Nghẹn ngào tiễn biệt các anh về với đất Mẹ
Chưa một lần được biết đến hai phi công Khuất Mạnh Trí và Phạm Giang Nam nhưng có lẽ trong mấy ngày qua từng dòng thông tin về hai phi công này đã được người dân đón nhận và tri ân với tất cả niềm tin yêu lớn lao nhất. Cũng là điều dễ hiểu bởi trong thời bình, quá trình gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc luôn luôn được mọi người quan tâm...
Sự hi sinh của các anh là nỗi mất mát lớn cho Quân đội nhân dân Việt Nam và toàn thể nhân dân. |
Phép mầu đã không xảy ra
Khi nhận dòng thông tin ban đầu về chiếc máy bay quân sự bị rơi trong lúc làm nhiệm vụ bay huấn luyện tại Nghệ An, tôi đã cầu nguyện có một phép mầu. Bởi đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận được những dòng thông tin như thế. Trước đó, tháng 6-2016, một máy bay tiêm kích Su-30MK2 đang thực tập huấn luyện cũng mất liên lạc khi cách đất liền ở Diễn Châu (Nghệ An) khoảng 25km. Một trong hai phi công đã sống sót. Trong quá trình tìm kiếm Su-30, một máy bay CASA-212 số hiệu 8983 cũng đã mất liên lạc, trên máy bay có 9 người.
Thế nhưng, hơn 3 giờ sau khi xảy ra vụ việc, Thông tấn quân sự Bộ Quốc Phòng đã phát đi thông tin chính thức về chiếc máy bay Su-22U trên cổng thông tin điện tử: "Lúc 11 giờ 16 phút ngày 26-7, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện và mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút. Thông tin ban đầu, máy bay bị rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, H. Nghĩa Đàn, Nghệ An. Hai phi công hi sinh gồm Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 921 (1978, quê ở P. Lê Lợi, TX Sơn Tây, Hà Nội) Giờ bay tích lũy: 1.130h37; Giờ bay trong năm: 111h08; Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921 (1972, quê ở Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình)". Cả hai phi công đều đã bay qua các loại máy bay: L- 39. MiG-21, Su-22. Vậy là phép mầu đã không xảy ra. Nỗi đau ấy hiện hữu, là nỗi đau chung của người thân và tất cả người dân trên dải đất hình chữ S.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, các đơn vị Quân đội và các địa phương trên địa bàn Quân khu 4, kịp thời khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Ngày 27-7, Bộ trưởng bộ Quốc phòng đã ký Quyết định truy thăng quân hàm sĩ quan. Phi công Phạm Giang Nam truy thăng quân hàm sĩ quan từ Thượng tá lên Đại tá. Phi công Khuất Mạnh Trí truy thăng quân hàm sĩ quan từ Trung tá lên Thượng tá. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 2 liệt sĩ Đại tá Phạm Giang Nam và Thượng tá Khuất Mạnh Trí.
Sau hơn 1 ngày thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm thi thể các phi công, đêm 26-7, hai xe cứu thương của quân đội đã đưa thi thể các phi công về Nhà tang lễ Bệnh viện 4, Quân khu 4 tại TP Vinh, Nghệ An. Lễ viếng và lễ truy điệu đã được tổ chức vào sáng 28-7.
Đồng đội đưa linh cữu phi công Phạm Giang Nam lên xe di quan về Hà Nội. |
Các anh hãy yên nghỉ!
Thượng tá Khuất Mạnh Trí sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, cha là cựu tù côn đảo. Anh lớn lên trong sự thiếu vắng bóng cha suốt quãng thời gian thơ ấu nhưng niềm tự hào về cha và ước mơ được đứng vào quân ngũ của anh cứ lớn dần. Cuộc đời binh nghiệp của anh là cả một quá trình lâu dài, phấn đấu không ngừng nghỉ. Người thân, bạn bè biết đến anh là con người hiền lành, chất phác, giản dị và rất thân thiện. Chị Tạ Bích Vân (bạn thân phi công Trí) nghẹn ngào: "Cậu ấy là một người hiền lành, vui tính. Mới đợt về vừa rồi, cả nhóm họp mặt nhau, Trí mời chúng tôi ghé qua đơn vị chơi một ngày. Đúng lịch thì sáng hôm nay chúng tôi sẽ qua đơn vị Trí chơi. Vậy mà lời hứa còn chưa kịp thực hiện... Được biết, Hoa lan là loài hoa đặc biệt yêu thích của Trí. Mỗi lần về nhà, Trí đều tranh thủ ra chợ mua vài giò lan rồi dành thời gian chăm sóc". Trước khi chuyến bay định mệnh ấy, anh mới về thăm nhà trong kỳ nghỉ phép.
Còn Đại tá Phạm Giang Nam cũng có một tuổi thơ khó khăn, vất vả, bố anh là ông Phạm Văn Mỹ từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm anh tròn 2 tuổi thì gia đình nhận được hung tin ông Mỹ đã hi sinh, nhưng may mắn 4 năm sau đó, người cha ấy đã trở về trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Cuộc đời binh nghiệp đến với anh hết sức bất ngờ. Năm 16 tuổi, anh được tuyển vào trường thiếu sinh quân huấn luyện. Từ năm 1991 cho đến bây giờ, anh được mang trên mình bộ quân phục màu xanh da trời. Trong mỗi chuyến bay, các anh đều gọi về nhà để vợ con yên tâm. Vậy mà trong chuyến bay định mệnh ấy, các anh không kịp về như lời hứa hẹn...
Ngày 28-7, người dân đã có mặt từ rất sớm để tiễn đưa các anh về đất mẹ. Họ mang theo những bó hoa, xếp hàng dài chờ để được vào thắp nén tâm nhang trước linh cữu hai liệt sỹ. Vậy là trong dịp ngày thương binh, liệt sỹ của đất nước lại nhận thêm 2 sự hi sinh của 2 sỹ quan phi công kỳ cựu. Những cái ôm động viên, an ủi của đồng đội, bạn bè các anh giờ đây là niềm an ủi duy nhất mà họ có thể làm đối với gia đình lúc này.
Người thân phi công Khuất Mạnh Trí nghẹn ngào trước nỗi đau quá lớn. |
Những gương mặt như thiên thần của bé gái 4 tuổi và bé trai 2 tuổi ngơ ngác trong lễ tang là con của liệt sỹ Phạm Giang Nam. Các con còn quá nhỏ để hiểu hết những mất mát to lớn này. Suốt lễ truy điệu, cậu bé 2 tuổi liên tục với tay đòi mẹ ẵm. Thế nhưng, đôi mắt chị Phan Huyền Trang (vợ liệt sỹ Phạm Giang Nam) nhắm nghiền, dường như chị đã không còn đủ sức để đứng vững... Đôi mắt ngây thơ, cậu bé với tay về phía hai linh cữu nằm lặng im, phủ lá cờ Tổ quốc và gọi "Bố ơi". Tiếng gọi bố của đứa trẻ chìm trong tiếng nấc nghẹn của người lớn.
Dòng xe di quan các anh về với đất mẹ, với gia đình quê hương máu mủ. Người thân của hai phi công kéo cửa kính, vừa khóc, vừa đưa tay nghẹn ngào: Chào bà con, cảm ơn bà con nhiều lắm, gia đình chúng tôi xin đưa hai anh về!
Chiều 29-7, hài cốt của hai phi công đã được đưa về an táng tại quê nhà, bà con làng xóm đã đến đưa các anh về với đất mẹ. Các anh hãy yên nghỉ!
DƯƠNG HÓA