Người đàn ông thầm lặng

Thứ bảy, 11/07/2020 08:00

Tôi có một may mắn được tháp tùng cô - Anh hùng LLVTND, Trung tá Ngô Thị Huệ dự Hội thảo “Phụ nữ CAND - những chặng đường lịch sử” tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào tháng 3-2018. Được cô ưu ái kể tường tận những năm tháng cam go, gian khổ hoạt động trong lòng địch, về chuyện đời tư… nhưng khi định viết về cô, tôi cứ canh cánh bên lòng sẽ phải viết 1 bài về người đàn ông thầm lặng bên cô.

Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ với Hội Phụ nữ CATP Đà Nẵng.  

Người con gái bé hạt tiêu

Lần đầu tiên tôi gặp chú Trần Việt Trí là vào dịp kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống lực lượng CAND 19-8-2013, khi cùng đồng đội nữ đến thăm cô Huệ. Thấy có khách, cô chú ra tận cửa đón, rồi chú lật đật quay vào lấy thêm ghế, rót nước... rồi xin phép vào trong để chúng tôi tự do trò chuyện. Tôi ấn tượng ngay với vẻ đẹp phúc hậu, cử chỉ chậm rãi, ân cần của chú. Sau này nhiều lần đến thăm cô, lần nào chúng tôi cũng được chú tiếp đón ân cần. Đặc biệt, chú luôn khéo léo từ chối ngồi trò chuyện hay chụp ảnh cùng khách. Cô Huệ nói chú bảo các cháu tới thăm anh hùng, chụp ảnh với anh hùng, chú đứng vào mất ý nghĩa.

Sau này tôi mới biết, chú là cựu tù yêu nước, đã 3 lần bị địch bắt, đi từ nhà lao Con Gà, Kho Đạn đến nhà lao Hội An. Chính trong lần thứ 3, chú biết cô. Lúc đó chú thấy cô giống như một đứa trẻ, gầy gò ốm yếu, bị địch tra tấn rất tàn độc. Chú ở trong tổ chức chi bộ nhà tù, vừa làm y tá, vừa biết sửa điện nước nên tranh thủ công việc bọn cai tù giao, tạo điều kiện cho cô ăn uống, chăm sóc cô gái bé nhỏ nhưng rất gan dạ. Tuy nhiên, chuyện tình của cô chú chưa bắt đầu lúc này, mà mãi về sau...

Năm 1968 chú được tổ chức bố trí ra miền Bắc, làm Bí thư Đảng ủy bệnh B (điều trị cho cán bộ miền Nam) kiêm Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân Bệnh viện E Hà Nội. Đến năm 1969, cô Huệ được đưa ra Bắc điều trị tại Bệnh viện E. Thời điểm này bệnh tình cô Huệ rất nặng, hầu như ngày nào cũng lên cơn động kinh, mỗi lần từ 15 đến 20 phút. Gặp bệnh nhân đặc biệt mỗi lần động kinh toàn nói chuyện đánh Mỹ, chửi Mỹ... chú mới nhớ ra đây chính là cô gái chú đã gặp tại nhà lao Hội An năm 1962. Chú rất thương người em gái đồng hương chịu cảnh bệnh tật giày vò. Nghĩ không biết làm gì để giúp cho cô bớt đau đớn vì bệnh tật thôi thúc chú chỉ có cưới cô làm vợ thì chú mới có đủ thời gian, điều kiện chăm nom cho cô (thời điểm này, vợ chú đã mất). Cô kể, chú có đặt vấn đề kết hôn nhưng cô từ chối vì cô nghĩ không có khả năng làm vợ, làm mẹ, lấy nhau về chỉ khổ cho chú. Tuy nhiên, chắc do ông trời sắp đặt, một lần đi làm về cô thấy có bức thư gửi qua địa chỉ nhà bố Hoàn (cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, người nhận cô làm con nuôi, gọi cô là “Bé hạt tiêu”), cô vội xé ra đọc (thư này gia đình gửi cho chú, chú lấy nhờ địa chỉ nhà cô đang ở). Trong thư rơi ra một tấm ảnh có 2 đứa nhỏ đầu đội mũ rơm đứng bên quan tài. Cô nói hoàn cảnh cô cũng mồ côi mẹ lúc hơn 3 tuổi, nhìn Sơn, Giang (2 con trai riêng của chú) đứng bên quan tài khóc mẹ cô thương quá. Vì vậy cô nhận lời cưới chú. Cô đem chuyện này xin phép bố Hoàn. Bố Hoàn có hỏi “Con nghĩ sao mình bệnh hoạn thế này mà lấy chồng?” Cô thưa “Anh Trí chăm sóc con lúc con đau ốm, anh ngại người ta nghĩ này nọ, nên muốn đến với con để chăm sóc con được chu đáo. Vả lại anh ấy cũng có con rồi”. Nghe vậy bố Hoàn nói cô gọi chú tới. Bố Hoàn có hỏi “Cậu nghĩ thế nào mà đến với cái Huệ?”. Chú đáp “Con biết Huệ từ khi ở nhà tù Hội An. Huệ bệnh nặng, lên cơn động kinh rất cảm động. Phần con vợ mất hơn 4 năm, con còn nhỏ. Con muốn giúp Huệ lúc ốm đau, chứ con có con rồi”. Bố Hoàn hỏi tiếp “Cậu đến với Huệ, sau này nó ốm đau tàn tạ, cậu có chán không?”. Chú không ngần ngại trả lời ngay “Cháu đã xác định rồi”. Sau đó bố Hoàn đồng ý. Đám cưới ấm cúng, giản dị của 2 cô chú diễn ra vào ngày 18-4-1975 tại Hà Nội, có cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn làm chủ hôn.

