TIẾN TỚI BẦU CỬ ĐBQH KHÓA XIV VÀ ĐB HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016-2021:

Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử

Thứ ba, 03/05/2016 09:17

(Cadn.com.vn) - Hoạt động vận động bầu cử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐB HĐND) là một trong những khâu quan trọng trong lịch trình bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Hoạt động vận động bầu cử không chỉ có những người ứng cử quan tâm mà cử tri và xã hội cũng rất chú ý, theo dõi. Bởi vì, đây là hoạt động chính, là cơ hội để những người chính thức ứng cử được trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri nơi mình ứng cử trước khi cử tri thông qua lá phiếu của mình bầu chọn vào ngày 22-5-2016.

Ủy ban bầu cử TP Đà Nẵng họp phiên thứ 3 để rà soát tình hình triển khai công tác bầu cử
trên địa bàn thành phố. Ảnh: D.H

Vì vậy, trong quá trình lấy ý kiến xây dựng Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, đây là một trong những vấn đề nổi lên được dư luận rất quan tâm, nêu ra những bất cập, kiến nghị sửa đổi và đã được Quốc hội xem xét, bổ sung. Quy định về tuyên truyền, vận động bầu cử trong Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND hiện hành đã dành hẳn 1 chương, trong đó có những quy định mới, cụ thể và chặt chẽ hơn về vận động bầu cử nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng, lạm dụng và lôi kéo, mua chuộc cử tri của người ứng cử.

Theo quy định và lịch trình bầu cử thì chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử (22-5), tức ngày 27-4-2016, Hội đồng bầu cử quốc gia phải lập và công bố chính thức danh sách những người ứng cử ĐBQH theo từng đơn vị bầu cử, Ủy ban bầu cử lập và công bố chính thức danh sách những người ứng cử ĐB HĐND theo từng đơn vị bầu cử. Từ đấy cho đến trước khi bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, là khoảng thời gian dành cho hoạt động vận động bầu cử của những người ứng cử. Người ứng cử vận động bầu cử bằng các hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử, do Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp chủ trì và phối hợp tổ chức, để trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, ĐB HĐND; trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên mạng thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng bầu cử quốc gia, trên mạng thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có), về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, ĐB HĐND.

Đặc biệt, Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND bổ sung quy định mới về nguyên tắc và những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử. Các nguyên tắc đó là việc vận động bầu cử tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; người ứng cử ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó; các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của tổ chức này không được vận động cho người ứng cử. Từ các nguyên tắc trên, Điều 68 của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND hiện hành quy định rõ những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử. Đó là các hành vi lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp, pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền lợi, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Trong khoảng thời gian từ khi công bố danh sách chính thức của những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử (sau kết quả hiệp thương lần 3) cho đến trước ngày bầu cử (22-5), cần xem đây là một trong những trọng tâm trong hoạt động giám sát bầu cử để phát hiện, ngăn chặn và xử lý, nhất là các hành vi lợi dụng, lạm dụng và lôi kéo, mua chuộc cử tri, trong vận động bầu cử ngay từ dưới cơ sở, địa bàn dân cư, nhằm bảo đảm cho các hoạt động vận động bầu cử đúng pháp luật.

Vũ Hùng

Thường trực HĐND TP Đà Nẵng sẽ kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị  bầu cử

Thường trực HĐND TP sẽ tổ chức làm việc, kiểm tra thực tế giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại các địa phương, đơn vị. Thành phần Đoàn giám sát gồm: Thường trực HĐND TP; đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND TP và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP; Tổ giúp việc của Thường trực HĐND TP về giám sát công tác chuẩn bị bầu cử. Các nội dung kiểm tra, gồm: việc lập và niêm yết danh sách cử tri; lập và niêm yết danh sách, tiểu sử của các ứng cử viên; việc cấp kinh phí bầu cử cho các phường, xã, các tổ bầu cử; chuẩn bị cơ sở vật chất tại các khu vực bỏ phiếu; công tác tuyên truyền về bầu cử tại địa phương; công tác đảm bảo ANTT tại các khu vực bỏ phiếu...

Dự kiến, chiều 4-5, Đoàn sẽ làm việc với Ủy ban bầu cử (UBBC) P. Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn); Sáng 9-5, làm việc với UBBC xã Hòa Nhơn (H. Hòa Vang); Sáng 12-5, làm việc với UBBC Q. Thanh Khê, chiều cùng ngày, làm việc với UBBC P. An Hải Bắc (Q. Sơn Trà); Sáng 13-5, làm việc với UBBC Q. Liên Chiểu; Chiều 18-5-2016, làm việc với UBBC P. Hòa An (Q. Cẩm Lệ). Sau các buổi làm việc, Đoàn sẽ đi kiểm tra thực tế tại một số khu vực bỏ phiếu trên các địa bàn.

Minh Hằng