Nhà báo bán hàng ONLINE
Có nhà báo tìm đến với bán hàng online như một niềm vui sau những giờ lang thang khắp các địa bàn để triển khai các đề tài; có người lại coi công việc đó như là một nghề phụ để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình; có những người thì như một cái duyên...
Bán hàng online được hiểu là một phương thức kinh doanh trên mạng Internet. Người bán có thể mua tên miền, lập trang web cá nhân để giới thiệu sản phẩm. Thế nhưng, nhiều nhà báo, phóng viên không đủ kinh phí để đầu tư mở website riêng nên chủ yếu bán sản phẩm qua các trang mạng xã hội. Không phải ai cũng giỏi kết nối thông tin qua facebook, nhưng để giới thiệu vài mặt hàng trên nền tảng ứng dụng của mạng xã hội này thì cũng không khó khăn gì.
Nhà báo H.L bán sản phẩm trên trang facebook cá nhân |
Trường hợp nhà báo H.L công tác tại báo DT, là một thí dụ. Xưa nay, H.L không biết bán hàng qua mạng là gì, chỉ đến khi H.L chia sẻ lên trang facebook cá nhân về những sản phẩm mỹ phẩm được người thân gửi từ nước ngoài về, thấy bạn bè, đồng nghiệp hỏi mua ở đâu, rồi nhờ mua hộ... thế là H.L dấn thân vào con đường bán hàng online từ bao giờ không biết. Giá cả chênh lệch ít nhiều, đủ để người bán có chút lãi, có niềm vui.
Sau những giờ thong dong trên chiếc xe máy đi về các địa bàn để viết tin bài, nhà báo H.L mày mò qua các nhóm bán hàng online, giới thiệu các mặt hàng xách tay mà nhà mình đang có. H.L bảo “giờ tôi bán các mặt hàng mỹ phẩm của nội địa nước Đức, được bạn bè và đồng nghiệp ủng hộ nhiều, có những hôm đi giao hàng giữa trời nắng 40 độ, cũng có những ngày mưa bão, thậm chí tôi còn nhờ cả chồng mình đi giao hàng ngoài giờ hành chính cho nữa. Tuy hơi vất vả trong việc giao hàng, nhưng gia đình có thêm đồng ra, đồng vào”.
Khác với nhà báo H.L, phóng viên X.H lại hào hứng mang tới cho bạn bè và người thân những loại hoa quả tươi, sạch. X.H chia sẻ: Tôi tham gia bán hàng trên mạng từ những đêm ngủ muộn. Lần mò vào mạng xã hội, thấy nhiều người có nhu cầu tìm mua đặc sản của quê hương. Là người có chút kiến thức nên tôi hiểu biết về giá trị các sản vật, đặc sản địa phương. Mọi sản vật ở quê hương như ổi, cam Quỳ Hợp có giá thành thấp hơn miền xuôi cả vài giá, chỉ vì kém... cái bao ni-lông bọc sản phẩm. Thế là tôi dùng điện thoại chụp ảnh đăng lên facebook. Hình ảnh sản phẩm “thật như chính tâm hồn, tấm lòng người vùng cao”. Tôi bán từng ki-lô-gam ổi, mít quê, lít mật ong rừng nguyên sáp. Lời lãi không nhiều, nhưng đồng thừa, đồng thiếu ấy “có mặt” trong bữa cơm “ít đạm” của gia đình.
Phóng viên X.H với đặc sản vườn nhà. |
Có lẽ với việc kinh doanh, không gì buồn hơn là... ế hàng. Với bán hàng online buồn nhất là bị khách...“bỏ bom”! X.H kể, đồng lương và nhuận bút của phóng viên đã không mấy cao, nhiều khi bị khách hàng “bỏ bom”... phải bù tiền hàng hết cả “khoản cứng” đóng cho vợ. Mật ong 600 nghìn đồng một lít, ổi 25 nghìn đồng/1kg, cam cũng tầm 40 đến 60 nghìn đồng/1kg. Đấy là giá bạn bè lấy giúp nhau, thậm chí còn chưa có cước gửi xe khách. Ấy vậy mà khi nghe đến giá thành sản phẩm nhiều “bạn” kêu đắt rồi... “bỏ của chạy lấy người”. Trên mạng xã hội, người ảo, tên ảo, không biết ai là ai nên rất khó để buộc trách nhiệm.
Quả thật, công bằng mà nói, với đồng lương phóng viên, mấy cân cam Quỳ Hợp, mấy lít mật ong rừng có giá khá cao. Không còn cách nào khác, X.H lại nhờ bạn bè... trên hành trình đi tới của chuyến hàng trợ giúp, mua với giá gốc. Như vậy, chuyến hàng coi như lỗ vốn. Lần khác, có khách đặt mua mấy nhánh lan rừng, X.H quên không dặn khách, rằng hoa chỉ nở một đợt để chơi Tết. Còn lại sau đó muốn hoa nở tiếp phải chăm sóc, trồng ở nơi có khí hậu mát mẻ. Thế nhưng, khách đưa về Sài Gòn, vậy là lại trách móc, là buồn, là tổn thương!
Đặc sản miền tây Nghệ An được phóng viên T.G đăng tải trên trang cá nhân. |
Phóng viên T.G cũng gặp cảnh “dở khóc dở cười” khi lựa chọn bán các mặt hàng thuốc gia truyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là những sản phẩm trị hôi chân, hôi nách, xoang mũi, thuốc lá chữa đau dạ dày, thuốc bong gân, sỏi thận... đặc trị mà chỉ người miền núi mới có. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu. Những lời dị nghị, gièm pha của đồng nghiệp khiến cô chạnh buồn. Cho đến khi, nhiều ý kiến phản hồi về tác dụng của thuốc của những khách hàng qua mạng, T.G cảm thấy những gì mình chịu đựng thời gian qua là hữu ích. Cô bảo, bán hàng online phải kiên trì giải thích cho khách hàng. Siêng đăng các bài nói về hiệu quả, công dụng của thuốc vì thế mà thêm uy tín và thuyết phục hơn. Thương hiệu của sản phẩm thuốc gia truyền vì thế mà bay xa... Những tin nhắn cảm ơn của người được khỏi bệnh là niềm vui để cô thêm vững tin. Nhưng cũng nhiều lần cô bị “bỏ bom”, dùng không được, bán cũng không xong thế là lỗ vốn. “Có lần, khách còn “bỏ bom” cả tạ khoai sọ đặc sản. Thân gái một mình vật lộn với bốn, năm bao tải khoai mà thấy lòng nặng trĩu”, T.G ngậm ngùi.
Nhà báo, phóng viên bán hàng qua facebook, không gì hơn là tìm kiếm niềm vui và chút thu nhập đắp đổi mớ rau, con tép. Họ đánh đổi, đặt ngang bằng uy tín người làm báo cho hàng hóa, thương hiệu gửi đến khách hàng. Vui đấy, mà buồn đấy! Nhưng kinh tế thị trường là thế! Không ai có thể nói “tôi đứng ngoài vòng quay ấy”.
XUÂN SƠN