Nghiệp cầm ca

Thứ tư, 09/06/2010 00:00

Bài 1: Sơn ca lặng thầm

(Cadn.com.vn) - Trong mắt nhiều người, giọng hát họ không hề thua kém giới ca sĩ chuyên nghiệp. Thậm chí, trong không gian sống động, nhỏ nhắn của phòng trà, tiếng hát của họ còn đến gần và đi vào lòng người một cách thấm thía. Nhưng cũng bó hẹp trong không gian đó, họ không có cơ hội đi xa hơn, đến nhiều lớp khán giả hơn. Và bao nhiêu năm nay, đêm đêm, họ vẫn hát, hát bằng trái tim đam mê, hát dù bên dưới chỉ chục người lắng nghe. Họ, những ca sĩ phòng trà - những chim sơn ca lặng thầm.

Hát cho thỏa đam mê

Cũng hơn một lần nghe bạn bè nói về giọng hát của chị Tôn Nữ Xuân Huyền - bà chủ quán cà-phê Hợp Phố với lòng mến mộ, nhưng khi trực tiếp được nghe chị hát “Dã tràng ca” của Trịnh Công Sơn hay “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương tôi mới cảm nhận được từ trong giọng hát ấy một luồng nội lực ghê gớm, cứ như dòng thác ào ào dồn đổ. Những nhịp, phách, cách xử lý bài hát khéo léo đến mức cứ nghĩ rằng chị phải được đào tạo bài bản về thanh nhạc.

 Ánh Hà trầm tư ngoài đời...

Vậy nhưng, người phụ nữ ở tuổi tứ tuần ấy chưa qua trường lớp, cũng chẳng một lần tầm sư học đạo về nhạc lý. Chị hát bằng đam mê, bằng trái tim. Và, tiếng hát ấy đã được khán giả Đà Nẵng đón nhận. Không ít người đến Hợp Phố với chỉ một mong muốn được nghe chính bà chủ hát.

Mang trong mình dòng dõi hoàng tộc, gia đình không có ai theo nghệ thuật, và chị cũng chẳng có ý định theo con đường ca hát. Chị chỉ mê hát, và cứ hát cho mình, cho bạn bè nghe, rồi dần dần được mến mộ, chị bước theo nghiệp này lúc nào cũng không hay.

Trời cho chất giọng, lại người gốc Huế với nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh, thế nên khi hát nhạc Trịnh chị cảm lời sâu sắc. Cũng vì vậy, nghe chị hát, người ta thấy thấm thía, cứ tự nhiên rung động một cách giản dị. Không giống ca sĩ phòng trà khác, hát vừa là đam mê nhưng cũng là nghề để mưu sinh. Còn chị, chị hát chỉ để thỏa cái đam mê, chẳng một chút vướng víu, lo toan. Lên sân khấu của chính gia đình mình, chị trút bỏ cái lẽ đời thường, lúc đó, tâm hồn gửi trọn trong mỗi câu hát. Cho nên với chị, nói là nghiệp ca hát dường như cũng có chút gì nặng nề, nó là “duyên” nhiều hơn là “nợ”.

Trên sân khấu, một Tôn Nữ Xuân Huyền mạnh mẽ, đắm say bao nhiêu thì ở ngoài đời chị lại nhu mì, dịu dàng và đảm đang bấy nhiêu, rất đúng cái chất của người con gái gốc Huế. Dù bận mấy, bữa cơm gia đình, bao giờ cũng do chị đi chợ và tận tụy nấu nướng. Nói chuyện với tôi, chị cũng kiệm lời, và có phần kín kẽ. Có lẽ với những đằm sâu trong tính cách ấy đã khiến giọng hát của chị vừa nồng nàn vừa mãnh liệt...

Tiếng hát thấm nỗi đời

Suốt 9 năm đi hát, dù có ở bất cứ phòng trà nào, tiếng hát của chị cũng không lẫn vào đâu. Với người yêu âm nhạc Đà Nẵng, giọng hát của chị đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc. Khi vào TPHCM hát nhạc Trịnh, nhiều khán giả khó tính cũng phải tán thưởng. Và có người đã thảng thốt, không tin rằng từ phòng trà Đà Nẵng lại có giọng hát đặc biệt đến thế mà bây giờ mới xuất hiện ở TPHCM. Người mà khán giả ở trung tâm phát triển âm nhạc sôi động nhất nước ta nhắc tới chính là giọng ca Ánh Hà của Đà Nẵng.

Đã ở tuổi 45, nhưng chị vẫn hát khỏe, hằng đêm chạy show 3 - 4 chỗ. Ở Phương Đông chị được trả 200 ngàn đồng/bài, mức “đỉnh” nhất ở Đà Nẵng hiện nay. Và với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng, chị là niềm mơ ước của nhiều ca sĩ Đà Nẵng. Không những thế, chị còn thường xuyên nhận tổ chức các chương trình ca nhạc chủ đề cho các phòng trà Bạch Dương, Cung Đàn Xưa, cũng như thường xuyên được mời đi hát ở TPHCM, Nha Trang. Điều này cũng giúp cho chị có thu nhập khá. Thu nhập bằng nghề hát cao như chị, ở Đà Nẵng cực hiếm. Chị chỉ là số hiếm hoi sống được với nghề hát và không phải làm nghề “tay trái” nào.

Bà chủ Xuân Huyền của Hợp Phố hát bằng niềm đam mê say đắm. 

