Người lính tình nguyện và ngôi đền cổ

Thứ sáu, 06/01/2017 10:00

(Cadn.com.vn) - Kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot Ieng Xary (7-1), các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 95 (Sư đoàn 307) nhớ nhiều nhất về 10 năm giữ ngôi đền cổ Preah Vihear, di sản văn hóa thế giới.

Đại tá Dương Hữu Quyên  (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng các CCB
quân tình nguyện và sĩ quan quân đội Hoàng gia Campuchia
trong đoàn công tác của Thủ tướng Hun Sen (12-2016).

Kỳ tích kéo pháo lên đền cổ

Trở về sau chuyến đi vào TPHCM dự cuộc gặp mặt với Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thành lập QĐNDVN, Đại tá Dương Hữu Quyên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu 5 vẫn còn nguyên cảm xúc tự hào. Ông cho biết Quân khu 5 có 25 CCB được chọn đi là những người có nhiều năm gắn bó trên đất bạn. Những ai có mặt trong hội trường hôm đó đều tỏ ra hài lòng khi ngài Thủ tướng đánh giá đúng sự hy sinh của những người lính tình nguyện Việt Nam. 11 năm tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và sau đó làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn trong đội hình Sư đoàn 307, kỷ niệm sâu sắc nhất của Đại tá Dương Hữu Quyên là cùng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 95 giải phóng ngôi đền và cả một vùng dân cư rộng lớn khu vực biên giới. Nhiều cán bộ, chiến sĩ vẫn còn nhớ đêm đầu tiên tại đền Preah Vihear, sau chiến thắng, đồng chí Lê Lung, Chính ủy Sư đoàn 307 đã xúc động lạ thường. Ông ngồi trên tảng đá bằng phẳng ở chân đền và nói với chiến sĩ vây quanh: "Sư đoàn chúng ta đã đi chặng đường dài, vượt qua bao hy sinh, gian khổ, giải phóng toàn bộ 4 tỉnh Đông bắc Campuchia và Preah Vihear là trận cuối cùng. Hãy lấy đinh khắc ngày 17-1-1979 vào vách đá của đền để lịch sử không được phép lãng quên".

Từ dưới mặt đất trèo lên đến đền phải qua nhiều dốc cao, có 7 đoạn phải trèo bằng thang gỗ, người khỏe nhất phải mất 3 giờ đi bộ mới trèo lên đến đỉnh. Để bảo vệ dài lâu, Tiểu đoàn tổ chức phòng ngự, xây dựng hệ thống công sự, vật cản, bố trí hệ thống hỏa lực vững chắc, kỳ công tháo và khiêng hai khẩu pháo 85mm lên tận đỉnh để tăng cường hỏa lực. Triển khai xây dựng công sự trên đền, đơn vị phải mang từng thanh bê-tông đúc sẵn từ dưới lên và xây dựng đường hầm cấp tiểu đoàn bảo đảm suốt mấy năm cho việc bảo vệ ngôi đền. Mùa khô năm 1981 là thời kỳ địch tiến công đền ác liệt nhất. Suốt ngày đêm từ bên kia biên giới, chúng dùng các loại súng cối 100mm, cối 82 mm, ĐK và cả pháo 105mm bắn liên tục vào trận địa phòng ngự của ta. Có ngày chúng bắn hàng ngàn quả đạn pháo. Tiểu đoàn 1 kiên cường đánh lui tất cả các đợt tấn công của chúng.

