Nguyên cán bộ ngân hàng lừa hơn 10 tỷ đồng
(Cadn.com.vn) - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh TT-Huế vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Nhật Cường (1990, trú 70-Trưng Nữ Vương, TX Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) nguyên cán bộ làm việc tại một ngân hàng chi nhánh ở TT-Huế.
Theo kết quả điều tra bước đầu, với nhiệm vụ được giao là cán bộ thu hồi công nợ, đầu năm 2016, Cường được ngân hàng giao thu hồi nợ vay của ông V.Đ.T (53 tuổi, trú P. Phước Vĩnh, TP Huế) nên hai người quen biết nhau. Cuối năm 2016, với ý định chiếm đoạt tài sản của ông T., Cường đã 3 lần vay 2,3 tỷ đồng của ông T. và hẹn trong vòng 5 ngày sẽ trả đủ. Tuy nhiên, quá thời hạn trên nhưng Cường chỉ trả cho ông T. 600 triệu đồng. Sau nhiều lần gặp Cường để đòi tiền nhưng không được, ông T. gửi đơn tố giác đến Cơ quan CSĐT CA tỉnh TT-Huế. Nhận đơn của ông T., Cơ quan CSĐT vào cuộc và qua điều tra, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Nhật Cường về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lúc này, nhiều người cho Cường vay mượn tiền biết tin cũng đã gửi đơn đến cơ quan CA tố giác hành vi lừa đảo của Cường.
Căn nhà nơi Cường từng sinh sống. |
Bà N.T.Th (trú TX Hương Thủy) làm nghề kinh doanh đót cũng là một trong số những nạn nhân của Cường. Đến mùa thu hoạch, bà Th. đến ngân hàng Cường đang công tác làm thế chấp căn nhà vay 500 triệu đồng để lấy vốn mua bán. Biết bà Th. có số tiền trên, Cường đến đặt vấn đề vay để đáo hạn cho khách hàng trong 5 ngày, sau đó sẽ trả gốc kèm tiền lãi 30 triệu đồng. Nghĩ chỉ trong 5 ngày mà có được 30 triệu đồng tiền lãi, bà Th. không chút đắn đo, giao tiền cho Cường. Sau khi biết Cường bỏ trốn, chồng bà Th. quá sốc, ngã bệnh phải nhập viện cấp cứu.
Hoàn cảnh của bị hại N.Đ.Th (30 tuổi, trú P. Thủy Biều, TP Huế) càng bi đát hơn khi bị Cường chiếm đoạt 4,2 tỷ đồng. Do muốn mở rộng làm ăn nên anh Th. đã thế chấp tài sản của gia đình để vay tiền ngân hàng. Thông qua Cường, anh Th. vay tổng cộng được 4,2 tỷ đồng. Biết được anh Th. có số tiền lớn, Cường đã ngon ngọt dụ anh Th. cho mình mượn số tiền trên trong vòng vài ngày để đáo hạn, kèm theo số tiền lãi lớn. Tin lời, anh Th. chuyển toàn bộ 4,2 tỷ đồng vừa vay cho Cường. “Cứ nghĩ Cường làm ở ngân hàng, cần tiền gấp để đáo hạn giúp khách hàng, lại là chỗ quen biết nên tôi mới đưa cho Cường. Đến hẹn nhưng Cường không trả tiền, tôi đòi nhiều lần thì Cường nói: Mất tất cả rồi, sau đó bặt vô âm tín. Giờ căn nhà tôi cầm để vay ngân hàng 4,2 tỷ đồng đã bị phong tỏa. Vốn liếng không còn, tôi phải đi phụ hồ để nuôi con qua ngày” - anh Th. bức xúc.
Theo cơ quan CA, qua điều tra ban đầu, từ tháng 7 đến 12-2016, Cường đã lừa của 8 bị hại với tổng số hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, từ lời khai của Cường, cơ quan CA cũng đang xác minh đối tượng còn lừa của nhiều người khác khoảng 5 tỷ đồng. Nói về nguyên nhân Cường lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại, theo một ĐTV là do xuất phát từ việc một số thông tin trên mạng về hình thức “đầu tư sinh lãi” với việc chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản có sẵn ở TPHCM, người gửi sẽ nhận được cả gốc lẫn lãi cao trong một thời gian rất ngắn. Với mong muốn nhanh giàu, Cường quyết định đầu tư theo hình thức này. Lúc đầu, Cường chuyển vào tài khoản đó 50 triệu đồng. 5 ngày sau, từ tài khoản này chuyển vào tài khoản của Cường 55 triệu đồng. Vài lần đầu chuyển tiền vào tài khoản, cứ sau 5 ngày, tài khoản của Cường lại được chuyển tiền với mức lãi suất “khủng”. Thấy hình thức “đầu tư sinh lãi” có vẻ thuận lợi, lãi suất “khủng”, Cường nảy sinh lòng tham và vay mượn tiền tỷ đề đầu tư vào hình thức này. Và về sau, Cường đã chuyển lần lượt vào các số tài khoản nói trên tổng cộng khoảng 10 tỷ đồng, nhưng 5 ngày, 10 ngày trôi qua dịch vụ này lại không chuyển tiền trả cho Cường như những lần trước. Phía dịch vụ này yêu cầu Cường phải chuyển thêm tiền vào các số tài khoản trên thì mới được “giải ngân” số tiền cũ cộng với lãi cao. Lúc này, xác định lùi cũng không xong nên Cường tìm cách lừa đảo người khác để có tiền tiếp tục gửi vào các số tài khoản cũ. Cơ quan CA xác định, tất cả các bị hại của Cường đều là khách hàng của ngân hàng mà Cường từng công tác.
Hầu hết các bị hại đều cho biết, sau khi được Cường giúp lập các khế ước vay ngân hàng thành công, họ đã trích phần trăm nhưng Cường không lấy. Thế nhưng ít ngày sau, Cường quay lại và đặt vấn đề cần tiền đáo hạn cho khách hàng thì được chấp nhận vì mọi người biết Cường là cán bộ đang làm tại ngân hàng. Do đó, trong tài khoản của khách hàng có bao nhiêu thì Cường đều biết rõ và đặt vấn đề vay mượn họ đúng với số tiền đó. Hiện, nhiều người cho Cường vay mượn tiền lâm vào cảnh nợ nần, bị xiết nhà, không có tiền trả lãi ngân hàng… Một bị hại cho biết, ngoài việc Cường là cán bộ ngân hàng thì bố mẹ Cường thời điểm đó đều có chức quyền nên họ tin tưởng cho mượn. Cơ quan CA đã xác định được, các tài khoản mà Cường chuyển tiền đều là chủ nhân ở TPHCM và đang tích cực phối hợp với CA địa phương để điều tra.
H.Lan