Có lẽ cũng không phải nói nhiều về giọng hát Ánh Hà. Giọng ca của chị đã là một thương hiệu ở Đà Nẵng rất khó cạnh tranh. Là bởi, chị được trời phú cho chất giọng đặc biệt. Không xuất thân từ gia đình nghệ thuật, cũng không được đào tạo nhạc lý, chị cứ đi hát, rồi nghề tự dạy mình. Thực ra, cũng chỉ từ 9 năm nay chị mới bước lên sân khấu biểu diễn.

Trước đây làm ở khách sạn Đà Nẵng, chị cũng chỉ hát phong trào cho cơ quan và hát cho... chồng nghe. Khi nghỉ làm khách sạn, chị về phụ chồng kinh doanh. Công việc kinh doanh mệt mỏi, căng thẳng. Những lúc có bạn bè từ xa đến, chồng chị hay dẫn về nhà để nghe vợ hát. Họ đều thích tiếng hát của chị và động viên chị nên theo nghề hát. Chị nghĩ làm nghệ thuật phải theo từ nhỏ, chứ giữa chừng như mình mà rẽ qua cũng khó.

Thế rồi cái duyên chợt đến. 9 năm trước, tình cờ theo bạn đến Hợp Phố, lúc đó quán cũng mới mở, bạn giới thiệu chị hát. Chị lên hát, cũng chỉ giản dị quần tây, áo sơ-mi, thật bất ngờ lại có nhiều người mến mộ giọng hát của chị. Nhiều khách đến quán cứ lén nhìn xem có phải chị hát nhép của Khánh Ly hay không mà giống đến thế. Nếu không nhìn, mà chỉ nghe, thật khó để phân biệt được giọng hát của chị với Khánh Ly. Chị bảo, trời sinh ra giọng hát của mình như vậy thì biết sao được.

Cà-phê bar (gọi chung là phòng trà) ở Đà Nẵng chưa đa dạng và định hình sắc nét về phong cách để làm  thỏa mãn nhiều gu âm nhạc của cư dân thành phố trẻ. Dù vậy, đến, nghe, thưởng thức, giữa đâu đó lao xao tiếng nói cười, đâu đó dáng vội vã lướt ngang của những lượt khách đi, đến; bạn vẫn có thể giật mình đến nao lòng khi một tiếng hát say đắm cất lên, tiếng hát hoàn toàn không thua kém những ca sĩ chuyên nghiệp, thậm chí đôi khi có phần đầy đặn hơn về cảm xúc. Đằng sau những tiếng hát ấy là những nghiệp cầm ca...
Nhiều khán giả nói họ có một cảm nhận sâu lắng nỗi đời khi nghe chị hát nhạc Trịnh. Sự già dặn, trải nghiệm trong cuộc sống đã tạo nên độ chín trong giọng hát chị. Chị tâm sự, khi hát mình xúc cảm, đắm đuối với bài hát thì chắc chắn khán giả sẽ đồng cảm với mình. Chị đã có 4 năm cùng với người thân trong gia đình mở quán cà - phê nhạc trên đường Hoàng Diệu. Rất nhiều người ái mộ đã tới quán để được nghe chị hát.

Rồi mặt bằng chị thuê bị lấy lại, quán phải đóng cửa, nhiều khán giả nói với chị họ rất buồn. Họ muốn ngồi trọn một buổi tối nghe chị hát mới thấy thỏa thích. Còn chị, giờ phải chạy show nhiều quán, mỗi chỗ chỉ có thể hát 2 bài. Chị bảo, cũng vì cuộc sống, một mình nuôi các con nên phải chạy lo kinh tế.  Cách đây 5 năm, chồng chị bị tai biến qua đời, để lại trong lòng chị nỗi chông chênh vô vàn. Một mình phải nuôi 5 con nhỏ, dù được gia đình chồng trợ giúp thêm, nhưng gánh nặng ấy đâu dễ san sẻ.

Cũng vì biến cố ấy, trong tiếng hát chị trĩu nặng nỗi đời. 5 năm qua đi, bây giờ nhìn lại, thấy những đứa con đều ngoan ngoãn, trưởng thành, lòng chị thanh thản. Đứa lớn giờ đã có gia đình, đứa thứ nhì đang du học Singapore, những đứa nhỏ đang theo học ở Đà Nẵng đều giỏi giang, hiểu và nghe lời mẹ. Ban ngày, chị đảm đang với những công việc gia đình, đêm đến, chị đi hát vừa thỏa mãn đam mê vừa là để lo gánh mưu sinh.

Cũng vì thương và lo cho con, nên dù có cơ hội phát triển trên con đường âm nhạc nhưng chị đã từ chối. Cty của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mời chị tham gia những dự án dài hơi, chị phải từ chối bởi không thể rời Đà Nẵng quá nhiều ngày. Các con chị không thể thiếu được bàn tay người mẹ khi mà cha chúng đã không còn.

Chị đã hy sinh sự nghiệp, chấp nhận ở Đà Nẵng hằng đêm hát phòng trà, như chim sơn ca lặng thầm, để lo cho những đứa con. Và một năm vài lần, chị tự mình tổ chức những chương trình có chủ đề, đầu tư kỹ càng để được hát mê mệt, để không phụ lòng những người yêu quý giọng hát mình... Tiếp xúc với chị, sẽ thấy chị không tham vọng nhiều, chị giữ gìn sự thanh thản cho tiếng hát và tâm hồn mình với cách bằng lòng và sống tốt với những gì mình đang có...

Hải Hậu
(còn nữa)