Nhộn nhịp mùa hái "lộc trời"

Thứ tư, 15/09/2021 18:20

Nấm tràm thường mọc nhiều dưới lớp lá tràm khô.

Cứ độ cuối tháng 7 âm lịch, Huế trong thời khắc giao mùa mưa nắng đan xen bà con lại rủ nhau cắp sách, mang bị vào những cánh rừng sâu để tìm hái nấm tràm. 
Những ngày này, đi trên những con phố hay vùng quê ở Huế người ta đều rất dễ bắt gặp những chuyến xe, gánh hàng đầy ắp nấm tràm được người dân và thương lái bày bán nhộn nhịp. Sau những cơn mưa, trời hửng nắng cũng là lúc nấm tràm phát triển mạnh mẽ, để hái được những búp nấm béo tròn bà con phải có kinh nghiệm và chọn thời điểm đi thích hợp. Mùa nấm tràm không cố định, có năm chỉ khoảng đầu tháng 4, tháng 5 âm lịch nhưng năm nay mãi đến cuối tháng 7 mới có mưa dầm nên nấm tràm cũng nở muộn. 

Theo kinh nghiệm của người "sành sỏi" cứ sau 2 hoặc 3 ngày mưa dầm, trời bắt đầu hửng nắng cũng là lúc họ cắp giỏ rủ nhau len lỏi qua những cánh rừng để tìm nấm. Nấm tràm ẩn mình trong những đám lá khô, cỏ rậm dưới những gốc tràm già sau cơn mưa dài ẩm ướt.

Mới 7 giờ sáng khi màn sương chưa tan trên đỉnh núi, chúng tôi theo chân chị Hồ Thị Thu Huyền người dân vùng trồng tràm bán sơn địa (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cùng bà con trong xóm lên rừng hái nấm. Chị cùng 3 người phụ nữ trong thôn băng bươn lên rừng, leo qua những con dốc rồi tấp vào một cánh rừng tràm ven suối. Lúc này, các chị tách ra nhiều hướng thoăn thoắt dưới những tán cây tìm nấm tràm.

Sau khi hái xong, người dân mang nấm về nhà làm sạch.

Chị Huyền kể "năm nay trời mưa muộn, tháng 7 mới có trận mưa dầm nên nấm cũng mọc muộn hơn năm ngoái, hôm nay là ngày thứ 4 tôi đi, mùa này tôi hái cũng kha khá, có ngày chở liền 2 bao tải". "Năm nào vào mùa nấm tràm, bà con xóm tôi cũng rủ nhau vào rừng để tìm nấm, càng đi vào rừng sâu thì mới có nhiều nấm búp và ngon vì ở đây ít người tới, chỉ có người bản địa như bọn tôi mới dám vào sâu vì trong rừng đường rất khó đi và dễ bị lạc", chị Võ Thị Lành tiếp lời.

Mỗi mùa nấm chỉ kéo dài khoảng từ 10 ngày đến 15 ngày, tùy thời tiết và khí hậu từng năm, nấm mọc nhiều hay ít cũng tùy vào thổ nhưỡng từng nơi. Với những "thợ săn nấm" chuyên nghiệp và có kinh nghiệm thì mỗi mùa nấm họ kiếm hàng chục triệu đồng là điều không khó.

"Khi nghe chòm xóm rục rịch rủ nhau đi hái nấm, tôi cũng bỏ việc đồng áng, cùng chồng vào rừng tìm nấm. Năm nay nấm mọc nhiều nên tôi hái được gần 3 tạ, suốt mười ngày liền vợ chồng tôi bán cho các thương lái đi thu mua cũng kiếm được hơn chục triệu đồng, gấp nhiều lần thu nhập bình thường", chị Trương Thị Đào đang gọt nấm nghỉ tay kể với chúng tôi.

Không chỉ có bà con ở những vùng quê chờ đến mùa nấm tràm để hái, mà người ở phố sành ăn họ cũng chờ đến tháng mưa dầm để thưởng thức thứ nấm đặc biệt trời ban. Tại các tuyến đường gần chợ An Cựu (TP Huế) những gánh nấm được người dân hái từ rừng mang ra bày bán, nấm được làm sạch hay còn nguyên được bán với nhiều mệnh giá khác nhau, mỗi kg dao động từ 20.000 - 50.000 đồng tùy loại.

Nấm được các thương lái bán tại các chợ của TP Huế.

Đoạn đường trước đàn Nam Giao (TP Huế), người mua kẻ bán nấm tràm qua lại tấp nập. Nấm được bán đủ loại và đa dạng bởi vì đây là khu vực mà các thương lái đi thu mua về rồi bán. "Nấm này tươi và ngon lắm, tôi lên tận Bình Điền để mua của người dân về, ngày nào cũng chở 3 chuyến xe mà không đủ, cứ đến mùa nấm tràm thì ai cũng muốn mua để thưởng thức bởi vì mỗi năm chỉ 1 một lần", Chị Lê Ánh Tuyết (thương lái) xởi lởi mời khách.

Nấm tràm khi ăn vào lúc đầu có vị hơi nhẫn sau đó là vị ngọt hậu, khi ăn từ từ thưởng thức ta cảm nhận vị thơm thơm, beo béo, giòn mềm. Theo kinh nghiệm của người xưa, để chế biến nấm ngon, phải ngâm nước muối, rửa sạch để giảm vị đắng, nấm tràm thường được nấu với tôm, thịt hoặc xào với rau… 

Người dân ví nấm tràm là "lộc trời" vì họ cho rằng nấm tràm có giá trị dinh dưỡng cao, và là thứ siêu thực phẩm mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần sau những trận mưa dầm thối đất. Với người dân nghèo nấm tràm là "lộc trời" để họ kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Còn với những người sành ăn, nấm tràm là hương vị tuổi thơ, mộc mạc nhưng thơm ngon bổ dưỡng. 

HOÀI NHÂN