Trong phòng ngự giữ đền, khó khăn nhất là giải quyết nguồn nước sinh hoạt. Bộ đội phải gùi nước từ dưới thấp lên, có khi hàng buổi mới mang được một can nước lên đến đền. Quân địch lại thường xuyên phục kích, cài mìn đường đi lấy nước. Để giữ đền Preah Vihear, nhiều khi máu và nước của người chiến sĩ hòa lẫn vào nhau. Ngay cả những bức thư lên đến với chiến sĩ cũng nhuốm màu đạn lửa. CCB Hà Mận hiện ở Hòa Phước, Hòa Vang kể: "Tôi nhớ mãi có lần cha tôi gửi thư qua chiến trường. Khi đến nơi thấy thư dính máu và lủng nhiều chỗ. Hỏi ra mới biết chiếc xe chở thư báo bị mìn Pol Pot cài cắm. Chiến sĩ quân bưu bị thương nặng nhưng vẫn cố đem thư đến ngôi đền. Sau này tôi đem bức thư đặc biệt ấy về lại cho cha. Ông đã khóc. Trung đoàn 95 đã có bài hát ca ngợi anh quân bưu: "Hôm qua anh nhận thư em. Lá thư dính loang máu đỏ. Máu đồng đội anh đó. Người chiến sĩ quân bưu...".

Ba lần đón lãnh đạo nước bạn đến thăm đền

Đại tá Đỗ Xuân Mạnh, nguyên Chủ tịch Hội CCB P. Hòa Cường Bắc không quên bất cứ kỷ niệm nào trong những năm tháng ác liệt ấy. Ông nhớ nhất là các lần đón lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Bộ Quốc phòng đến thăm đền Preah Vihear. Tháng 3-1983, Bộ trưởng Quốc phòng Bu Thoong là nhà lãnh đạo đầu tiên của nước bạn đến thăm đền. Lúc này địch vẫn thường xuyên pháo kích nên công tác bảo đảm an toàn  được tính toán gắt gao. Chiếc Mi 8 do đội bay Liên Xô chở đoàn cán bộ quốc phòng Campuchia hạ cánh tại doanh trại của Sư đoàn bộ ở Xa Em. Quãng đường hơn 10 km đến đền được bộ đội dò gỡ mìn liên tục. Chiếc xe Zin 131 chở đoàn phải bỏ thêm nhiều bao gạo để bảo đảm độ đằm và nhỡ gặp mìn ít gây thương tích. Ông Bu Thoong đã đi bắt tay hết lượt cán bộ, chiến sĩ giữ đền, tặng một ít rượu và thuốc lá cho bộ đội. Cũng cuối năm này Sư đoàn lại tiếp tục hộ tống Chủ tịch Quốc hội Chea Sim thăm đền. Ông đã tặng nhiều giấy viết thư cho bộ đội, mong sẽ có nhiều cánh thư nối liền giữa Việt Nam và Campuchia.

CCB Dương Xuân Cường, quê Vĩnh Phúc, nguyên trưởng ban cán bộ Sư đoàn ở chiến trường, trong dịp về thăm Trung đoàn 95 đã kể về kỷ niệm ngày đón ông Heng Samrin, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Campuchia thăm đền năm 1986: "Tôi nhớ nhất chi tiết ông ấy sau khi đến thăm và bắt tay cán bộ, chiến sĩ, đã ra cửa chính diện nhìn về đất Thái Lan lúc này có một ba-ri-e chắn ngang. Ông nói rằng muốn có một ngày thực sự hòa bình để ngôi chùa cổ này ai cũng được vào thăm, không còn phải rào cản vì chiến tranh. Về lại Xa Em, ông đã có buổi nói chuyện dài với cán bộ, chiến sĩ  Sư đoàn 307, khẳng định lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Campuchia với những người lính tình nguyện Việt Nam". Hơn 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, Trung đoàn 95 là đơn vị chịu nhiều gian khổ ác liệt nhất trong số các đơn vị giúp bạn. Đơn vị đã được tuyên dương anh hùng LLVTND lần thứ 2. Tiểu đoàn 1, đơn vị gắn bó với đền Preah Vihiear cũng đã được phong tặng anh hùng. Ngôi đền cổ, công trình văn hóa thiêng liêng của Campuchia đã được gìn giữ bằng máu xương của những người lính tình nguyện mãi mãi được lịch sử khắc ghi. Các CCB vẫn mong muốn một ngày nào đó lại được đến thăm ngôi đền cổ, nơi họ đã đem cả tuổi trẻ của mình để bảo vệ và gìn giữ.

Hồng Vân