Vợ chồng Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ. 

Tình yêu vượt qua mọi thử thách

Tôi nhớ khi ra Hà Nội, ở cùng cô, tôi có giúp cô mở va-ly lấy quần áo treo cho khỏi nhàu, thấy bộ nào ra bộ đấy. Cô bảo chú sắp đồ cho cô. Bao năm rồi, mỗi lần cô đi đâu xa nhà, chú đều tự tay gấp quần áo, đồ dùng cá nhân cho cô không thiếu một thứ gì. Đi cùng cô 3 ngày, mỗi ngày chú đều đặn gọi điện cho cô 4 lần sáng, trưa, chiều, tối khuya. Có lúc cô bận không nghe máy, chú gọi cho tôi hỏi thăm cô, chú dặn tôi “Nhớ chăm sóc “cục cưng” giúp chú”. Có một chuyện mà cô nói tôi là người đầu tiên cô chia sẻ. Cô bị địch tra tấn dã man, nên không còn khả năng làm vợ, làm mẹ. Bởi vậy, nhắc đến chú, cô luôn nói chú hy sinh cho cô quá lớn. Tình yêu của cô chú khác với tình yêu lứa đôi, không chỉ vì hạnh phúc riêng.

Với riêng tôi, càng yêu quý cô bao nhiêu, tôi càng kính trọng, cảm phục chú bấy nhiêu. Tình yêu lớn của cô chú như là tấm gương soi cho thế hệ chúng tôi một bài học lớn về cách sống, cách cho đi.

Ngồi giữa 2 cô chú, tôi hỏi vui “Vậy có khi nào cô, chú giận nhau không?”. Cô nói sống với nhau 45 năm, cũng có những lúc giận dỗi, nhưng chú không cho cô giận lâu. Cứ giận nhau được một lúc là chú nói “Thôi hết 15 phút rồi, đừng giận nữa em ơi”.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, hàng ngày cô chú vẫn cặm cụi chăm sóc cho nhau, chú vẫn đều đặn tự dùng xe máy chở cô đi châm cứu, đi chợ, đi thăm thú bạn bè, con cháu. Cô nói cô còn được khỏe mạnh, vui vẻ đến ngày hôm nay, phần lớn nhờ vào tình yêu, vào công chăm sóc chu đáo, ân cần, không biết mệt mỏi của chú.

Còn một chuyện mà tôi muốn chia sẻ trước khi kết thúc bài viết. Cô nói khi nào cô nhắm mắt xuôi tay cô sẽ “Trả lại tên cho em”, không thể “ích kỷ” (từ cô dùng) giữ chú mãi bên cô. Bởi vậy cô đã thuyết phục chú khi cô mất, chôn cô nằm riêng trong khuôn viên của tộc Trần, còn trả lại chú nằm bên cạnh người vợ đầu. Mất mấy năm trời cô dùng mọi lời lẽ, phân tích, thuyết phục chú mới xuôi xuôi. Đền đáp lại ơn nghĩa đó, chú đã tự dành dụm xây 1 nhà lưu niệm cho cô trong khuôn viên nghĩa trang tộc Trần Viết. Chú tự tay thiết kế, thuê thợ trang trí hoa, in những bài thơ bạn đọc viết về tình yêu của cô chú, về những chiến công của cô...

THU HUYỀN