Người thầy 39 năm “cõng chữ ” lên vùng biên cương

Thứ hai, 13/11/2023 12:00
Gần 10 năm trước, tôi lên Trhy- xã biên giới giáp nước bạn Lào của H.Tây Giang (Quảng Nam) gặp thầy giáo Trần Trực (1964), khi ấy đang là Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở bán trú nằm trên đỉnh “mù sương” núi Quế. Đầu tháng 11-2023 này, tôi lên A Nông - cũng là xã biên giới của Tây Giang, lại gặp thầy Trực. Lúc này, thầy là Hiệu trưởng trường Tiểu học A Nông. Vậy là đã 39 năm người thầy quê ở Hòa Phong, Hòa Vang (Đà Nẵng) ấy vẫn một lòng với tình yêu dành cho sự nghiệp giáo dục, miệt mài “cõng chữ” lên với các em nhỏ vùng cao biên giới Tây Giang này.
Công an tỉnh Quảng Nam tặng quà cho các em học sinh ở A Nông nhân dịp Tết Trung thu.
Hiệu trưởng Trần Trực (bên phải) cùng Công an xã ký kết mô hình Cổng trường bình yên.

Gặp lại người quen, thầy vui lắm, vẫn hồn nhiên, đầy tương lai hy vọng như ngày mới bước chân lên vùng biên giới xa xôi…

Năm 1984, tốt nghiệp Sư phạm Đà Nẵng, thầy giáo trẻ Trần Trực xung phong lên vùng biên giới H.Hiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), dạy học. Bắt đầu từ đó, trên khắp dải biên cương của vùng núi phía Tây Quảng Nam đều in dấu chân thầy. Thương các em nhỏ vùng biên giới còn vô vàn khó khăn, trái tim thầy giáo trẻ luôn cháy rực niềm đam mê, nguyện cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục ở miền biên viễn này. Hôm tôi gặp thầy Trực ở Trhy gần 10 năm về trước, đã được nghe kể và tận mắt chứng kiến việc dạy- học của thầy cô giáo cùng các em học sinh nơi đỉnh “mù sương”. Tâm huyết với nghề, tận tâm, tận lực vì trẻ em vùng cao, vào thời gian rảnh rỗi, thầy tổ chức cho các thầy cô giáo chăn nuôi gà, lợn, khai phá những mảnh đất hoang, trồng nên những vườn rau xanh tốt để các em học sinh có những bữa ăn thêm đầy đủ… Gặp lại thầy Trực ở A Nông lần này, tôi cũng bắt gặp vườn rau xanh mướt trong khuôn viên trường.

Hôm tôi lên A Nông, vùng biên giới mưa như trút nước, thầy Trực đang cùng các thầy cô mải lo sửa lại đường ống dẫn nước bị nước lũ phá hỏng từ khe suối trên núi cao về điểm trường Tiểu học. Thầy cho hay: “Lũ rừng làm nguồn nước đục quá, phải hứng tạm nước mưa cho các em học sinh dùng tạm, lại còn dành nước để tưới vườn rau nữa…”. A Nông đã được công nhận là xã nông thôn mới đầu tiên của các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam từ năm 2014, tuy nhiên vùng núi cao biên giới A Nông này vẫn còn vô vàn gian khó. Cứ mưa lũ xuống là lo đường sá sạt lở, lại tắc đường, sạt cầu, lở cống. Đường đến trường của các em học sinh lại gian nan. Mùa mưa lũ năm nay đến sớm, khốc liệt hơn mọi năm, làm hàng rào hàng chục mét sau trường đổ sập. Phòng học còn thiếu, lại thấm dột nên Hiệu trưởng Trần Trực ất lo lắng cho việc dạy - học của thầy trò nơi đây. Trường chính đã thế, điểm trường ở thôn Zrượt còn lo hơn bởi cơ sở vật chất nơi đây vẫn còn tạm bợ, thiếu đủ thứ. Đã thế, phòng học, nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của thầy cô giáo, công trình vệ sinh… đều đã xuống cấp, dột nát. “Ngay như nước sinh hoạt cũng là nỗi lo thường trực suốt mùa mưa bão này”- thầy Trực trăn trở chia sẻ!

Công an tỉnh Quảng Nam tặng quà cho các em học sinh ở A Nông nhân dịp Tết Trung thu.

Năm học này, Trường Tiểu học A Nông có 17 thầy cô giáo, 133 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều là đồng bào Cơ Tu, trong đó có 2 lớp ghép tại điểm trường ở thôn. Do còn nhiều khó khăn nên nhiều gia đình người dân nơi đây không có điều kiện quan tâm đến việc học của con em mình. Không quản khó khăn, thầy cô lặn lội đến từng thôn, từng gia đình đưa các em đến trường, vận động các em không bỏ học. Hàng tháng, hàng tuần, nhà trường tổ chức các buổi múa hát tập thể, sinh hoạt nghi thức đội, tạo niềm vui khi các em đến trường. Hàng năm, trường tổ chức các phong trào thi đua “Phong trào Hoa điểm 10”, “Tiết học tốt”, Buổi học tốt”, “Tuần học tốt”, “Thi vẽ tranh an toàn giao thông”, viết thư thăm hỏi các chú Bộ đội biên phòng, kế hoạch nhỏ… Chất lượng học tập của các em học sinh ngày càng nâng lên, nhiều em đã học lên cao, thi đậu vào các trường đại học trên cả nước…

Thầy Hiệu trưởng chia sẻ, để có được kết quả ấy là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua gian khó của các thầy cô giáo trong trường. Hỏi thăm chuyện gia đình, tôi càng xúc động hơn khi được biết, vợ con thầy đều ở quê. Mùa mưa lũ, có khi cả tháng thầy mới về thăm gia đình một lần. Cứ mỗi dịp về quê thăm gia đình, thầy thường tranh thủ tìm gặp bạn bè là các đồng nghiệp, doanh nghiệp với tấm lòng, tình thương chuyển những phần quà lên hỗ trợ cho các em học sinh vùng biên giới có điều kiện học tập… Ấy thế mà khi trò chuyện, thầy ít khi nói về mình, toàn kể về hoàn cảnh của đồng nghiệp như vợ chồng thầy Dương Đông lên miền biên giới này đã 25 năm, hiện tại vẫn phải ở phòng tập thể, hàng tháng vượt 200km về quê ở Hiệp Đức thăm gia đình; hay thầy Nguyễn Văn Hiền, thầy Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn Toan quê ở Thăng Bình, Đà Nẵng, đều xa vợ con. Tất cả đều cùng động viên nhau vượt qua bao khó khăn, hết mình chăm lo cho các em học sinh, đều là những giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh…

Trong chiều mưa, chia tay thầy Hiệu trưởng đáng kính cùng các thầy cô giáo trường Tiểu học A Nông, tôi nghe rộn ràng tiếng hát yêu đời nơi biên cương: “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi/Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương/ Có những bài ca nghe rạo rực lòng người/ Bài ca ấy, loài hoa ấy, người giáo viên nhân dân…”.

HồngThanh