Những người con Khu 3

Thứ năm, 28/03/2019 21:07

Gặp mặt thường niên vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Đà Nẵng, vậy mà lần gặp tháng 3 này, các cựu chiến binh (CCB) của Khu 3 Hòa Vang vẫn xúc động như lần đầu hội ngộ. Khu tưởng niệm Đội quyết tử bám trụ; nhà truyền thống Khu 3 và nhà truyền thống P.Hòa Hải (Q.Ngũ Hành Sơn)-nơi các CCB giao lưu có vị trí đắc địa. Khuôn viên rộng rãi, các hạng mục đều được xây dựng trang trọng, bề thế. Phía trước là sông Cổ Cò mát xanh, gió lộng. Một vùng cát bỏng nay đã thành phố xá thênh thang. Hiếm có đơn vị nào có địa chỉ gặp mặt quá hữu tình như thế. Ông Hoàng Thư Sinh, nguyên Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn, Trưởng ban liên lạc, Đại tá Hoàng Lê Nghĩa, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS TP Đà Nẵng..., đến rất sớm. Đó là chưa kể trước đó một ngày, cả Ban liên lạc truyền thống Khu 3 cùng nhiều cán bộ nòng cốt đã về đây làm lễ dâng hương các anh hùng, liệt sĩ.

Ông Lê Thanh Vân (giữa) nguyên Bí thư Khu 3 nói chuyện với đồng chí Bí thư Quận ủy và các CCB trong ngày gặp mặt.

Sau khi thuộc Đặc khu Quảng Đà (1967), Hòa Vang được chia làm 3 khu. Đảng bộ Khu 3 đã lãnh đạo 6 xã cánh đông đương đầu với đế quốc Mỹ gồm: Hòa Phước, Hòa Đa, Hòa Lân, Hòa Phụng, Hòa Long, Hòa Hải (nay gồm 4 xã, phường là Hòa Phước, Hòa Xuân, Hòa Quý, Hòa Hải). Hàng trăm CBCS từ hậu cứ rừng núi về vùng cát ven biển, sống và hoạt động ngay trong lòng địch. Khu đội 3 với đơn vị nòng cốt Đại đội 3 "tả xung hữu đột" khiến kẻ thù khiếp sợ. Những con số bi thương mà Ban liên lạc đọc tại buổi gặp mặt khiến nhiều CCB bùi ngùi. Chỉ trong vòng 8 năm, hơn 200 CBCS Dân chính Đảng và bộ đội Khu 3 đã vĩnh viễn nằm lại trên đất mẹ. 3 Bí thư Đảng bộ Khu 3 lần lượt ngã xuống, trong đó, Bí thư Nguyễn Văn Cừ vừa nhận nhiệm vụ trên đường về lại Hòa Hải thì bị phục kích. Đại đội 3 qua các thời kỳ có đến 19 người trong ban chỉ huy không có mặt ngày giải phóng. Trận đánh Xuân Mậu Thân 1968 ở ngã tư Quân đoàn có 40 CBCS tham gia chiến đấu nhưng chỉ có 7 người trở về. Số còn lại đều hy sinh hoặc bị bắt tù đày. Chính trị viên phó Đại đội 3 Hoàng Lê Nghĩa từng chỉ huy đơn vị phối hợp với R20 đánh vào căn cứ sân bay Nước Mặn năm 1968 kể rằng, ông đã thoát khỏi vòng vây trong trận đánh khốc liệt đó, nhưng chỉ vài tháng sau thì bị địch bắt, đến năm 1973 mới được trao trả.

Cô y tá trẻ Đoàn Thị Thanh Cần của Khu đội 3 năm xưa bị vây quanh bởi những cái bắt tay thương mến. Họ coi vinh dự của đồng đội được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2018 cũng là chiến công của đơn vị mình. "Nhỏ chút mà lì lắm", "Chỗ mô đấu tranh hắn cũng có mặt", "Trận Nước Mặn, bị M79 bắn banh bụng như rứa, ai cũng tưởng cô em út chết rồi, vậy mà chừ vẫn trẻ trung thế kia"... Nghe những tiếng lao xao của các anh chị dành cho mình, người nữ anh hùng bỗng lặng đi. Từng gương mặt Khu 3 thân yêu ngày ấy hiện lên trước mắt. Người con gái Hòa Quý nhớ như in hình ảnh Chính trị viên Đại đội 3 Phạm Mận như người anh cả. Ngày lên núi, đường xa, lại quá nhỏ, chính anh đã cõng út Cần trên lưng một quãng dài. Rồi giây phút cùng anh xuất kích đêm Mậu Thân ở ngã tư Quân đoàn. Ai cũng bảo hình ảnh người Chính trị viên bị thương nát thân thể vẫn nhớ về Đảng: "Nếu các đồng chí về lại Hòa Hải hãy báo với tổ chức là Phạm Mận đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao", chính là khí chất của người Khu 3.

