Những người nuôi chữ trên ngàn
Tiếp sức học sinh đến trường
(Cadn.com.vn) - Đã gần 2 năm nay, ngày nào giáo viên Trường TH và THCS Lâm Hóa (xã miền núi Lâm Hóa, H. Tuyên Hóa, Quảng Bình) cũng thức dậy từ sáng sớm xuống bến đò đón học sinh từ bản Kè đến trường. Bản Kè nằm cách điểm trường chính khoảng hơn 4km nhưng bị ngăn cách bởi một con nước lớn thuộc thượng nguồn sông Gianh rộng chừng 30m. Hằng ngày học sinh phải vượt núi, trèo đèo và phải qua một lần đò mới đến được trường. Chính vì nỗi nhọc nhằn đó mà nhiều em học sinh phải bỏ dở con đường học tập.
Thầy cô giáo Trường TH và THCS Lâm Hóa đang đưa đón học sinh đến trường. |
Bàn cách “níu” chân học sinh với trường, với lớp, tập thể giáo viên xin ý kiến lãnh đạo nhà trường tổ chức đội xe đưa đón học sinh. Được Ban Giám hiệu đồng ý, đội xe được triển khai và duy trì được gần 1 năm học. Thầy Hoàng Ngọc Lâm, giáo viên thường xuyên chở học sinh tâm sự: “Thấy học sinh vất vả đến trường nên anh chị em động viên nhau đưa đón. Lên miền núi công tác, mỗi một giáo viên nơi đây đều xác định và chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn. Ai cũng muốn học trò chăm chỉ đến trường, học hành càng tiến bộ. Nghĩ vậy nên 2 năm qua, việc đưa đón học sinh đến lớp đều do các thầy cô tự nguyện, họ thay phiên nhau chở học sinh bằng tất cả tình yêu thương”.
Có thầy cô đưa đón, học sinh bản Kè đi học chuyên cần hẳn, không còn tình trạng nghỉ học “giã gạo” như ngày trước. Đến lớp thì học sinh ngồi học bài nghiêm túc hơn và tình cảm thầy trò càng gắn bó hơn. Em Hồ Thị Thắng, một trong hơn 15 học sinh bản Kè đang học tại trường được thầy cô đưa đón hằng ngày, bộc bạch: “Trước đây, chúng em đi học vất vả lắm, nhiều bữa mưa to gió lớn là phải nghỉ học, nhưng từ khi được các thầy cô đưa đón, động viên nên chúng em không bỏ học nữa”.
Ngày ngày học sinh bản Kè phải qua đò đến lớp. |
Nhường cơm, sẻ áo
Thấy học sinh học hai buổi đi về vất vả, trong khi đó nhà bán trú cho học sinh chưa hoàn thành, thầy cô tình nguyện quyên góp mỗi tháng 15.000 đồng, trích gạo nấu cơm cho học sinh ăn buổi trưa. Sau buổi học sáng, thầy Nguyễn Thanh Lương, Hiệu trưởng dẫn chúng tôi xuống thăm Khu nhà công vụ giáo viên. Tại đây, các em học sinh bản Kè chia thành 3 nhóm về phòng các giáo viên cùng giúp nấu ăn. Em thì nhặt rau, em cắm cơm, em đun nước pha mì tôm...
Khoảng 30 phút sau, bữa cơm đạm bạc của thầy và trò dọn ra với cơm, rau rừng luộc, cá kho và một nồi canh mì tôm nghi ngút khói. Bữa cơm đạm bạc nhưng ấm tình thầy trò làm chúng tôi thật sự xúc động. Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Kiều tỏ vẻ ngại khi mời tôi dùng bữa: “Không biết anh ăn được không nữa, cuộc sống của giáo viên và học sinh của chúng tôi là thế đó. Các em ở đây nghèo, được bữa ăn như thế là mừng lắm rồi, miễn sao no cái bụng trước đã”. Căn phòng nhỏ chật chội của cô Kiều bỗng vui vẻ, ấm cúng hẳn lên. Em Cao Văn Nồng vui mừng nói: “Nhà cháu nghèo lắm, bố mẹ suốt ngày làm nương, làm rẫy, nhiều khi nhịn ăn đến trường, được ăn cơm với thầy cô ngay tại trường chúng em sướng lắm”.
Cuộc sống người dân xã miền núi Lâm Hóa (H. Tuyên Hóa) còn lắm khó khăn. |
Ngoài việc đưa đón, lo cơm nước cho học sinh bản Kè thì thầy cô giáo còn góp tiền sửa chữa xe đạp cho học sinh bản Cáo và bản Chuối. Thầy Nguyễn Thanh Lương cho biết, các em học sinh ở 2 bản này cách trường khoảng chừng 4 - 5 km nên gia đình phải sắm xe đạp. Tuy nhiên, đường đi lại khó khăn, xe đạp hỏng thường xuyên nên học sinh thường nghỉ học vì chưa có tiền sửa xe.
Hiểu được khó khăn đó, nhà trường đã liên hệ với các quán sửa xe trên địa bàn để “hợp đồng” sửa cho học sinh khi bị hỏng hóc. Khi sửa xong, học sinh mang giấy thanh toán về đưa cho trường, rồi hàng tháng nhà trường sẽ cử đại diện đến quán trả tiền. Thầy Lương tâm sự: “Anh em giáo viên ai cũng khó khăn vất vả nhưng vẫn luôn cố gắng giúp học sinh tất cả những gì có thể, miễn sao học sinh đến trường đầy đủ, cố gắng học tập là thành công rồi”.
Năm học 2014-2015, Trường TH và THCS Lâm Hóa có tổng cộng 188 học sinh, trong đó có 107 học sinh dân tộc thiểu số. Nếu như năm học 2012- 2013, trường có 6 học sinh bỏ học thì đến năm học 2013 – 2014, nhờ việc đưa đón học sinh và có bữa ăn trưa đã duy trì được 100% số học sinh. Cũng chính vì vậy mà tỷ lệ học sinh khá giỏi đã tăng lên hằng năm và cho đến nay đạt trên 30%, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là tình cảm thầy trò gắn bó hơn, còn người dân địa phương, phụ huynh học sinh luôn quý trọng những người giáo viên và xem họ là điểm tựa niềm tin, giúp con em dân bản thực hiện ước mơ của mình.
Bài ảnh: Đại Khải