, tôi còn phối hợp với NSND Chu Thúy Quỳnh dàn dựng tổ khúc múa "Mùa Xuân thần tốc" tiến tới kỷ niệm những sự kiện trong đại vào năm 2015; đã xây dựng, trình TP về việc phát động cuộc thi Điệu nhảy Việt Nam- Điệu nhảy Điện Biên dự định sẽ tổ chức tại đường Võ Nguyên Giáp trong tháng 3-2014 này với sự tham dự của Hội nghệ sĩ múa nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tôi cũng đang viết được một nửa cuốn sách phê bình lý luận về nghệ thuật múa...

P.V: Trong điều kiện TP vẫn đang còn nhiều khó khăn như hiện nay, để đầu tư cùng một lúc, đồng bộ cho VH là khó có thể thực hiện. Theo ông, đầu tư VH cho Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay nên ưu tiên đầu tư trọng điểm vào nội dung nào trước?

NSND Lê Huân: Nên ưu tiên đầu tư cho các thiết chế VH và cho các tác phẩm, quảng bá các tác phẩm đến với công chúng. Các thiết chế VH ở Đà Nẵng hiện vẫn chưa có chiều sâu. Du khách đến Đà Nẵng khen cầu đẹp, đường sạch, con người hiền hòa, hiếu khách, nhưng nếu tìm một điểm VH để vui chơi, giải trí, hưởng thụ..., rất hiếm. VH Đà Nẵng còn đơn điệu, thiếu chiều sâu, chưa thu hút được công chúng...

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước.

P.V: Có một thực tế, người Đà Nẵng chưa "mặn mà" đến rạp xem hát, xem kịch, có người nhận xét do thị hiếu, gu thẩm mỹ của người Đà Nẵng "khác" với 2 đầu đất nước... Ông lý giải sao về điều này?

NSND Lê Huân: Nói như thế không đúng đâu. Cái gì cũng cần có một quá trình, không thể đột biến được. Bạn nên nhớ, vào những thập niên 80 của thế kỷ trước, mỗi lần có đoàn kịch, cải lương hay là dàn nhạc giao hưởng nào đến Đà Nẵng biểu diễn, Nhà hát Trưng Vương luôn kín chỗ. Mà thời kỳ đó, kinh tế khó khăn hơn bây giờ nhiều chứ. Tại sao vậy? Đó là do có một thời gian khá dài, các hoạt động VH ở Đà Nẵng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Công tác tuyên truyền, giáo dục trình độ thẩm mỹ, thị hiếu người xem chưa được chú trọng.

Nghệ thuật giống như món ăn. Mình phải thường xuyên hâm nóng, tuyên truyền, quảng bá thì mới đến được người dân... Trong vấn đề này, tôi nghĩ, trách nhiệm cũng một phần thuộc về các bạn- những người làm công tác tuyên truyền. Các bạn phải cùng chúng tôi góp ý với lãnh đạo TP trong việc đầu tư xây dựng các thiết chế VH cũng như đầu tư cho hoạt động VH; tuyên truyền, quảng bá, hâm nóng và giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho người dân. Đừng sợ "trung ngôn, nghịch nhĩ". Bởi cái gì mình làm lợi cho cộng đồng, vì cộng đồng thì rồi cũng sẽ được đền đáp.

P.V: Xin cảm ơn NSND Lê Huân đã dành cho độc giả Báo Công an TPĐN cuộc trò chuyện cởi mở này. Chúc ông sẽ thành công với những kế hoạch đã được đặt ra trong năm nay...

P.Thủy
(thực hiện)