Mấy ngày trước còn nằm viện liệt giường, không ai nghĩ ông Lê Thanh Vân, nguyên Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đến được với đồng đội. Người cựu Bí thư Khu 3 tuổi đã cao vẫn minh mẫn lạ. Hỏi thăm từng người, từng gia cảnh, bàn tay run run nắm lấy bàn tay, ông như truyền cả nguồn năng lượng còn lại của mình cho người xung quanh. Nhớ đến ông, thế hệ sau càng thêm kính trọng những "cây đa cây đề" quê cánh đông này. Đó là Anh hùng LLVTND Mai Đăng Chơn- Phó Chính ủy Mặt trận 44, hy sinh trận Mậu Thân; nguyên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban cán sự vùng cát Mai Ngọc Châu, người được ra Bắc báo cáo Hòa Vang đánh Mỹ và nghe Bác Hồ động viên với câu bất hủ: "Phải làm cho Hòa Vang trở thành chấm son trên bản đồ Tổ quốc".

Ông Mai Thanh Đông, nguyên Đội trưởng Đội quyết tử trụ bám 50 năm trước, nhân vật đầy xúc cảm trong nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong sức khỏe không còn như xưa sau tai nạn. Hàng chục bậc thang của Đài tưởng niệm là thử thách lớn nhưng đôi chân ông vẫn mạnh mẽ lên xuống đặt hoa trái và dâng hương. Ngày 31-3-2019 này, Đội Quyết tử tròn 50 năm. Ngày ấy, được Đảng bộ Khu 3 giao làm Đội trưởng, chàng trai 19 tuổi Mai Thanh Đông đã không phụ lòng tin yêu của các chú lãnh đạo. Hình ảnh 53 đội viên trẻ lấy máu tuyên thệ nguyện sống chết với quân thù đã làm xôn xao cả miền Nam. Bức huyết tâm thư ấy hiện được lưu giữ bản gốc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5. Không nói về mình, ông Mai Thanh Đông dành nhiều sự kính trọng với cố nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, nguyên đặc phái viên lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ trực tiếp về Hòa Hải nắm tình hình và thành lập Đội Quyết tử. Theo ông Đông, có được khu lưu niệm này, công sức lớn phải kể đến ông Nguyễn Chí Trung đã theo đuổi ý tưởng, tham mưu cho lãnh đạo thành phố. Tiếc là, hiện nay hình ảnh trưng bày ở hai nhà truyền thống Khu 3 và nhà truyền thống P. Hòa Hải chưa xứng tầm với những chiến công trong lịch sử.

Trao đổi vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho biết: "Hai mươi năm trước, Q. Ngũ Hành Sơn được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND chính là trên nền tảng truyền thống Khu 3. Thế hệ chúng tôi có trách nhiệm giữ gìn và xây đắp thành tích ấy. Một trong những việc phải tiến hành đó là tôn tạo và phát triển khu lưu niệm. Sắp tới, quận sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng đi sưu tầm, bổ sung hiện vật, sắp xếp khoa học, tranh thủ sự hỗ trợ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5. Đặc biệt là hướng dẫn các trường học, Đoàn thanh niên tăng cường giáo dục truyền thống thường xuyên ngay tại khu tưởng niệm chứ không phải chỉ có những ngày lễ mới hội tụ về đây".

150 CBCS du kích Khu 3 dẫu đã đến giờ tuyên bố bắt đầu buổi gặp mặt vẫn chưa dứt câu chuyện chiến đấu năm xưa. Những gương mặt đã vơi bớt lo âu vì cuộc sống thường nhật nhưng sẵn sàng rơi lệ khi ai đó chạm vào nỗi nhớ. Với họ, ký ức Khu 3 oai hùng chẳng thể nào quên.

HỒNG VÂN