Nghị lực của người khuyết tật!

Thứ tư, 03/12/2014 09:19

(Cadn.com.vn) - Tôi không thể nào nhớ hết đã dự bao nhiêu nghi thức lễ chào cờ. Nhưng có lẽ, sẽ không có một nghi thức lễ chào cờ nào để lại trong tôi niềm xúc động khó quên như nghi thức lễ chào cờ tại Trường Chuyên biệt Tương Lai nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Khi hiệu lệnh chào cờ được cất lên, bên cạnh những giọng hát ngọng nghịu của trẻ khuyết tật trí tuệ là những “giọng hát” được cất lên từ những cánh tay của trẻ khiếm thính (câm điếc).

Các em hát không chỉ bằng tay mà còn bằng mắt, bằng xúc cảm biểu lộ trên gương mặt. Nhìn những cánh tay hát theo điệu nhạc dưới sự hướng dẫn của cô giáo trẻ dưới khán đài, không chỉ riêng tôi mà toàn thể đại biểu đến dự (trong đó có đại biểu người nước ngoài) lặng đi vì xúc động! Chợt nhớ, có một thời, tại những buổi lễ chào cờ trong trường học, trong các cơ quan, đơn vị, đoàn thể..., phần hát Quốc ca phát ra từ máy đĩa át luôn cả tiếng hát của hàng trăm người dự lễ. Người đi ngoài hành lang, nghe tiếng nhạc Quốc ca mà vẫn hồn nhiên, cười nói râm ran...

HS khiếm thính Trường Chuyên biệt Tương Lai hát Quốc ca trong nghi thức lễ chào cờ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường. 

Nghi thức lễ chào cờ tại Trường Chuyên biệt Tương Lai không chỉ khiến người dự xúc động bởi sự đặc biệt của nó, mà còn bởi sự nể phục trước sự tận tâm, nhẫn nại, tấm lòng thiện nguyện của đội ngũ các thầy cô giáo dành cho trẻ khuyết tật; là sự trân trọng trước nghị  lực vượt lên bất hạnh, khát khao được hòa nhập cộng đồng, khát khao được thể hiện chính mình của những người khuyết tật.

Lại càng xúc động hơn khi trong buổi lễ long trọng ấy, có sự trở về của những cựu HS của trường nay đã trưởng thành. Phần lớn các em đều là HS khiếm thính. Có em đã thành thợ cắt tóc, thợ in lụa, thợ may... Gặp lại thầy cô và đàn em, các em ôm chầm lấy rồi đưa tay ra dấu hiệu-những động tác thay lời nói bày tỏ tâm tư, xúc cảm của các em trong ngày gặp mặt.

Về thăm lại trường xưa trong tư cách của một người trưởng thành ấy là món quà tri ân đầy ý nghĩa để đền đáp công ơn dạy dỗ, chăm sóc của các thầy cô giáo, cũng là sự tri ân với cha mẹ, xã hội và cộng đồng - những tấm lòng thiện nguyện, không vụ lợi vì những mảnh đời kém may mắn, bất hạnh...

HS khiếm thính và khuyết tật trí tuệ Trường Chuyên biệt Tương Lai biểu diễn võ thuật. Ảnh: P.T

Nhìn những hình ảnh xúc động ấy, tôi chợt nhớ đến Hà Chương- chàng trai trưởng thành từ Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu-hiện là một nhạc sĩ thành danh; lại nhớ đến hình ảnh chàng trai tên là “Dũng cụt” trong bộ phim truyện 1 tập “Truy đuổi” được phát vào tối chủ nhật cuối tuần qua trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam. Dù cụt mất 2 chân anh vẫn nhanh nhẹn phóc lên chiếc xe máy chạy băng băng trên đường phố Sài Gòn, lăn lóc trên các vỉa hè để mưu sinh, tự lập....!

Rồi cái tin Đoàn văn nghệ người khuyết tật thuộc Hội bảo trợ người khuyết tật- trẻ mồ côi TP Đà Nẵng đoạt giải nhất toàn đoàn tại cuộc thi “Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất” được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua, lại một lần nữa minh chứng cho nghị lực và khát vọng sống của những người khuyết tật thật đáng trân trọng. Nghị lực đó chẳng phải đã là tấm gương, là bài học dành cho những ai không biết trân trọng ý nghĩa đẹp đẽ, đích thực của cuộc sống đó sao?!

Khánh Yên