Nhiều sinh viên sập bẫy tuyển dụng việc làm

Thứ sáu, 28/07/2017 14:40

* Có trường hợp bị lừa gần 40 triệu đồng

Những ngày qua, nhiều sinh viên đang theo học tại TT-Huế phản ánh bị dính bẫy đa cấp qua hình thức tuyển dụng việc làm. Cụ thể, lợi dụng sinh viên đang rất cần việc làm thêm, nhiều Cty biến tướng bán hàng đa cấp thông báo tuyển dụng bằng tờ rơi hoặc đăng tải trên các trang web, mạng xã hội với mức lương 3 - 4,5 triệu đồng/tháng nên nhiều người liên hệ để phỏng vấn. Khi đến, mỗi người được giới thiệu gặp riêng một nhân viên để được tư vấn về dự án, sản phẩm, lương thưởng; kế hoạch làm việc với các cấp khởi nghiệp 1, khởi nghiệp 2 và chuyên nghiệp... với hứa hẹn sẽ nhận mức lương “khủng” trong tương lai. Để tham gia, trước tiên phải nộp 160 ngàn đồng phí thủ tục, hồ sơ, thẻ thành viên.

Sản phẩm đa cấp kinh doanh sai quy định được CATP Huế tạm giữ.

L.T.N.P. (sinh viên bị lừa) cho biết, P. chọn cấp khởi nghiệp 2 và nộp vào 8 triệu đồng để tham gia. Khi đã nộp tiền, P. được nhận lại 25 hộp sản phẩm chức năng bổ não, cân bằng dinh dưỡng... rồi được hướng dẫn tư vấn cho người thân dùng thử, kêu gọi họ tham gia vào hệ thống với hứa hẹn “có nhiều người tham gia, P. sẽ được thăng cấp, có nhiều thu nhập”. Nhưng 1 tuần sau, P. nhận được tin dự án thay đổi chính sách làm ăn, gặp nhiều khó khăn nên những người thu tiền lôi kéo sang một dự án khác. Nghe lời, P. tiếp tục tham gia và đóng thêm 30 triệu đồng để được kích hoạt lên hệ thống. Sau vài ngày nộp tiền, P. phát hiện tất cả các dự án, Cty trên đều không có thật. Khi P. tìm đến nơi đòi tiền thì các đối tượng nói chưa hề nhận tiền, không có biên lai, các sản phẩm chức năng không phải của họ. “Cho đến lúc ấy em mới biết mình bị lừa và không lâu sau đó những người đó bỏ đi, chặn số, hủy kết nối facebook nên em không thể liên lạc được” - P. bức xúc.

Tương tự, H.T.H. (sinh viên, quê Quảng Bình) cho biết, được người bạn giới thiệu nên H. đến phỏng vấn. Sau khi nộp lệ phí ban đầu, một cô gái khoảng 25 tuổi giới thiệu là nhân viên Cty đã tư vấn, yêu cầu H. phải nộp vào 6,8 triệu đồng và theo lời nhân viên, số tiền này về sau sẽ được trả lại. Với mong muốn có việc làm thêm ngoài giờ học, H. tìm đến một chị bạn đồng hương mượn 6,8 triệu đồng để nộp. Nhưng khi nộp tiền vào rồi H. mới biết là bị “ép” bán hàng thực phẩm chức năng - một dạng kinh doanh hàng đa cấp. Khi H. xin rút tiền lại thì bị từ chối, đồng thời họ còn yêu cầu H. tiếp tục đóng thêm cho đủ 25 triệu đồng để chuyển qua dự án khác sẽ có mức lương cao hơn. Không có tiền để nộp, H. đành mất trắng 6,8 triệu đồng.

Nhiều người bị sập bẫy lừa cho biết, khi nộp tiền cho các đối tượng, họ không yêu cầu lấy hóa đơn, chứng từ hay biên lai thu tiền. Một số sinh viên bị lừa cho biết, nhân viên lừa tiền của họ thuê nhà ở trong kiệt đường Đặng Huy Trứ (TP Huế). Khi chúng tôi lần theo địa chỉ này thì một số hộ dân sống gần đó cho biết, khoảng 2 tuần trước có nhiều người trẻ nói giọng miền Nam đến đây thuê trọ, không rõ làm việc gì nhưng khi nào cũng tụ tập đông đúc. Khi những người này đến thuê trọ thì có xảy ra nhiều vụ cãi vã, gây gổ vì nhiều người đến tìm gặp đòi tiền. Sau khi CSKV đến làm việc thì những người đó chuyển đi nơi khác.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế CA tỉnh TT-Huế cho biết, pháp luật Việt Nam quy định “kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau”. Trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng. Theo điều 5 Nghị định 42/2014/ NĐ-CP đã nghiêm cấm các trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp... nhưng nhiều Cty, cá nhân vẫn bất chấp.

Thượng tá Mai Văn Toàn - Phó trưởng Phòng CSKT CA tỉnh TT-Huế khẳng định, trên thực tế vẫn còn một số tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh. Do chế tài quản lý và xử lý chưa chặt chẽ nên nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra chủ yếu là... lừa đảo. Việc cơ quan CA cắt đứt nhiều “vòi bạch tuộc” đa cấp vừa qua là những ví dụ. Mọi người nên tỉnh táo trước những thông tin tìm kiếm việc làm trên mạng, không nên nghe theo lời dụ dỗ tham gia bán hàng đa cấp, vì khi tham gia vô tình tiếp tay cho kẻ lừa đảo. Nếu phát hiện lừa đảo hoặc bị lừa đảo phải báo với cơ quan CA để có cơ sở xử lý.

H. LAN